Đừng để giấy đi đường là gánh nặng!
Nhân Tâm
(KTSG Online) – Sau một tuần áp dụng “giấy đi đường” cho doanh nghiệp và người dân trong những ngày giãn cách xã hội, chính quyền thành phố Đà Nẵng lại thay đổi nội dung quy định trong giấy này mà theo nhiều ý kiến là gây rắc rối hơn.
Nhằm phòng chống dịch hiệu quả, Đà Nẵng áp dụng giãn cách xã hội trên toàn thành phố cũng như vùng cách ly y tế tại nhiều phường từ tối 31-7, theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ kèm các biện pháp thắt chặt phù hợp.
Kèm theo đó, Đà Nẵng cấp “giấy đi đường” kể từ ngày 1-8 để kiểm soát việc đi lại trong thời gian giãn cách.
Cụ thể, thủ trưởng cơ quan, đơn vị ký và đóng dấu cấp cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc tại các cơ quan, đơn vị nhà nước. Đối với công nhân, nhân viên, người lao động làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh, dịch vụ, công trình được phép hoạt động sẽ do giám đốc doanh nghiệp cấp. UBND phường, xã nơi cư trú cấp cho người lao động, hộ kinh doanh không có đơn vị sử dụng lao động quản lý.
Khi lưu thông trên đường, người dân chỉ cần đưa giấy đi đường này kèm giấy tờ tùy thân cho nhân viên trực tại các chốt là được phép đi qua.
Tuy bị hạn chế nhưng phần đông người dân đồng tình vì mục đích chung là phòng chống dịch, hạn chế sự lây lan khó kiểm soát. Điều họ cần làm là in mẫu giấy đi đường này, điền đầy đủ thông tin tên nhân viên và mục đích lưu thông trên đường, ký và đóng dấu.
Tuy nhiên, vấn đề đã phát sinh những ngày sau đó. Đã có một vài doanh nghiệp lợi dụng chính sách này để... “cho thuê” giấy đi đường. Đơn cử, một hợp tác xã kinh doanh vận tải đã bị phạt 15 triệu đồng vì cấp giấy đi đường cho một cá nhân không phải nhân viên của mình. Bản thân cá nhân này cũng bị phạt 7,5 triệu đồng.
Sau những sự cố này, UBND thành phố Đà Nẵng đã quyết định từ 12 giờ ngày 6-8 sử dụng giấy đi đường mới. Điểm khác biệt của giấy đi đường mới là có thêm xác nhận của cơ quan có thẩm quyền.
Trong đó, giấy đi đường của các doanh nghiệp (bên ngoài khu công nghệ cao và khu công nghiệp) đều phải có thêm xác nhận của UBND phường, xã bên cạnh ký tên và đóng dấu của giám đốc doanh nghiệp.
Điều này vô hình trung đẩy gánh nặng lên vai của cán bộ cấp phường, xã vì sẽ phải giải quyết xác minh, cấp giấy chứng nhận cho từng nhân viên tại các doanh nghiệp cũng như người lao động, hộ kinh doanh không có đơn vị sử dụng lao động.
Có doanh nhân than phiền anh phải chuẩn bị hồ sơ bao gồm giấy đăng ký kinh doanh doanh nghiệp của mình, công văn đề nghị cấp giấy phép đi đường kèm danh sách nhân viên đề nghị cấp phép, giấy tờ chứng minh là nhân viên đang làm việc tại công ty (bảng lương) và từng giấy đi đường của mỗi nhân viên. Chưa kể, anh sẽ phải mất thời gian chờ phường xác minh và giải quyết từng hồ sơ. “Khi mọi người rồng rắn kéo lên phường thì nguy cơ lây lan dịch bệnh rất cao”, anh nhận xét thêm.
Những gì vị doanh nhân chia sẻ không phải là vô cớ khi qua tìm hiểu thấy nhiều doanh nghiệp khác được phép kinh doanh hiện đang gặp phiền toái với nội dung khá rối về quy định giấy đi đường này. Họ cho rằng gây nhiêu khê hơn quy định cũ trong khi chưa chắc đạt hiệu quả cao hơn.
Có ý kiến cho rằng, về giấy đi đường, vấn đề cần chặt chẽ là phải cấp đúng đối tượng quản lý của cơ quan, đơn vị mình. Người đứng đầu chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật nếu để xảy ra vi phạm, gây ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch của thành phố do việc cấp giấy đi đường trái quy định.
Vì vậy, chính quyền thành phố chỉ cần làm nghiêm việc xử phạt này chứ không cần thêm cơ quan xác minh trong giấy đi đường mới.
Có thể áp dụng QR Code trong giấy đi đường, nhân viên tại các chốt có thể quét và biết được thông tin của công ty và danh sách nhân viên hoạt động đã được đăng ký với các sở liên quan.
Cho dù là phương pháp nào đi nữa, với những công cụ có trong tay, chính quyền nên tính toán để có những biện pháp hợp lý hơn, tạo thuận tiện cho doanh nghiệp hoạt động mà vẫn không ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch. Đừng để giấy đi đường là gánh nặng của doanh nghiệp cũng như người dân.