Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Đừng để giấy xét nghiệm Covid-19 trở thành giấy phép con

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Đừng để giấy xét nghiệm Covid-19 trở thành giấy phép con

Minh Duy

(KTSG Online) – Hai ngày gần đây, để có thể đi vào tỉnh Đồng Nai, hoặc vào Dĩ An thuộc tỉnh Bình Dương, nhiều người dân ở TPHCM đã phải đi xét nghiệm lấy giấy chứng nhận âm tính với SARS-CoV-2 khiến nhiều bệnh viện quá tải.

Trên quy mô cả nước, nhiều tỉnh, thành cũng yêu cầu người từ nơi khác đến phải có "giấy thông hành" này, gây không ít khó khăn và tốn kém cho người dân. Với doanh nghiệp, chi phí xét nghiệm để công nhân của họ từ các địa phương khác có thể đến chỗ làm cũng đang là gánh nặng rất lớn. 

Trong khi đó, chưa chắc là địa phương đã có thể an tâm là người được khẳng định âm tính với SARS-CoV-2 không còn khả năng lây nhiễm dịch bệnh.

Về chi phí, theo hướng dẫn của Bộ Y tế về mức giá thanh toán bảo hiểm y tế với xét nghiệm Covid-19, chi phí xét nghiệm vi khuẩn/virus/vi nấm/ký sinh trùng Real-time PCR là 734.000 đồng/mẫu.

Trong trường hợp đơn vị lấy mẫu phải gửi mẫu xét nghiệm cho đơn vị khác thực hiện, chi phí tạm tính là, giá dịch vụ lấy và bảo quản bệnh phẩm 117.800 đồng/mẫu, giá thực hiện xét nghiệm 616.200 đồng/mẫu.

Với mẫu gộp, mức giá lấy và bảo quản bệnh phẩm là 100.000 đồng/mẫu, giá thực hiện xét nghiệm bằng 634.000 đồng/mẫu chia cho số lần mẫu gộp. Những người không thanh toán bằng bảo hiểm y tế cũng được áp mức giá gần như tương tự.

Với xét nghiệm nhanh, hiện một số bệnh viện áp dụng mức giá thấp nhất là gần 240.000 đồng/mẫu đơn xét nghiệm tại bệnh viện. Trong trường hợp người dân hoặc doanh nghiệp cần xét nghiệm tại chỗ, bao gồm cả xét nghiệm PCR thì phải trả thêm chi phí vận chuyển.

Hiện tại, nhiều địa phương yêu cầu người từ nơi khác đến phải có giấy xác nhận âm tính với virus SARS-CoV-2 trong vòng 3 hoặc 7 ngày làm. Vì vậy, chi phí để người dân có thể có "giấy thông hành" để qua lại làm ăn là rất lớn, vì cứ mỗi 3 hoặc 7 ngày phải xét nghiệm lại.

Nếu quy định này kéo dài, nhiều người dân, đặc biệt là những người lao động phổ thông, có thu nhập thấp sẽ không kham nổi chi phí.

Với doanh nghiệp, chi phí này còn "khủng" hơn. Chẳng hạn, chỉ tại TPHCM, theo số liệu do ông Dương Anh Đức, Phó chủ tịch UBND TPHCM đưa ra vào đầu tháng 6 rồi, chỉ riêng các khu công nghệ cao, khu công nghiệp, khu chế xuất ở phía Đông TPHCM đã có khoảng 6.000 công nhân đang sinh sống tại Đồng Nai.

Cùng với chi phí về tiền bạc là chi phí về thời gian vì mỗi lần đi xét nghiệm, người dân phải tốn ít nhất là một buổi và sau đó lại phải tốn thời gian chờ nhận kết quả. Thêm vào đó, tình trạng người dân đổ xô đi xét nghiệm Covid-19 đã khiến nhiều bệnh viện quá tải. Nhiều nơi tập trung rất đông người, tạo thêm nguy cơ lây nhiễm.

Trong khi đó, chưa chắc chính quyền địa phương đã có thể chặn được nguy cơ lây nhiễm từ bên ngoài mang đến, vì biến thể Delta, biến thể đang hoành hành tại nhiều tỉnh ở phía Nam hiện nay có khả năng lây nhiễm rất nhanh, gần như có thể lây nhiễm ngay khi tiếp xúc.

Thông tin trên một số phương tiện truyền thông, Giáo sư Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TPHCM, cho biết biến thể Delta đang khiến cho nhiều tỉnh ở phía Nam ghi nhận nhiều ca bệnh có triệu chứng hoặc dương tính chỉ sau hơn một ngày tiếp xúc phơi nhiễm.

Điều ngày có nghĩa, một người hoàn toàn không có virus ngay khi lấy mẫu xét nghiệm nhưng sau đó, nếu không áp dụng 5K như không đeo khẩu trang, tiếp xúc gần với người có virus thì hoàn toàn có thể mang mầm bệnh và có khả năng lây nhiễm cho người khác.

Như vậy, giấy chứng nhận âm tính với SARS-CoV-2 không mang lại hiệu quả ngăn dịch lan đến địa phương như kỳ vọng mà chỉ đem lại phiền hà, tốn kém cho người dân và doanh nghiệp.

Trong những ngày gần đây, nhiều người đã than phiền về việc khó lấy "giấy thông hành Covid-19", thậm chí cho rằng chứng nhận này là một loại "giấy phép con trong đại dịch" đã cho thấy quy định chưa phù hợp với thực tế dịch bệnh và thu nhập của người dân.

Thay vì bắt người dân tốn tiền bạc, thời gian đi xét nghiệm mà không chắc chắn kiểm soát được nguy cơ lây nhiễm, cơ quan chức năng nên tăng cường áp dụng 5K, đẩy mạnh các biện pháp quản lý để hạn chế tụ tập đông người và xử phạt mạnh tay những người không tuân thủ các quy định phòng dịch.

Hôm 4-7, trong cuộc họp trực tuyến với TPHCM và 7 tỉnh lân cận thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, khi nhận định về việc cách ly, phong tỏa, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng nếu cách ly, phong tỏa vội vàng trên diện rộng thì dễ cho người chống dịch nhưng làm khó cho người dân, doanh nghiệp và toàn xã hội.

Vì vậy "lãnh đạo phải chọn việc khó khăn hơn để thuận lợi hơn cho người dân, doanh nghiệp và xã hội”. Thiết nghĩ, không chỉ là việc cách ly, phong tỏa mà với tất cả các quyết định khác, việc tạo thuận lợi cho người dân, phục vụ cho người dân cũng phải là mục tiêu hàng đầu của cơ quan quản lý.

——

Mời đọc thêm:

TPHCM cần thêm hàng triệu bộ xét nghiệm nhanh SARS-CoV-2

Chuẩn bị tiêm ngừa Covid-19 trên cả nước từ tháng 7

Nhiều doanh nghiệp TPHCM đăng ký vừa sản xuất vừa cách ly

Nhiều khách sạn TPHCM cung cấp chỗ ăn, nghỉ miễn phí cho bác sĩ chống Covid-19

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới