Đừng để “khủng thương thận”
![]() |
Tranh minh họa: Khều |
(TBKTSG) - Theo y học cổ truyền, “khủng thương thận” có nghĩa sự sợ hãi gây tổn thương chức năng của “tạng thận”. Đó là hiện tượng cạn kiệt nguồn sinh lực, sức đề kháng chung của cơ thể và hệ quả là hàng loạt bệnh tật xảy ra.
Người có “tạng thận” mạnh khỏe, sung mãn nhưng nếu chịu quá nhiều stress, sợ hãi sẽ bị “khủng thương thận”. Nếu không tập cho mình một cách sống vui tươi, không có sự sợ hãi, chúng ta không thể có một cuộc sống an lạc, vì nỗi sợ hãi luôn xuất hiện trong cuộc sống.
Thức dậy thấy trong người nặng nề, mệt mỏi, đau nhức ở một vùng nào đó, ta sợ, không biết sức khỏe độ rày như thế nào. Đọc báo, đa số là những tin không vui, tin để suy nghĩ, để sợ hãi và lo âu. Đến cơ quan, trong một môi trường làm việc căng thẳng, chúng ta sợ mất thị trường, mất khách hàng, mất lợi tức… Nhìn quanh cơ quan, ta lại sợ mất chức, mất quyền lợi, mất lòng đồng nghiệp, ban giám đốc, sợ không được đề bạt… Đi công tác thì sợ những cạm bẫy của đối tác, sợ mất mát tiền bạc và có thể đánh mất mình trong một phút giây nào đó!... Về nhà, sợ vợ chồng không chung thủy, con cái hư hỏng, kinh tế gia đình thiếu thốn… Và cuộc sống có muôn vàn nỗi sợ hãi.
Ở đây, chúng tôi chỉ đề cập đến một nỗi sợ hãi, đó là “sợ bệnh tật” và lo sợ một cách thái quá sẽ ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe, tạng thận, khả năng đề kháng cũng như nguồn sinh lực chung của cơ thể.
Đau vùng thắt lưng, đi khám bệnh, thầy thuốc cho chụp vùng cột sống thắt lưng, kết quả trên phim thấy có một ít gai xương, được chẩn đoán là “gai cột sống thắt lưng”. Thế là lo lắng, mất ngủ, ăn không ngon và còn tưởng tượng chuyện gai xương lớn dần rồi đâm vào dây thần kinh gây liệt, không đi được, lúc ấy ai sẽ nuôi mình!?
Đi dự đám tang một người bị ung thư gan, ra về cứ thấy bụng nặng nặng, cũng vấn vương không biết có gì ở gan không? Thử máu định kỳ, thấy acid uric trong máu có tăng chút ít, thầy thuốc khuyên cẩn thận, kẻo bị bệnh “gout” (bệnh viêm khớp do acid uric tăng cao trong máu). Về nhà bàn bạc với người thân, bạn bè rồi vào mạng Internet, đọc sách về bệnh này để rồi vài ngày sau thấy ngón chân cái “đau đau, tê tê” và cho rằng mình bị “gout” thật rồi. Thế là hình ảnh khớp bị đau nhức dữ dội, các u cục nổi lên sau tai, lắng cặn ở thận gây suy thận... xuất hiện trong tâm trí và lòng tràn ngập lo âu.
Nếu là phái đẹp thì câu chuyện có thể phức tạp hơn. Một vài cọng tóc rụng đã tưởng tượng trọn vẹn một cái đầu hói trong tương lai. Một vài nếp nhăn trên da đã thấy sự tàn tạ của tuổi già. Một ít mụn nhọt, tàn nhang đã liên tưởng ngay đến chuyện mình sẽ giống như cô gái bị mụn và tàn nhang khủng khiếp vừa gặp lúc chiều. Một chút mỡ ở bụng, ở đùi, ở má đã sợ trở thành một người béo phì! Rồi luôn suy nghĩ, lo âu, mất ngủ đến khô khốc cả người…
Ngoài nỗi sợ bệnh tật của bản thân, chúng ta còn sợ bệnh tật xảy ra cho người thân. Chỉ mới nghe con ho, ta đã liên tưởng đến viêm phổi, ho kéo dài một chút đã nghĩ đến bệnh hen…
Cơ thể chúng ta gồm hai phần chồng lên nhau. Một cơ thể ta sờ, nắm được, bằng xương bằng thịt gọi là “cơ thể thực thể” (physical body) và một cơ thể thứ hai lồng ghép, hòa quyện vào cơ thể thứ nhất đó là “cơ thể khí” (subtle energetic body). Tất cả những xung động thần kinh, lo nghĩ, suy tưởng, sợ hãi… đều tác động trực tiếp đến “cơ thể khí” và dần dần gây ra những tổn thương ở “cơ thể thực thể”. Chính vì vậy tất cả những ám ảnh, sợ hãi do stress gây ra nói chung và những ám ảnh, sợ hãi bệnh tật nói riêng lúc đầu chỉ gây rối loạn ở cơ thể khí và tạo nên những rối loạn chức năng (giai đoạn này điều trị tương đối dễ dàng).
Tuy nhiên, nếu stress kéo dài sẽ tác động mạnh mẽ đến cơ thể thực thể làm xuất hiện những tổn thương tại các cơ quan tạng phủ tương ứng (điều trị khó hơn nhiều). Nếu chúng ta không sống vui vẻ, luôn lo lắng và suy nghĩ về tình trạng bệnh tật trong tương lai một cách thái quá thì những nỗi sợ hãi này (nếu không được giải quyết sớm) sẽ gặm nhấm, làm cạn kiệt nguồn sinh lực chung của cơ thể (tạng thận), rất nguy hiểm đến sức khỏe. Chúng ta cũng không nên chủ quan trước những lo âu, sợ hãi, buồn chán... Cần tìm cách loại bỏ chúng ra khỏi những suy nghĩ càng nhiều càng tốt.
Thật bình tĩnh trước những triệu chứng bệnh lý của mình hay của người thân (cần phải biết rằng đa số bệnh tật xảy ra trong tương lai thường không đến mức ghê sợ như tưởng tượng). Khi có những triệu chứng bệnh lý, cần thăm khám chuyên khoa để xác định một cách cụ thể. Nếu có bệnh thì điều trị cho đến khi lành bệnh, nếu không thì hãy quên đi và tận hưởng từng phút giây của cuộc đời “ba vạn sáu ngàn ngày” rất ngắn ngủi này. Xin mượn lời một bài thơ nổi tiếng của Thiền sư Vạn Hạnh thay cho lời kết:
“Thân như điện ảnh hữu hoàn vô
Vạn vật xuân qua thu héo khô
Mặc cuộc xoay vần đừng sợ hãi
Vần xoay ngọn cỏ hạt sương mai”
BÁC SĨ LÊ HÙNG (Trung tâm Y học cổ truyền hiện đại)