"Đừng để lúc hết Covid 19, người nước ngoài kỳ thị lại chúng ta"
Lan Nhi
(TBKTSG Online) - Cô con gái ba tuổi của tôi vẫy tay rối rít chào thầy giáo già người Anh đang sang đường. Thầy vẫy lại trò, ứa nước mắt vì gần 3 tháng nay do dịch bệnh thầy trò chưa được gặp nhau. Nhưng không phải người nước ngoài nào ở Việt Nam thời điểm này cũng được vui mừng khi gặp lại như thế. Dịch bệnh đã khiến cách hành xử của chúng ta với khách nước ngoài theo một hướng khác.
Cần ứng xử có văn hóa với khách nước ngoài trong thời điểm dịch bệnh. Ảnh:TTXVN |
Thầy giáo người Anh gần 60 tuổi, đã ở Việt Nam hơn 10 năm nay và dạy tiếng Anh hàng ngày ở một trường mẫu giáo quốc tế. Bọn trẻ con yêu thầy. Nhưng dịch bệnh đã khiến chúng chưa được đi học. Thầy cũng sống rất tiết kiệm vì gần 3 tháng nay đang cùng với nhà trường chống chọi dịch bệnh. Học sinh nghỉ, trường không thu được tiền và mọi chi phí phải cắt giảm tối đa.
Cái vẫy tay của trẻ và giọt nước mắt thầy ứa ra, không dám lại gần con bé vì sợ :“Có thể người ta nghĩ tôi sẽ có virus” khiến tim tôi thắt lại. Tôi cũng rơi nước mắt thương con, thương thầy.
Nhưng không phải ai cũng dễ đồng cảm với nhau trong những trường hợp cụ thể như thế. Dịch bệnh đã khiến tâm lý kỳ thị, vốn không lớn trong cộng đồng Việt bỗng chốc phát tán rất nhanh và khó kiểm soát. Khi Chính phủ có lệnh kiểm soát (tạm dừng nhập cảnh) tất cả các trường hợp nhập cảnh về từ Trung Quốc và sau đó là Hàn Quốc, hoặc từng đi qua Trung Quốc 14 ngày, chứ không phải cấm hoàn toàn các hành khách mang quốc tịch Trung Quốc và Hàn Quốc, rất nhiều người chỉ đọc đoạn đầu.
Một chuyên gia Trung Quốc đang thuê nhà ở khu nhà tôi trên đường Lê Văn Lương (Hà Nội) đi công tác nước khác về, có đủ giấy tờ kiểm tra y tế nhưng ban quản trị và cư dân gây sức ép để anh ấy không được tiếp tục thuê nhà. Chủ nhà đành phải thanh lý hợp đồng. Đến bây giờ, tôi cũng chưa biết anh ấy đã tìm được nhà ở đâu. Vì ở Hà Nội thời điểm này, người nước ngoài, vốn trước kia được săn đón quá mức khi hỏi thuê nhà, nay lại bị từ chối thẳng thừng. Thậm chí bất thình lình có thể bị thanh lý hợp đồng như chuyên gia Trung Quốc kể trên.
Lúc Hàn Quốc bùng phát dịch, một gia đình Hàn Quốc sau kỳ nghỉ Tết quay lại khu nhà tôi, tay xách nách mang với hai con nhỏ. Nhưng sợ không được quay lại căn nhà mình đang thuê, người mẹ đã nói dối rằng gia đình đi từ khu chung cư khác trong Hà Nội sang. Sau đó, dù không đến từ Daegu và Gyeonggi (hai địa điểm bùng phát dịch tại Hàn Quốc), gia đình được hướng dẫn y tế để tự cách ly tại nhà cho an toàn. Những người Hàn Quốc trong khu nhà không dám đưa con nhỏ xuống sân chơi chung, dù ở Việt Nam chứ không di chuyển đi đâu cả. Họ sợ bị kỳ thị.
Một số thanh niên Hàn Quốc ngồi chơi dưới vườn, kéo khẩu trang xuống trò chuyện, bị dân chụp ảnh đưa lên facebook khu dân cư, thái độ gay gắt. Những người khác vào bình luận, thái độ khác nhau, có người không đồng tình vì những người Hàn Quốc này là hàng xóm, ở đây đã lâu không về nước. Thế cũng bị “ném đá”, cư dân tự cãi nhau. Bầu không khí nghi ngờ và sự kỳ thị, dè chừng người nước ngoài, thậm chí dè chừng lẫn nhau vì “tội” hay tiếp xúc với người nước ngoài khiến những người sống xung quanh cảm thấy nghẹt thở.
Bản thân tôi cố gắng hàng ngày lên mạng xã hội, lan truyền thái độ sống tích cực. Ví như tôi vẫn xuống phòng tập yoga (dù vắng hoe) để tập thì bị chính bạn bè vào nhắc nhở với thái độ rất gay gắt vì tội “tụ tập đông người”. Bạn bè tôi cũng là dân trí thức, y dược đủ cả. Tôi không hiểu sao họ lại kỳ thị thái quá như vậy. Trong khi ấy, các giáo viên Ấn Độ của chúng tôi ngồi buồn so vì không có học viên, lớp sẽ phải đóng cửa, họ chưa biết sống bằng gì.
Nhưng khi trực tiếp chứng kiến cảnh một đoàn du khách Châu Âu chừng 7-8 người đi đi bộ trong khu phố cổ, rẽ vào quán bún chả trong ngõ nhỏ định ăn trưa, bị xua đuổi với thái độ rất thiếu văn hóa cách đây mấy ngày, bất cần biết họ là ai, từ đâu đến, tôi cảm thấy bầu không khí đặc quánh sự kỳ thị bất cần ấy đã trở nên đỉnh điểm. Ngụm cà phê trong miệng đắng nghét khi cả đoàn khách vừa bụng đói, vừa tức giận, chỉ biết nhún vai.
Bạn bè tôi kể ở miền Trung, một số địa điểm khách Châu Âu cũng bị “ném đá” xua đuổi theo kiểu bất cần như thế. Có nơi, lãnh đạo công ty du lịch phải đưa đoàn khách về nhà mình nấu ăn, đón tiếp họ theo đúng quy định y tế vì các hàng quán lắc đầu.
Ở TPHCM, tình trạng này ở các khu chung cư cũng không hiếm gặp. Ở quán xá cũng vậy.
Chúng ta có thể hạn chế tiếp xúc với người nước ngoài từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Châu Âu theo nhiều cách. Ở chung cư hay hàng quán, cũng cần phải tìm cách nào đó để giữ khoảng cách hoặc từ chối một cách lịch sự hơn. Sự phân biệt, kỳ thị du khách vì dịch bệnh đã lan nhanh hơn Covid-19 và chắc chắn sẽ gây ra những hậu quả rất lớn đối ngành du lịch đón 18 triệu lượt khách quốc tế năm ngoái, với mức đóng góp khoảng 7% tăng trưởng GDP hàng năm.
Nhiều người Việt đã đi khắp thế giới. Chúng ta thừa hiểu cảm giác những người có quốc tịch Việt Nam được xếp một hàng nhập cảnh riêng tại sân bay Sheremetyevo (Nga), bất kể là dòng người nhập cảnh dài thế nào cũng không được đứng sang làn xếp hàng dành cho các quốc tịch khác. Người Việt cũng từng bị kỳ thị ở một số quốc gia đạo Hồi vì bắt trộm chó, mèo vật nuôi để ăn thịt. Hoặc ở một số siêu thị tại Nhật, có biển tiếng Việt để lưu ý khách Việt Nam vì những hành vi xấu khác nhau.
Dịch bệnh là điều không ai muốn. Chúng ta chống dịch ban đầu thành công, không thể chứng minh với thế giới sự “mông muội” ngược lại trong nhận thức, do thái độ kỳ thị bất biết với người nước ngoài.
Đừng để lúc hết dịch, người nước ngoài kỳ thị lại chúng ta.