Thứ sáu, 3/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Đừng để nông sản xuất khẩu vào châu Âu cũng bị dính thẻ vàng

Ngô Thị Mỹ Dung

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Cơ hội để Việt Nam gia tăng xuất khẩu hàng nông sản vào EU đã rộng mở sau khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực vào ngày 1-8-2020, nhưng nguy cơ đánh mất thị trường này cũng lớn hơn nếu Việt Nam không đáp ứng được các tiêu chí về phát triển nông nghiệp bền vững.

Thị phần còn rất khiêm tốn

Với 27 nước thành viên và dân số khoảng 516 triệu người, EU là một thị trường tiêu thụ hàng nông sản lớn, không chỉ cho nhu cầu tiêu thụ ở các quốc gia thành viên, mà còn cho nhu cầu nguyên liệu đầu vào để chế biến rồi xuất khẩu ra toàn thế giới. Theo cơ quan thống kê của EU (Eurostat), có đến 70 nước đang phát triển đang xuất khẩu nông sản vào EU, trong đó Việt Nam xếp thứ 12 với 2,2% thị phần hàng nông sản của khối này.

Mặc dù EU là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của ngành hàng nông sản Việt Nam, nhưng con số trên cho thấy giá trị hàng nông sản của Việt Nam xuất khẩu sang EU vẫn ở mức thấp so với tiềm năng xuất khẩu của Việt Nam, cũng như nhu cầu nhập khẩu của EU.

Nguyên nhân của hạn chế đó xuất phát từ khả năng đáp ứng của Việt Nam trước các yêu cầu của EU về kiểm dịch động thực vật, các quy tắc về truy xuất nguồn gốc, các tiêu chuẩn bảo vệ môi trường, các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm và quy trình đóng gói, vận chuyển... Chẳng hạn, theo Hướng dẫn 79/117/EEC của Ủy ban châu Âu (EC), dư lượng thuốc bảo vệ thực vật được phép tồn dư trên sản phẩm nhập khẩu vào EU rất thấp, gần như bằng 0. Nếu EU phát hiện có bất cứ một chất cấm nào tồn dư trong mẫu sản phẩm nhập khẩu, lô hàng đó sẽ bị từ chối và tiêu hủy, nhà cung cấp (xuất khẩu) sẽ phải chịu toàn bộ chi phí tiêu hủy, thậm chí có thể bị truy tố và bị áp lệnh cấm xuất khẩu sản phẩm đó vào EU trong thời gian chờ đợi cơ quan có thẩm quyền của EU tiến hành điều tra và xử lý(1).

Nông sản Việt Nam trong những năm qua đã gặp rất nhiều lượt từ chối từ phía EU. Lý do từ chối chiếm tỷ lệ cao nhất là nhiễm khuẩn (21%); dư lượng thuốc thú y và kim loại nặng (16%); dư lượng thuốc trừ sâu (11%); phụ gia (7%); ngoài ra còn có các lý do khác như: điều kiện vệ sinh, chất gây ô nhiễm, độc tố nấm mốc, bao bì đóng gói(2)...

Và những yêu cầu xanh

Nhưng thách thức không chỉ có thế. Ngày 16-5-2023, EC đã thông qua Quy định không gây mất rừng (EUDR). Theo đó, cấm nhập khẩu những mặt hàng nông sản có quy trình sản xuất trên đất có nguồn gốc từ phá rừng và gây suy thoái rừng, bao gồm cả các mặt hàng được nuôi hoặc sản xuất bằng các sản phẩm đó như da, chocolate, giấy in, đồ nội thất, than củi và một số dẫn xuất dầu cọ(3).

Ngoài ra, EU còn yêu cầu nhà xuất khẩu phải tuân thủ các đạo luật về Thỏa thuận xanh châu Âu, Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM). Quy định này buộc các nhà nhập khẩu vào EU phải báo cáo lượng phát thải carbon trong hàng hóa. Theo số liệu thống kê của European Commission, tổng lượng phát thải khí nhà kính của Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp cao thứ hai, chiếm khoảng 19% tổng lượng phát thải quốc gia (năm 2020), trong đó khoảng 48% lượng khí thải của ngành nông nghiệp và hơn 75% lượng khí mê-tan phát ra từ sản xuất lúa gạo.

Bên cạnh đó, Luật Thẩm định chuỗi cung ứng bắt buộc các công ty quản lý chặt chẽ các tác động về môi trường trong cả sản xuất, kinh doanh. Đây là những thách thức lớn để được hưởng ưu đãi từ EVFTA ngoài các điều kiện cơ bản như quy tắc xuất xứ, tiêu chuẩn chất lượng.

Để nông sản không bị dính “thẻ vàng”

Có thể thấy, phát triển nông nghiệp bền vững giờ đây không còn là chuyện khuyến khích, mà đã trở thành yêu cầu bắt buộc của nhiều thị trường xuất khẩu. Vì vậy, nếu Việt Nam muốn tận dụng được cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do để tăng kim ngạch xuất khẩu hàng nông sản vào các thị trường có yêu cầu cao như EU thì không thể không quan tâm đến các giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững, gồm: Hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế thúc đẩy phát triển bền vững, trong đó có phát triển bền vững nông nghiệp; thực hiện quản lý năng lượng, giảm khí nhà kính, quản lý các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm bằng cách áp dụng mô hình sản xuất theo các tiêu chuẩn xanh đã được chuẩn hóa; thúc đẩy hình thành các chuỗi liên kết giá trị, chuỗi giá trị sản phẩm bền vững, từ sản xuất đến thu mua - chế biến - bảo quản - tiêu thụ theo các tiêu chuẩn do thị trường đề ra.

Bên cạnh đó, ngành hải quan với tư cách là người gác cửa cũng có vai trò rất quan trọng trong việc phòng ngừa rủi ro. Vì vậy, ngành hải quan cần đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động nghiệp vụ một cách toàn diện, đồng bộ với chuyển đổi số các doanh nghiệp và các bộ, ngành trong triển khai cơ chế một cửa quốc gia đặc biệt là chứng nhận kiểm dịch đối với thương mại nông sản, đơn giản hóa thủ tục hải quan, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp.

Đồng thời, cần chú trọng tăng cường hợp tác hải quan với các nước tham gia EVFTA nhằm xử lý các vấn đề chung, tạo điều kiện thuận lợi cho nông sản Việt Nam xuất khẩu sang EU. Tranh thủ các nguồn lực quốc tế để hoàn thiện quy trình hải quan hiện đại hóa, chuyên nghiệp hóa.

EVFTA với phạm vi và mức độ cam kết rộng là cơ hội lớn đẩy mạnh xuất khẩu của Việt Nam trong lĩnh vực nông sản nói riêng và xuất khẩu nói chung. Là một thị trường khó tính với những quy định rất khắt khe về an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường, để khai thác được lợi thế xuất khẩu thì chiến lược phát triển nông nghiệp bền vững của nước ta là định hướng cơ bản, trụ cột để đảm bảo an ninh lương thực, đồng thời tạo dựng uy tín cho hàng nông sản Việt Nam trên thị trường thế giới.

(1) https://trungtamwto.vn/chuyen-de/16007-xuat-khau-nong-san-vao-eu-thach-thuc-ve-an-toan-va-kiem-dich
(2) Standard compliance analytics
(3) Công văn 5179/BNN-HTQT ngày 01/8/2023 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới