Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Dùng muỗi trị muỗi

Nguyễn Vũ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Muỗi vằn, tên khoa học là Aedes aegypti là thủ phạm truyền các loại bệnh nguy hiểm vì mang theo các loại virus gây bệnh như virus Dengue gây bệnh sốt xuất huyết. Để dập tắt các đợt dịch, người ta thường tìm cách tiêu diệt muỗi vằn, chặn đứng con đường virus lây lan.

Thành phố Indaiatuba ở Brazil đang thử nghiệm một phương pháp diệt muỗi mới là thả thêm muỗi vằn vào môi trường sống. Ảnh minh họa: TL

Thành phố Indaiatuba ở Brazil đang thử nghiệm một phương pháp diệt muỗi mới – thả thêm muỗi vằn vào môi trường sống nhưng là loại muỗi đã qua chỉnh sửa gen để chặn con đường sinh sôi của chúng. Phương pháp sử dụng loại muỗi này, do hãng công nghệ sinh học Oxitec của Anh tạo ra, đã đạt được những kết quả bước đầu, hứa hẹn mở ra một cách thức mới để loài người chiến đấu với bệnh tật, nhất là bệnh sốt xuất huyết vẫn đang hoành hành nhiều nơi trên thế giới.

Một đặc điểm của loại muỗi Aedes aegypti là chỉ có muỗi cái chích người và truyền bệnh. Thế nên các nhà khoa học đã chỉnh sửa gen sao cho loài muỗi cái sinh ra là bị tiêu diệt ngay, chỉ có muỗi đực sống sót, trưởng thành và có mang theo gen đã chỉnh sửa. Các thế hệ muỗi sau đó cũng rơi vào cảnh: muỗi cái chết ngay sau khi sinh, muỗi đực duy trì loại gen đặc biệt này để chỉ cần thả vào tự nhiên lứa muỗi đầu tiên còn sau đó cứ để chúng sinh sôi và tự hủy diệt.

Trong một nghiên cứu vừa công bố, các nhà khoa học tại Oxitec cho biết sau khi thả muỗi có chỉnh sửa gen vào môi trường 11 tháng thì số lượng muỗi Aedes aegypti đã giảm mạnh đến 96%. Đây là những vùng có nhiều muỗi vằn, từng gây ra nhiều đợt bùng phát dịch sốt xuất huyết.

Nghiên cứu được thực hiện vào năm 2018 và 2019, trong đó bốn khu vực đông dân, có nhiều muỗi vằn được chọn. Trong hai khu, các nhà khoa học thả chừng 100 con muỗi đực chỉnh sửa gen trên mỗi người dân trong một tuần; hai khu còn lại họ tăng số muỗi lên 500 con.

Gen chỉnh sửa dựa trên các yếu tố tìm thấy ở vi khuẩn E. coli và virus gây bệnh Herpes, chúng buộc các tế bào của muỗi cái sản sinh thật nhiều một loại protein gọi là tTAV. Như thế tế bào muỗi cái không thể sản sinh các loại protein muỗi cần để phát triển; chúng bị hủy diệt trước khi trưởng thành và bắt đầu cắn người để hút máu. Trong khi đó muỗi đực không bị ảnh hưởng nên vẫn sinh sôi, mang theo gen đã chỉnh sửa để truyền cho các thế hệ sau.

Để xác định hiệu quả của phương pháp này, các nhà khoa học phải tìm cách đo lường lượng muỗi trước và sau khi thí nghiệm. Các phương pháp thường dùng là làm bẫy bắt muỗi rồi đếm số muỗi trưởng thành trong khu vực hay làm bẫy chứa nước, sau đó đếm số trứng muỗi cái sinh ra (công ty Oxitec sử dụng phương pháp đếm trứng). Sau đó họ sẽ dùng phương pháp xác suất thống kê để tìm ra số lượng muỗi ước tính cho cả vùng.

Nghiên cứu cho thấy ở mùa cao điểm sinh sản của muỗi, tức từ tháng 11 đến tháng 4 ở Brazil, vùng có thả muỗi chỉnh sửa gen lượng muỗi giảm bình quân 88%, có nơi giảm đến 96% so với vùng không thả muỗi được đánh dấu để đối chứng. Số lượng muỗi thả vào tự nhiên không tác động nhiều đến kết quả. Thậm chí có thể thả số lượng muỗi ít hơn cũng đạt kết quả tương tự.

Trước đây Brazil cũng như nhiều nước khác xịt thuốc diệt muỗi để kiểm soát dịch bệnh; thập niên 1950 khi người ta phun thuốc DDT độc hại thì muỗi vằn gần như bị tiêu diệt ở Nam Mỹ. Nhưng khi phát hiện sự độc hại của DDT lên sức khỏe con người, việc phun thuốc ngưng lại và muỗi vằn hồi sinh.

Tuy nhiên, vẫn có nhiều nhà khoa học tỏ ra dè dặt. Monika Gulia-Nuss, một phó giáo sư sinh hóa tại Đại học Nevada chuyên nghiên cứu về muỗi và bệnh truyền nhiễm nói với tờ Wired: “Đây chỉ là thí nghiệm trên một vùng nhỏ, thời gian ngắn. Dù là bước đi đúng nhưng cần lập lại ở các vùng rộng hơn thời gian quan sát dài hơn”.

Trước đây Oxitec cũng có nhiều lần thử nghiệm tung muỗi chỉnh sửa gen vào môi trường để diệt muỗi, nhưng lúc đó họ phải nuôi và thả muỗi đực vào các khu thử nghiệm. Nay họ chỉ cần dùng trứng trong thùng nước nên chi phí rẻ hơn, cần ít nhân lực hơn.

Sau khi thêm nước vào các thùng chứa trứng muỗi đã chỉnh sửa gen, muỗi đực sinh sôi và bắt đầu tìm muỗi cái để phối giống. Brazil đã cấp phép cho Oxitec bán các thùng muỗi loại này cho các hộ gia đình. Muỗi đực có vòng đời rất ngắn, chỉ từ 7-10 ngày mà gen chỉnh sửa qua vài thế hệ thì cũng biến mất. Vì thế cần phải thường xuyên thả muỗi chỉnh sửa gen vào môi trường.

Mỹ cũng đã cấp phép cho Oxitec thử nghiệm loại muỗi chỉnh sửa gen này từ năm 2020 và một số khu thử nghiệm đã được tiến hành tại Florida vào năm 2021. Tuy nhiên dân cư ở đây lại phản đối vì chưa biết hết hậu quả của loại muỗi chỉnh sửa gen trong môi trường. Và vẫn còn đó câu hỏi quan trọng nhất: liệu thả muỗi đực có làm giảm mức độ truyền bệnh sốt xuất huyết không vì Oxitec chỉ đếm lượng muỗi giảm chứ chưa nghiên cứu tác động lượng muỗi giảm lên quy mô dịch bệnh.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới