Thứ Ba, 14/05/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Đừng né cái gốc nhập siêu

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Đừng né cái gốc nhập siêu

Thời báo Kinh tế Sài Gòn

(TBKTSG) – Các biện pháp hạn chế nhập siêu mới nhất hiện đang hướng đến nhóm hàng như ô tô nguyên chiếc, điện thoại, rượu và mỹ phẩm. Đây là việc làm cần thiết, nhưng vẫn chưa đủ.

Cái gốc nhập siêu nằm ở nhóm hàng máy móc, nguyên vật liệu phục vụ sản xuất, thường được gọi chung là nhóm hàng cần nhập khẩu. Năm tháng đầu năm, kim ngạch nhóm hàng này ước đạt 35,7 tỉ đô la Mỹ, tăng 34,6% so với cùng kỳ (chiếm tỷ trọng 86,5% tổng kim ngạch nhập khẩu). Hai nhóm hàng còn lại là nhóm cần kiểm soát nhập khẩu (như vàng, đá quý, sắt thép…) có kim ngạch nhập khẩu là 3,1 tỉ đô la, giảm 2,2% (chiếm tỷ trọng 10%) và nhóm cần hạn chế nhập khẩu, trong đó có ô tô dưới 9 chỗ ngồi, điện thoại di động, hàng tiêu dùng xa xỉ, có trị giá nhập khẩu là 2,46 tỉ đô, tăng 13,8%, (tỷ trọng 6,8%).

Khi bàn đến vấn đề nhập siêu, lãnh đạo các cơ quan quản lý như Bộ Công Thương, Bộ Tài chính đều cho rằng họ biết rõ nguồn gốc nhập siêu nằm ở nhóm hàng máy móc, nguyên vật liệu nhưng do đây là nhóm hàng cần thiết để phục vụ sản xuất nên việc nhập khẩu là khó tránh khỏi. Hay nói khác đi, do năng lực sản xuất trong nước yếu và cơ cấu kinh tế chậm thay đổi nên khó tránh khỏi nhập siêu. Như vậy, cái gốc nhập siêu càng bén rễ.

Tại cuộc họp giao ban trực tuyến của Bộ Công Thương hôm 5-6 vừa qua, đại diện Bộ Công Thương đã nói thẳng vào nguyên nhân gốc rễ này. Ông Phan Văn Chinh, Vụ trưởng Vụ Xuất nhập khẩu, cho biết: “Trong ba nhóm hàng nhập khẩu, tốc độ tăng trưởng của nhóm hàng cần nhập đạt mức cao nhất (34,6%). Nhóm hàng cần kiểm soát đã giảm nhẹ (giảm 2,2%) và nhóm hàng cần hạn chế nhập khẩu tăng 13,8%”. Ông nói rằng, lý do khiến tỷ lệ nhập siêu trên giá trị xuất khẩu vẫn cao vì các biện pháp kiểm soát nhập khẩu chủ yếu vẫn tập trung vào hai nhóm hàng sau, vốn chiếm tỷ trọng thấp trong tổng kim ngạch nhập khẩu (tổng cộng khoảng 17%). “Các biện pháp quản lý nhập khẩu với nhóm hàng cần thiết chưa thực sự phát huy tác dụng”, nhân câu chuyện này, ông Chinh đưa ra những thống kê được dẫn lại từ Tổng cục Hải quan, tính đến trung tuần tháng 5 cho thấy, các biện pháp kiểm soát nhập khẩu nhắm vào nhóm hàng hóa cần hạn chế đã tác động mạnh đến tâm lý thị trường và một bộ phận doanh nghiệp hơn là mang lại hiệu quả thực sự trong việc cân đối thương mại. “Bình quân mỗi năm Việt Nam nhập khẩu 30.000 ô tô dưới 9 chỗ ngồi.

Số liệu hải quan đến ngày 15-5 cho thấy, các doanh nghiệp đã nhập về 18.000 xe. 200 doanh nghiệp không phải là đại lý chính thức nằm trong số nhập khẩu này. Một nửa số doanh nghiệp đó nhập khẩu dưới 50 chiếc”. Như vậy biện pháp kiểm soát nhóm hàng tiêu dùng (ước khoảng 2,4 tỉ đô la qua năm tháng) dù rất cần thiết nhưng thực sự chưa giải quyết được cái gốc của nhập siêu.

Vấn đề đặt ra là khi kiểm soát nhập khẩu nhóm hàng thiết yếu cần chú ý đến yếu tố cung cầu để tránh gây khan hiếm, nâng giá. Ngoài ra, việc nhập khẩu máy móc, nguyên vật liệu, chủ yếu từ Trung Quốc, do các nhà thầu EPC thực hiện cũng cần được giải quyết từ gốc rễ, tức là phải tăng cường sử dụng máy móc thiết bị trong nước, chấn chỉnh công tác quản lý đối với các gói thầu EPC…

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới