Đứng "ngoài rìa" hay trong cuộc: sự lựa chọn của mỗi người
Trần Trung Dân (*)
(TBKTSG Online) - TBKTSG Online ngày 25-4 có bài viết tựa đề Không lẽ, chúng tôi phải đứng ngoài rìa về thực trạng của một số hướng dẫn viên (HDV) du lịch giữa bão dịch Covid-19, đã nhận được sự quan tâm của bạn đọc với nhiều ý kiến khác nhau.
Tòa soạn xin trích đăng một góc nhìn của bạn đọc Trần Trung Dân xoay quay bài viết này.
Khách sạn cần làm gì để được mở cửa trong thời Covid-19?
Từng bước mở lại du lịch nội địa
Đến giữa tháng 4, tỷ lệ người tạm nghỉ việc vì Covid lên đến 59%
Phát khẩu trang miễn phí cho du khách tại điểm di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ảnh: baotintuc.vn |
Trong giai đoạn vô cùng khó khăn do dịch bệnh Covid-19, người Việt có vô số cách làm sáng tạo thể hiện tinh thần tương thân tương ái, hào hiệp tương trợ lẫn nhau, đóng góp tích cực vào mặt trận phòng chống dịch bệnh.
Chi hội Hướng dẫn viên du lịch TPHCM đã vận động được 200 phần quà cho các HDV khó khăn, trong đó, 100 phần dành cho HDV tự do, mỗi phần khoảng 800.000 đồng.
Phần quà quả thực “không nhiều nhặn gì”, đúng như bài báo đã nhận định. Nhưng vốn dĩ “nhà nghèo, đông con” thì biết làm sao! Song, bao nhiêu thì mới gọi là nhiều?
Một phần ATM gạo miễn phí ở TPHCM là 1,5kg (khoảng 20.000 đồng), cũng đã cứu đói được hai bữa ăn cho gia đình bốn người thực sự nghèo khổ. Mỗi phần hàng hóa tại các Siêu thị hạnh phúc cũng chỉ trị giá 100.000 đồng và tất cả đều phải xếp hàng chờ tới lượt.
Tôi hiểu câu chuyện bà mẹ nuôi hai con nhỏ của HDV tên H. trong bài báo trên là một trong vô vàn những cảnh đời khó khăn trong mùa dịch. Điều tôi muốn nói ở đây là về mối băn khoăn bị “đứng ngoài rìa những gói hỗ trợ người lao động khó khăn” của một số bạn là HDV tự do khi “đọc một số quy định nhận hỗ trợ thì thấy mình không thuộc diện nào cả”.
Bạn của tôi là chủ một công ty lữ hành kể chuyện, nhiều năm qua anh rất khó mời HDV giỏi về đội ngũ cơ hữu của công ty, vì họ ngại thu nhập bị khống chế, thời gian bị gò bó, và họ sẽ không được nhận tour ngoài với giá cao hơn. Thậm chí có những nhân viên mượn tiền công ty đi học, đến khi có thẻ HDV quốc tế là họ “bay” ra ngoài làm tự do ngay, anh tiết lộ.
Vì sao? Theo tôi được biết, rất nhiều HDV tự do như nhân vật trong bài báo kia, nhất là HDV quốc tế có tiền tip, tiền chiết khấu shopping nhiều gấp mấy lần lương tour; trong khi đó họ không phải đóng bảo hiểm xã hội, đóng thuế thu nhập cá nhân.
Nếu HDV chịu ký hợp đồng lao động, đóng thuế thu nhập, đóng bảo hiểm xã hội đầy đủ, hoặc tham gia chi hội HDV thì trong những lúc khó khăn cũng có trợ cấp thất nghiệp, ít nhiều là những khoản trợ cấp của công ty, hỗ trợ của hội đoàn. Và chắc chắn lúc này họ cũng không còn những băn khoăn như đứng "ngoài rìa" hay "trong rìa" nữa?
Tôi thấy có người còn kể rằng, hàng chục triệu du khách mỗi năm đều do các HDV phục vụ trực tiếp, rằng “họ ăn sau, ngủ sau và thức dậy sớm nhất trên mỗi đường tour”. Tôi đã tự hỏi liệu có nên cổ xúy lối tư duy về làm việc có thu nhập, thậm chí thu nhâp khá, mà cứ như làm từ thiện hay không?
Nói những điều này, không phải tôi không ủng hộ việc giúp đỡ nhau trong hoạn nạn. Song, nếu HDV mang tâm lý “trách cứ” thì… “tiên trách kỷ, hậu trách nhân”. Bởi đứng trong hay ngoài rìa là sự lựa chọn tự nguyện của mỗi người.
(*) Tác giả Trần Trung Dân là một người có kinh nghiệm nhiều năm trong nghề hướng dẫn viên du lịch