Chủ Nhật, 22/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Dùng nguồn thu từ tăng thuế tiêu thụ đặc biệt thuốc lá cho dự án phát triển bền vững

Minh Anh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Theo các chuyên gia, việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng thuốc lá có thể góp phần giảm tiêu dùng thuốc lá, đồng thời, trực tiếp sử dụng nguồn thu này cho các sáng kiến thực thi mục tiêu phát triển bền vững.

Tại Việt Nam, ước tính mỗi năm có 40.000 người tử vong do các bệnh liên quan đến thuốc lá, tương đương 100 người chết mỗi ngày. Nếu không có các biện pháp kiểm soát hiệu quả, con số này có thể đạt mức 70.000 người vào năm 2030 theo dự báo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

Đây là thông tin được bà Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) chia sẻ tại hội thảo công bố báo cáo xây dựng chiến lược điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với mặt hàng thuốc lá, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam diễn ra ngày 28-3.

Theo Viện trưởng CIEM, thời gian qua, Việt Nam đã có nhiều chính sách nhằm hạn chế tác hại của thuốc lá. Trong đó, nghiên cứu cho thấy, tăng thuế TTĐB có thể làm tăng chi phí sử dụng thuốc lá nên góp phần giảm tiêu dùng thuốc lá của người dân, đồng thời tạo thêm nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.

Tuy nhiên, sau những lần điều chỉnh thuế TTĐB đối với thuốc lá, tác động giảm tỷ lệ người hút thuốc chưa cao như kỳ vọng. Nguyên nhân một phần là do thu nhập của người dân được cải thiện, chi tiêu cho thuốc lá còn tương đối nhỏ so với thu nhập của người dân và mức tăng thuế chưa đủ lớn.

Toàn cảnh hội thảo diễn ra ngày 28-3. Ảnh: Minh Anh

Ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp (CIEM), cho biết hiện nay thuế suất TTĐB áp dụng theo tỉ lệ % của giá xuất xưởng thuốc lá khiến giá bán lẻ thuốc lá Việt Nam rất thấp so với nhiều nước. Theo sức mua tương đương, một số nước có giá thuốc lá bán lẻ cao từ 4,3-7,1 lần so với thuốc lá Việt Nam.

Do đó, đại diện CIEM cho rằng Việt Nam cần cân nhắc chuyển sang áp dụng thuế hỗn hợp đối với thuốc lá, tức là áp dụng cả thuế tuyệt đối và thuế tương đối.

Báo cáo của CIEM cũng tập trung xác định phương án điều chỉnh thuế TTĐB đối với thuốc lá, đi kèm với phương án sử dụng nguồn thu bổ sung từ điều chỉnh thuế cho các mục tiêu phát triển bền vững (SDG) theo 3 kịch bản.

Kịch bản 1, thuế TTĐB áp dụng theo tỷ lệ phần trăm so với giá xuất xưởng, mức thuế suất tăng lên 85% so năm 2020 áp dụng đến 2023. Phần thu từ thuế TTĐB được sử dụng để hỗ trợ chi trợ cấp đồ dùng học tập cho trẻ em nghèo.

Kịch bản 2, thuế TTĐB áp dụng theo tỷ lệ phần trăm so với giá bán lẻ trước thuế VAT và thuế TTĐB, mức thuế suất tăng lên 85% so năm 2020 áp dụng đến 2023, phần thu từ thuế TTĐB được sử dụng để hỗ trợ chi chăm sóc sức khỏe cho các hộ nghèo.

Kịch bản 3, thuế TTĐB chuyển sang áp dụng theo cơ chế thuế tuyệt đối hoặc hỗn hợp, với mức thuế TTĐB tăng dần theo lộ trình để đạt tỷ trọng thuế TTĐB trong giá bán lẻ ở mức 70% vào năm 2023. Phần thu từ thuế TTĐB được sử dụng để hỗ trợ chi đào tạo kỹ năng chuyển đổi nghề cho các hộ nghèo.

“Kết quả mô phỏng vi mô với các kịch bản giả định cho thấy, mức tăng thu lớn nhất là ở kịch bản 3, mức tăng thu thuế đạt 33,3% so với số liệu thực tế năm 2020 và tăng mạnh trong các năm 2021-2023, tương ứng là 66,7%, 100% và 133,3%”, Trưởng ban, Ban Nghiên cứu tổng hợp của CIEM chia sẻ.

Cũng theo các chuyên gia, với việc điều chỉnh này, TPHCM sẽ có mức tăng thu ngân sách lớn nhất từ thuế TTĐB đối với thuốc lá, có thể đạt tới 6,9 tỉ đồng/tháng. Hà Nội và Bình Dương có thể đạt tương ứng 4,9 tỉ đồng/tháng và 4,4 tỉ đồng/tháng. Nếu cho phép sử dụng nguồn tăng thu từ thuế TTĐB thuốc lá, một số địa phương như TPHCM có thể chi linh hoạt hơn để phục vụ thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững trên địa bàn.

1 BÌNH LUẬN

  1. Con dao hai lưỡi. Quá trình phát triển tuần tự thường mang tính quy luật. Ban đầu, là đánh bạc, được chăng hay chớ, tay không bắt giặc, may nhờ rủi chịu, rủi ro rất cao. Tiếp theo, là đánh đổi, tăng thu, kiếm tiền bằng những phương thức giản đơn, như bán tài nguyên, sức lao động, hi sinh cả môi trường, sức khỏe cả cộng đồng…. Sau đó, là đánh giá, biết cân nhắc lợi bất cập hại, bỏ nhỏ lấy lớn, nhưng không hẳn đã có thể làm chủ được mọi tình hình. Cuối cùng, là đánh thắng, đánh đâu trúng đó, có tầm nhìn xa trông rộng, chiến lược giải pháp bài bản, với mục tiêu cao nhất là luôn vì cuộc sống hạnh phúc của con người.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới