Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Đừng phân biệt thị trường trong và ngoài nước

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Đừng phân biệt thị trường trong và ngoài nước

Ảnh minh họa: LÊ TOÀN

LTS: Bạn đọc Đoàn Tiểu Long sau khi đọc bài “Quay về thị trường trong nước: Chậm còn hơn không” đã có ý kiến cho rằng “đến lúc nên quên đi khái niệm thị trường trong nước, thị trường nước ngoài”. Để rộng đường tranh luận, tòa soạn xin giới thiệu bài viết này.

Làng gốm Bát Tràng mỗi năm làm ra một núi sản phẩm đủ các loại. Trong số đó, chỉ có một số rất, rất ít được tiêu thụ ngay tại Bát Tràng, số còn lại được tiêu thụ trên thị trường toàn quốc và nước ngoài. Liệu có thể nói rằng nền kinh tế Bát Tràng quá phụ thuộc vào “thị trường bên ngoài” không?

Rằng như thế thì nền kinh tế của Bát Tràng sẽ thiếu bền vững không? Và người dân Bát Tràng có nên co về lo cho “thị trường làng” không? Vấn đề Việt Nam nên tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu, hay lui về phát triển thị trường trong nước, cũng tương tự.

Trong thời đại toàn cầu hóa, việc phân chia “thị trường trong nước” và “thị trường ngoài nước”, hay “hàng Việt Nam”, “hàng nước ngoài” thể hiện cách tư duy hơi bị lạc hậu. Hai trăm năm trước đây David Ricardo đã cho thấy nền sản xuất của mỗi nước cần dựa trên lợi thế cạnh tranh tuyệt đối và tương đối như thế nào.

Với người sản xuất, không quan trọng là bán cho ai, ở đâu; quan trọng là làm sao thu lợi nhuận tối đa. Còn người tiêu dùng cũng không cần quan tâm mua hàng của ai, ta hay tây, miễn sao hàng tốt giá tốt là được. Người Việt dùng hàng Việt ư? Thời nay khó có một định nghĩa rõ ràng thế nào là “hàng Việt Nam” lắm.

Một hộp sữa được sản xuất trong nước, chắc là hàng Việt Nam. Một chiếc vỏ xe nhập từ nước ngoài, chắc là hàng nhập. Thế nhưng, hộp sữa kia được sản xuất từ sữa bột nhập khẩu, chiếm tới 90% giá thành; trong khi chiếc vỏ xe kia làm từ mủ cao su của ta xuất khẩu, chiếm 40% giá thành, thì cái nào “Việt Nam” hơn?

Mua hộp sữa, thực ra chúng ta đã giúp nước ngoài tiêu thụ một lượng nguyên liệu trị giá tới 90% hộp sữa, còn mua chiếc vỏ xe thì ngược lại – chính là đã tiêu thụ lượng mủ cao su của ta trị giá tới 40% chiếc vỏ xe!

Nhiều người nghĩ rằng Việt Nam với dân số 86 triệu, lại đa số là cư dân trẻ, là một thị trường rất lớn, bỏ qua thì đúng là tội lỗi, tội lỗi.

Tuy nhiên, tổng cầu của một đất nước không phụ thuộc vào dân số, cũng như việc dân cư trẻ hay già, mà phụ thuộc trước hết vào tổng thu nhập quốc dân. Thành thử, tổng nhu cầu có khả năng thanh toán của 86 triệu dân Việt Nam chưa chắc đã bằng tổng cầu của 3 triệu dân Mỹ!

Nếu nhu cầu về quần áo của dân ta trung bình là 2 bộ một năm, thì rõ ràng các công ty dệt may không thể trông chờ nhiều vào thị trường trong nước. Họ phải xông pha ra thị trường thế giới là chuyện hiển nhiên, chứ chẳng phải vì họ “quên” thị trường nội địa. Nhiều người cho rằng chúng ta rất kém khi toàn xuất tài nguyên thô, ví dụ như quặng sắt, để cho nước ngoài luyện thành phôi thép, rồi bán cho chúng ta.

Sao không ai nghĩ rằng làm như thế là chúng ta đã chuyển một công đoạn tiêu tốn rất nhiều năng lượng, lại gây ô nhiễm trầm trọng, cho nước ngoài? Ông Trương Đình Tuyển nhận xét: “trong chuỗi giá trị của sản phẩm, giá trị gia tăng giảm dần từ nghiên cứu triển khai – thiết kế và tạo mẫu – sản xuất, chế tạo linh kiện và cuối cùng là lắp ráp”. Không biết ông căn cứ vào đâu mà kết luận thế?

Chúng ta hãy thử làm ngược lại: tự tay thiết kế mẫu mã quần áo, giày dép, đồ điện tử, tự tay sản xuất nguyên vật liệu, sau đó thuê thợ Pháp may quần áo, thợ Ý đóng giày, công nhân Nhật lắp ráp hàng điện tử. Lúc đó sẽ biết ngay công đoạn nào có giá trị gia tăng cao!

Một hộp sữa được sản xuất trong nước, chắc là hàng Việt Nam. Một chiếc vỏ xe nhập từ nước ngoài, chắc là hàng nhập. Thế nhưng, hộp sữa kia được sản xuất từ sữa bột nhập khẩu, chiếm tới 90% giá thành; trong khi chiếc vỏ xe kia làm từ mủ cao su của ta xuất khẩu, chiếm 40% giá thành, thì cái nào “Việt Nam” hơn? 

Thực ra, việc thiết kế chỉ đòi hỏi một vài chuyên viên, trong khi công đoạn may, lắp ráp đòi hỏi rất nhiều sức lao động. Ở những nước phát triển sức lao động hết sức đắt đỏ, trong khi ở các nước nghèo sức lao động rất rẻ. Chính vì thế mà các công ty chuyển công đoạn đó cho các nước nghèo.

Thêm vào đó, sự cạnh tranh giữa các nước nghèo trong việc giành giật các hợp đồng gia công càng ép giá gia công xuống thấp nữa. Chứ hoàn toàn không phải vì bản thân công đoạn đó tạo ra giá trị ít. Thì đấy, cứ thử thuê thợ Pháp, Đức, Nhật gia công mà xem!

Ngoài ra, giá một đôi giày Nike là 200 đô la Mỹ, trong khi giá gia công và nguyên vật liệu chỉ khoảng 20 đô la Mỹ chẳng hạn, thì hoàn toàn không phải vì công đoạn thiết kế mẫu mã đã tạo ra tới 90% giá trị. Mà vì hãng Nike đã phải bỏ ra những khoản chi phí khổng lồ cho hoạt động quảng cáo, tiếp thị, bán hàng – những khoản này chiếm phần lớn giá thành của đôi giày. Rút cục, tỷ suất lợi nhuận của Nike cũng chỉ ở mức 10%, thậm chí còn thấp hơn tỷ suất lợi nhuận của các hãng giày Trung Quốc chỉ bán những đôi giày giá 5 – 6 đô la Mỹ.

Người viết đã có thời gian sống ở Trung Quốc, làm ăn trong lĩnh vực quần áo, giày dép nên có biết tí chút về chuyện này. Cần hiểu rõ điều đó để khỏi ảo tưởng rằng nếu ta tự tay thiết kế mẫu mã và sản xuất nguyên vật liệu thì sẽ thu lời lớn! Nhiều khả năng là sẽ chẳng bán được cho ai!

Về vấn đề phân phối, nhiều người có ý kiến giống ông Hoàng Thọ Xuân (Bộ Công thương), rằng “cần xây dựng mạng lưới phân phối và dịch vụ bán hàng. Đây là điều doanh nghiệp Việt Nam hiện vẫn còn yếu so với doanh nghiệp nước ngoài”. Bà Phạm Chi Lan thì nhận định: “Quên hệ thống phân phối, doanh nghiệp Việt Nam giam mình trong đáy giá trị” ( trích từ http://tuanvietnam.net/vn/sukiennonghomnay/5729/index.aspx). Còn nguyên Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển thì phát biểu với báo giới: “Thất bại lớn nhất trong suốt 2 nhiệm kỳ tôi làm bộ trưởng là không xây dựng và phát triển được hệ thống phân phối nội địa”.

Thành thực mà nói, không hiểu sao lại có những ý kiến như thế? Nếu các doanh nghiệp Việt Nam bỏ quên hệ thống phân phối, thì họ bán hàng như thế nào, bán cho ai? Hàng triệu cửa hàng lớn nhỏ trên khắp mọi miền đất nước là cái gì, nếu không phải hệ thống phân phối? Tại các siêu thị, cửa hàng, tiệm chạp phô, hầu hết hàng hóa là do các doanh nghiệp trong nước sản xuất, còn hàng ngoại nhập chiếm rất ít. Vậy tại sao lại bảo là doanh nghiệp trong nước quên hệ thống phân phối, còn doanh nghiệp nước ngoài thì nhớ? Và chẳng hiểu thế nào là “giam mình trong đáy giá trị”?

 Nếu ông Trương Đình Tuyển không coi mấy triệu cửa hàng đó là hệ thống phân phối, mà muốn tự mình xây dựng lấy hệ thống phân phối, thì không biết ông định làm thế nào đây?

Nói tóm lại, kể cả trong và sau đợt khủng hoảng kinh tế toàn cầu này, có lẽ chỉ nên coi thị trường trong nước như một bộ phận của một thị trường chung, giống như làng Bát Tràng chỉ là một mẩu tí tẹo trong thị trường toàn quốc vậy. Đã đến lúc nên quên đi những khái niệm thị trường nội địa, thị trường nước ngoài, xuất khẩu, nhập khẩu. Sản xuất cái gì, bán ở đâu, là do hiệu quả kinh tế quyết định.

ĐOÀN TIỂU LONG

Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online từ ngày 24-2 đã mở diễn đàn “Xoay xở trong cơn suy thoái” ghi nhận ý kiến, suy nghĩ của các doanh nghiệp, các chuyên gia kinh tế cũng như các bài viết của phóng viên phản ánh tình hình khó khăn của doanh nghiệp và những đề xuất, kiến nghị có thể giúp doanh nghiệp trụ vững trong “cơn lốc” suy giảm kinh tế.

Bài vở, ý kiến tham gia diễn đàn “Xoay xở trong cơn suy thoái” xin gửi về tòa soạn theo email: online@thesaigontimes.vn

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới