Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Đúng-sai việc cho vay có thu thêm phí      

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Đúng-sai việc cho vay có thu thêm phí      

Theo Phó chủ tịch Hiệp hội ngân hàng châu Á Vũ Viết Ngoạn thì việc các ngân hàng thu thêm phí như hiện nay là không phạm luật – Ảnh: Lê Toàn.

(TBKTSG Online) – Xung quanh trần lãi suất được mở rộng và các vấn đề liên quan đến trần lãi suất mới, Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online đã trao đổi với ông Vũ Viết Ngoạn, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Phó chủ tịch Hiệp hội ngân hàng châu Á. 

Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online: Ông nghĩ thế nào khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố lãi suất cơ bản mới, mà theo đó trần lãi suất cho vay tối đa là 18%/năm, nhưng không quy định rõ các ngân hàng có quyền cộng thêm chi phí khác như chi phí vay, chi phí thẩm định hay tư vấn?

Ông Vũ Viết Ngoạn: Lãi suất cơ bản là một công cụ điều hành, quy định hợp lý trong tay Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Nâng lãi suất cơ bản là mở rộng phạm vi tự do cho cung cầu hợp lý, lãi suất phản ánh đúng hơn quan hệ cung-cầu nên coi như bước tiến mở rộng điều kiện kinh tế.

Tuy nhiên, có một điểm cần lưu ý là yêu cầu hiện tại của nền kinh tế vừa đảm bảo chống lạm phát, vừa đảm bảo cho sản xuất kinh doanh phát triển. Cung-cầu chênh lệch như thế cũng đặt ra bài toán vừa phải duy trì mức lãi suất cao nhưng làm sao hợp lý. Cách tốt nhất là ổn định tình hình rồi đưa lãi suất giảm xuống mới phát triển kinh tế lâu dài được.  

Hiện nay trong quyết định của NHNN không quy định nào về phí nên các ngân hàng được thu thêm một số phí. Theo tôi, điều này là bình thường theo thông lệ và tập quán quốc tế (cho vay có tính thêm phí).

Nhưng các phí đó nếu bị lạm dụng để nâng mức lãi suất cho vay lên cao quá thì đó là câu chuyện đáng xem xét trên hai khía cạnh: Thứ nhất, lãi suất phản ánh đúng cung-cầu hay chưa? Xem ngân hàng có vì mục tiêu nào khác mà đi ngoài khuôn khổ pháp luật không? NHNN phải theo dõi sát và có thông tin đầy đủ, phản ứng tức thì.

Thứ hai, nếu tất cả các ngân hàng đều áp dụng một mức lãi suất khá thống nhất thì chính NHNN phải xem lại mức quy định lãi suất mới có hợp lý hay không? Chỉ một vài ngân hàng vì mục đích cá nhân mà kêu ca thì còn dễ nhận định tình hình hơn nữa. Những điều này nên để thêm một thời gian nữa để đánh giá.

Ông nói việc cộng thêm chi phí là theo thông lệ quốc tế, nhưng cộng lãi suất theo quy định cùng với chi phí thì người vay vốn phải chịu một mức lãi suất rất cao, vượt trần nhiều. Điều này có phạm Bộ Luật dân sự và có phản ánh đúng quy luật cung-cầu mà ông đang nói không?  

Ông Vũ Viết Ngoạn, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội.

Nói đúng ra thì ngân hàng thu thêm phí  không vi phạm quy định của luật. Họ vẫn áp dụng đúng mức lãi suất tối đa là 150% so với lãi suất cơ bản thôi. Các khoản kia gọi là phí, không phải lãi suất nên khó bắt bẻ được.

Điều 476 của Bộ Luật dân sự chỉ quy định về lãi suất cơ bản. Tuy nhiên, quay trở lại vấn đề nếu họ sử dụng phí kia nhiều quá thì cũng phải là câu chuyện khác, để xem xét. Để cung-cầu thị trường điều chỉnh cần thiết phải điều chỉnh tăng trưởng tín dụng. Ví dụ, chưa thể đánh giá ngay lãi suất này có phản ánh đúng thực tế vì cầu tín dụng hiện nay vẫn quá lớn. Bản thân các ngân hàng chưa điều chỉnh được nhịp độ trong điều kiện hiện nay.

Theo ông, cần khoảng thời gian bao nhiêu để có thể đánh giá trong khi thị trường đang kêu gọi NHNN công bố mức lãi suất cơ bản theo tháng mới là hợp lý?

Theo tôi sau một tháng có thể đánh giá được và chuẩn bị những bước đi tiếp theo.

Nhưng còn vấn đề đầu ra của đồng vốn như thế nào, khi mà các ngân hàng vẫn thắt chặt tín dụng như yêu cầu chung của Chính phủ mà không phân biệt đối tượng? Điều này gây khó cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, ảnh hưởng đến nguồn tài chính cần thiết để lưu thông nền kinh tế?

Tôi không nghĩ như vậy. Bản thân lãi suất trần đã có sự phân biệt và thanh lọc đối tượng vay vốn. Các ngân hàng cũng tạo ra chính sự thanh lọc đối tượng vay vốn một lần nữa qua mức lãi suất cho vay từng đối tượng. Mức lãi suất này được gọi là “nhận diện đối tượng” để đưa ra mức lãi suất cao hay thấp.

 Nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Cao Sỹ Kiêm lại cho rằng việc các ngân hàng tính thêm các chi phí vào lãi suất cho vay là vi phạm luật vì xét cho cùng mọi chi phí đó đều được cộng vào lãi suất mà người vay phải chịu, vượt trần lãi suất cho vay theo quy định.

Có chuyên gia kinh tế đưa ra khuyến cáo về “lãi suất địa ngục” (lãi suất rất cao) để loại bỏ các dự án và khách hàng không thể kham nổi khi đầu tư vào các dự án mà tính hiệu quả không cao? Theo ông có nên áp dụng không?

Nguyên lý của nền kinh tế thị trường là nâng lãi suất để điều chỉnh cung-cầu. Giảm cầu là dự án nào không cần thiết đến mức đó, không đủ khả năng kham nổi thì phải dẹp bỏ. Nguồn vốn hiện nay có hạn, nếu không muốn phát triển quá nóng thì đẩy lãi suất lên cao, đương nhiên chỉ có dự án nào đạt được những tiêu chí đó, lợi nhuận khả thi mới sử dụng nguồn vốn có hiệu quả. Lâu dài phải dùng lãi suất mở rộng thay cho lãi suất cơ bản “cứng”.

Từ năm 2002 đến nay chúng ta đã dùng lãi suất mở rộng, bây giờ quay trở lại lãi suất cơ bản thực ra là một bước lùi. Tuy nhiên, bước lùi trong điều kiện này thì được còn lâu dài không nên hạn chế.

Chính phủ yêu cầu giảm tăng trưởng tín dụng năm 2007 từ 53,8% xuống còn 30%, theo ông làm thế nào để không gây ra những bước lùi đột ngột theo kiểu “phanh gấp”?    

Theo tôi giảm xuống mức 30% là hợp lý, không phải là cú sốc quá lớn. Không nên quá con số đó. 30% thực chất vẫn còn là cao nhưng bởi vì hạn chế việc tụt dốc nên mức này là hợp lý.

Muốn giảm không đột ngột thì vấn đề là điều chỉnh lượng tiền, thanh khoản. Nhiều hợp đồng được ký từ năm 2007 rồi nên giảm tín dụng tăng hơn 10% cũng có thể còn là cao. Tổng dư nợ tín dụng sẽ phải giảm dần theo quí. Bốn tháng đầu năm con số này đã lên đến 14,73% là cao so với yêu cầu tốc độ tăng 30% của toàn hệ thống. Bởi vậy nên tính phương án giảm dần.

Xin cảm ơn ông!                                          

 NGỌC LAN thực hiện

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới