Chủ Nhật, 29/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Đừng tạo cơ hội cho lừa đảo

Nguyễn Vũ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Một trong những phát ngôn đáng chú ý của Changpeng Zhao, Giám đốc điều hành Binance, sàn giao dịch tiền mã hóa thuộc loại lớn nhất thế giới, khi qua Việt Nam có liên quan đến những tấm hình mọi người chụp chung với ông ta. Đại ý ông này nói hoan nghênh bất kỳ ai chụp hình cùng ông ta nhưng đừng dùng những tấm hình đó để quảng bá cho các dự án tiền mã hóa.

Điều này chứng tỏ Zhao ý thức rất rõ khả năng hình ảnh, phát ngôn của mình bị lợi dụng để lôi kéo nhiều người khác rót tiền vào các dự án tiền mã hóa, nhất là các dự án mang tính lừa đảo, bơm thổi giá hay lấy tiền của người sau trả cho người trước.

Bản thân sàn Binance, theo điều tra của hãng tin Reuters, cũng đã bị biến thành một kênh rửa tiền cho bọn tội phạm, tin tặc, buôn ma túy, lừa đảo với số tiền lên đến tương đương 2,35 tỉ đô la Mỹ. Cho dù Binance có vô tình chứ không cố ý tiếp tay cho bọn xấu đi nữa, một câu chuyện như thế chứng tỏ Binance có nhiều lỗ hổng, cái họ gọi là nỗ lực chống nạn rửa tiền đã thất bại. Trong vụ hai đồng tiền neo giá TerraUSD và Luna bị sụp đổ làm hàng chục ngàn người mất hàng chục tỉ đô la, có một tỷ lệ rất lớn mất tiền thông qua Binance; cho đến nay vẫn chưa thấy họ nêu lên trách nhiệm của họ như thế nào.

Ngay chính Changpeng Zhao còn cảnh báo về chuyện lạm dụng hình selfie với ông ta thì các hình ảnh hoàng tráng về blockchain, tiền số… ắt sẽ thành công cụ được cắt xén, mài dũa sao cho phù hợp với mục đích của kẻ lừa đảo sau này. Tôi không hiểu vì sao có những phát biểu như đẩy mạnh metaverse, blockchain để chuyển đổi số tại Việt Nam. Việc chuyển đổi số thì liên quan gì đến xây dựng cái thế giới ảo metaverse?

Binance là một trường hợp điển hình cho thấy chính sách các nước vẫn đang còn ở giai đoạn dè chừng, thăm dò đối với hoạt động của các sàn giao dịch tiền mã hóa nhưng nổi lên vẫn là một thái độ cảnh giác cao độ.

Binance công bố rộng rãi thông tin họ được cấp giấy phép hoạt động ở Pháp, nhưng ít nói về các lệnh cấm ở các nước khác. Ở Mỹ, Ủy ban Giao dịch Chứng khoán vừa mới vào cuộc điều tra Binance vì nghi ngờ đợt mở bán Binance Coin vào năm 2017 là hành vi chào bán chứng khoán trái phép.

Binance được thành lập ở Thượng Hải vào năm 2017, nhưng chỉ mấy tháng sau đó Trung Quốc đã ra lệnh cấm các đồng tiền mã hóa và Binance phải dọn sang Nhật. Ngoài ra Binance còn bị cấm hoặc được cảnh báo không được cung cấp dịch vụ đầu tư vào tiền mã hóa tại Anh, Ý, Đức, Hà Lan, Úc, Canada (Ontario), Malaysia, Thái Lan và Hồng Kông. Ở Singapore và ở Mỹ, Binance không cung cấp dịch vụ giao dịch tiền mã hóa cho người dân trên trang binance.com mà phải sử dụng trang binance.sg và binance.us để tuân thủ quy định của hai nước này.

Trong bối cảnh như thế, có lẽ thái độ đúng mực nhất là quan sát và dè chừng, nhưng quan trọng hơn hết là phát đi những thông điệp rõ ràng minh bạch để kẻ xấu không lợi dụng các sự kiện CEO của Binance tham gia một số hoạt động ở Việt Nam để dùng vào mục đích lừa đảo. Ngay chính Changpeng Zhao còn cảnh báo về chuyện lạm dụng hình selfie với ông ta thì các hình ảnh hoành tráng về blockchain, tiền số… ắt sẽ thành công cụ được cắt xén, mài dũa sao cho phù hợp với mục đích của kẻ lừa đảo sau này.

Tôi không hiểu vì sao có những phát biểu như đẩy mạnh metaverse, blockchain để chuyển đổi số tại Việt Nam. Việc chuyển đổi số thì liên quan gì đến xây dựng cái thế giới ảo metaverse? Sau khi bão hòa trong thế giới quảng cáo dùng dữ liệu người dùng, Facebook có tham vọng xây dựng metaverse như một hướng phát triển để giữ chân người dùng, để tiếp tục bán quảng cáo và các sản phẩm ảo trong tương lai.

Cho dù blockchain, công nghệ nền tảng của tiền mã hóa có nhiều tiềm năng chưa khai thác đi chăng nữa, trách nhiệm của những người quảng bá cho blockchain là phải cảnh báo khả năng bị lợi dụng vào mục đích lừa đảo. Ai có ý tưởng blockchain áp dụng vào lĩnh vực nào cứ im lặng buông màn xuống để xây dựng, thành công rồi thì có thể mời mọi người đến chúc mừng chứ đừng đăng đàn tô vẽ quá đáng cho tiềm năng blockchain.

Công nghệ blockchain được ca tụng cả 10 năm nay nhưng đại đa số ứng dụng là dùng trong thế giới tiền mã hóa, các sản phẩm NFT, các loại game mà sự thăng trầm của chúng như thế nào mọi người đều đã rõ.

Một phần ít ỏi các dự án blockchain trong các lĩnh vực khác như theo dõi nông sản, cấp giấy chứng nhận đất đai, tổ chức bầu cử trên mạng, bảo vệ bản quyền… nghe ầm ĩ thời gian đầu hình như đều thất bại. Ngay ở nước Mỹ, nơi nhu cầu tổ chức bầu cử sao cho suôn sẻ, minh bạch, không bị cáo buộc gian lận là rất cao nhưng các dự án dùng blockchain trong bỏ phiếu đã được tuyên bố là không khả thi.

Nói một cách đơn giản nhất, blockchain như một cơ sở dữ liệu viết thành một cuốn sổ cái sao chép ra thành nhiều bản do nhiều người cất giữ. Mỗi trang dữ liệu mới đưa vào phải kết nối với trang trước và móc với trang sau và được mọi người cùng ghi nhận theo một thuật toán được đồng thuận trước. Từ đó mới nảy sinh những ý tưởng như mọi giao dịch bất động sản nếu ghi nhận vào một sổ cái blockchain thì không ai giả mạo được, không cần thủ tục hành chính nhiêu khê, không sợ tranh chấp đất đai nữa…

Lý thuyết thì hay như thế nhưng thực tế blockchain cồng kềnh, tiêu tốn nhiều năng lượng để vận hành, lãng phí dữ liệu phải sao chép ra nhiều bản, xử lý các giao dịch hay ghi nhận dữ liệu mới rất chậm chạp… nên không thể triển khai trên quy mô lớn. Ví dụ mạng thanh toán của Visa mỗi giây có thể xử lý 24.000 giao dịch còn blockchain chạy Ethereum hay bitcoin chỉ xử lý được lần lượt 30 hay 7 giao dịch mỗi giây. Cứ tưởng tượng một blockchain ghi nhận quyền sử dụng đất của 100 triệu người thì thêm một trang sẽ phức tạp đến đâu, nặng nề như thế nào, tiêu tốn tiền điện ra sao, mất thời gian ở mức độ nào.

Điểm yếu cốt tử của blockchain là xóa bỏ niềm tin hay nói cách khác xây dựng một cơ chế giao dịch trong đó niềm tin không còn là yếu tố gắn kết như nó từng gắn kết loài người trong mấy ngàn năm nay.

Thay vào đó nó dựa vào các dòng lệnh thuật toán lạnh lùng; chẳng hạn một blockchain quản lý việc chia sẻ mua bán âm nhạc sẽ có câu: “Nếu người nghe A nghe một bản nhạc B của ca sĩ C thì trừ 2.000 đồng từ ví của A chuyển qua ví của C 1.000 đồng và ví của D là nhạc sĩ viết ra bản nhạc B thêm 1.000 đồng nữa”. Thử nghĩ với hàng trăm triệu người nghe, hàng triệu bản nhạc, hàng chục ngàn ca sĩ, nhạc sĩ thì cơ sở dữ liệu nào chứa cho hết mọi giao dịch có thể xảy ra.

Hầu như mọi người đều đồng tình tiền mã hóa là mảnh đất màu mỡ cho tội phạm, từ chỗ dùng nó làm phương tiện thanh toán để tránh nhà chức trách theo dõi đến chỗ làm công cụ lừa đảo, tiền chuyển đi xem như mất hút, không bao giờ quay lại. Cho dù blockchain, công nghệ nền tảng của tiền mã hóa có nhiều tiềm năng chưa khai thác đi chăng nữa, trách nhiệm của những người quảng bá cho blockchain là phải cảnh báo khả năng bị lợi dụng vào mục đích lừa đảo.

Ai có ý tưởng blockchain áp dụng vào lãnh vực nào cứ im lặng buông màn xuống để xây dựng, thành công rồi thì có thể mời mọi người đến chúc mừng chứ đừng đăng đàn tô vẽ quá đáng cho tiềm năng blockchain, đã hơn một thập niên rồi mà vẫn chỉ dừng ở mức tiềm năng.

1 BÌNH LUẬN

  1. Loại hình tài chính nào cũng cần có công cụ quản lý lẫn hệ thống luật pháp dành cho nó, kẻ xấu hay những kẻ “ranh giới trắng đen” phải suy nghĩ về hậu quả họ phải đối mặt khi có hành vi gian dối… Khi blockchain quá kín quá khó để luật pháp rờ tới thì nó sẽ bị bỏ rơi hay chờ ai đó có công cụ mạnh hơn!

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới