Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Lừa đảo bằng tiền mã hóa ngày càng tăng

Thư Kỳ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Chỉ tính riêng ở Mỹ, các vụ lừa đảo liên quan đến tiền mã hóa (crypto currency) đang tăng nhanh từ đầu năm ngoái đến tháng 3 năm nay làm 46.000 người mất hơn 1 tỉ đô la, tăng gấp 60 lần so với năm 2018, theo Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ. Đó là con số chính thức. Nhiều nhà phân tích cho rằng con số thực tế còn cao hơn nhiều lần bởi nạn nhân nhiều vụ lừa đảo không ra trình báo.

Tốc độ lây lan các vụ lừa đảo nhanh như thế chứng tỏ giới tội phạm đã biết tận dụng một xu hướng trong dân chúng: muốn làm giàu nhanh chóng nhờ tiền mã hóa. Đáng ngại là số tiền bị lừa trong quí 1-2022 bằng cả một nửa số tiền kẻ gian chiếm được trong cả năm 2021. Các đồng tiền mã hóa liên quan đến các vụ lừa đảo này nhiều nhất là bitcoin (70%) rồi đến Tether (10%) và Ether (9%).

Hơn một nửa số nạn nhân cho biết các vụ lừa đảo tiền mã hóa xuất phát từ mạng xã hội, chủ yếu là trên hai ứng dụng Facebook và Instagram; ở các nước khác thì chủ yếu trên Telegram và WhatsApp.

Cách thức bọn lừa đảo chiêu dụ nạn nhân thường giống nhau: dùng mạng xã hội để vẽ ra các cơ hội đầu tư, hứa hẹn một mức lãi cực cao và thoạt tiên thực sự trả lãi cao cho những khoản đầu tư mà nạn nhân rón rén tham gia, thậm chí cho họ rút lãi về. Lúc lòng tham của người chơi trỗi lên, đem hết tiền dành dụm đổ vào các dự án tiền mã hóa, lúc đó kẻ gian mới hốt hết tiền bạc và biến mất.

Một biến thể khá phổ biến là giả vờ tán tỉnh, xây dựng tình cảm trước. Sau khi đã thân thiết, kẻ gian mới bắt đầu dụ dỗ nạn nhân bỏ tiền vào các dự án tiền mã hóa. Hoặc nhiều lúc chúng chỉ cần đăng lên các hình ảnh giàu sang, lối sống như các ông hoàng mà không cần giải thích. Sau khi con mồi tò mò thắc mắc, chúng mới giả vờ để lộ bí mật đầu tư vào ví tiền này, ví tiền kia; tức là phải thân thiết lắm chúng mới chia sẻ cách làm giàu như chúng cho nạn nhân bắt chước. Dĩ nhiên sau đó chúng sẽ biến mất như trường hợp dụ dỗ đầu tư.

Nhiều lúc chúng chỉ cần đăng lên các hình ảnh giàu sang, lối sống như các ông hoàng mà không cần giải thích. Sau khi con mồi tò mò thắc mắc, chúng mới giả vờ để lộ bí mật đầu tư vào ví tiền này, ví tiền kia; tức là phải thân thiết lắm chúng mới chia sẻ cách làm giàu như chúng cho nạn nhân bắt chước. Dĩ nhiên sau đó chúng sẽ biến mất như trường hợp dụ dỗ đầu tư.

Tuy ít hơn, hình thức lừa đảo giả danh làm viên chức chính phủ hay đại diện doanh nghiệp cũng lừa được nhiều người. Kẻ gian gọi điện thông báo cho nạn nhân, có thể là liên quan đến một vụ hàng giả, rửa tiền, buôn ma túy nào đó.

Sau đó sẽ có một kẻ thứ nhì giả danh nhân viên ngân hàng gọi điện xác nhận câu chuyện. Sau đó chúng mới “thương tình” bày cho nạn nhân cách bảo vệ tiền dành dụm của họ bằng cách chuyển sang tiền mã hóa cho an toàn. Từ đó tiền trong ví bị bọn chúng chiếm đoạt chỉ là một bước rất ngắn.

Một điều lạ là giới trẻ, từ 20 đến 49 tuổi lại dễ bị lừa hơn những người lớn tuổi, có thể do họ nghĩ họ cũng rành rẽ tiền mã hóa hơn người lớn tuổi, nhất là những người trong độ tuổi 30. Trong khi số lượng nạn nhân còn trẻ cao gấp ba nạn nhân lớn tuổi, số tiền bị lừa ở người già lại cao hơn nhiều, có thể do họ có nhiều tiền dành dụm hơn.

Sự thiếu vắng các chính sách quản lý nhà nước đối với tiền mã hóa là một trong những yếu tố làm các vụ lừa đảo lan rộng. Hiện nay nhiều nước cấm xem tiền mã hóa là tiền nhưng vẫn xem chúng như một dạng tài sản có thể mua đi bán lại.

Các sàn giao dịch tiền mã hóa bị cấm một số nơi nhưng vẫn được hoạt động nhộn nhịp ở nhiều nơi khác. Trong khi đó báo chí lại đầy những câu chuyện ngủ một đêm dậy thành tỉ phú nhờ tiền mã hóa; các loại hội thảo, hội nghị về blockchain, tiền mã hóa, tài chính phi tập trung… được đưa tin dày đặc, làm bọn tội phạm được quảng bá không công.

Cho đến nay nhiều vụ sụp đổ tiền mã hóa chưa được xếp vào lừa đảo nên người mất tiền còn nghĩ do họ xui xẻo mà thôi. Chẳng hạn trong vụ sụp đổ đồng tiền neo giá TerraUSD, hơn 18 tỉ đô la bị xóa trắng; nhiều người mất hết tiền dành dụm suốt đời, nhiều người khác chìm trong nợ nần nhưng không ai xem mình là nạn nhân bị lừa đảo cả.

Điều đáng nói là ngay chính người sáng tạo ra đồng Dogecoin, Jackson Palmer lại cho rằng toàn bộ lĩnh vực tiền mã hóa giống như một “ký sinh trùng” đang đi tìm để “bám vào hết thảy mọi vụ lừa đảo trên thế gian này”. Trả lời phỏng vấn báo The Age của Úc, Palmer nói: “Tiền mã hóa có vai trò kiểu như tạo điều kiện cho các nhóm lừa đảo bởi tiền mã hóa cung cấp một hệ thống không được quản lý, khó kiểm soát giúp kẻ lừa đảo tiến hành lừa đảo”.

Nhà kinh tế Paul Krugman dường như đồng tình với nhận định này khi viết trên tờ New York Times rằng tiền mã hóa là trò lừa đảo, chẳng khác gì bong bóng bất động sản dẫn tới cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới