(KTSG Online) - Các công trình hạ tầng giao thông dù đã được phê duyệt nhưng nếu không đảm bảo an toàn trong thực tế thì vẫn phải xem xét chỉnh sửa, nhất là khi tai nạn cứ lặp đi lặp lại. Cơ quan chức năng nên cầu thị, không thể cho là làm đúng thiết kế là hết trách nhiệm.
Trong hai tuần qua, khá nhiều bài báo dẫn ý kiến người dân cho rằng cách thiết kế chân trụ đèn đường hai bên cầu vượt ở tại nút giao Ngọc Hội, TP Nha Trang nhô rất cao ra ngoài gây nguy hiểm cho người đi đường.
Câu trả lời đầu tiên của cơ quan chức năng là các trụ đèn này làm đúng theo thiết kế đã được duyệt. Thế nhưng người dân thường đi lại trên đường này cho biết họ thấy quá nguy hiểm nếu xảy ra tai nạn va quẹt và bị hất vào các khối bê tông cao ngang tầm đầu người lái xe gắn máy (1).
Thiết kế “đúng” này gợi nhớ lại câu chuyện "đúng thiết kế" của một cây cầu ở TPHCM với "khúc cua tử thần".
Cách đây khoảng 15 năm, khi cầu Nguyễn Văn Cừ đi vào hoạt động, trên cầu có một nhánh đi về hướng quận 4 với độ cong khá lớn. Tại đoạn cong này đã xảy ra hàng chục vụ tai nạn do người lái xe máy không phản xạ kịp đã tông vào thành cầu và bay qua lan can rớt xuống sông, trong số đó có vài người đã chết. Báo chí đã gọi đó là “khúc cua tử thần” vì chỉ trong 6 tháng từ khi thông xe đã có 6 vụ tai nạn người lái xe máy bay qua lan can rớt xuống sông (2).
Tuy nhiên, sau hàng loạt vụ tai nạn dồn dập thì ngành giao thông vẫn khẳng định thiết kế độ cao lan can cầu là đúng, tai nạn xảy ra là do người dân chủ quan chạy nhanh khi vào đoạn cầu cong.
Ngoài thiết kế khiến nhiều người dân "bay" xuống sông nếu lỡ chạy nhanh, cầu Nguyễn Văn Cừ còn có hàng trụ đèn đường nhọn hoắc như ngọn giáo. Số cột đèn này không chỉ có trên cầu mà còn được lắp đặt trên đường Nguyễn Văn Cừ và Dương Bá Trạc ở hai bên đầu cầu.
Bên dưới cầu Nguyễn Văn Cừ là các tuyến đường rất đông xe cộ như Võ Văn Kiệt, Phạm Thế Hiển và các khu nhà dân đông đúc. Nếu chẳng may thiên tai, sự cố kỹ thuật hay một xe tải nặng mất lái tông trúng khiến trụ đèn bật ngã vào nhà dân hay dòng xe phía dưới thì đầu nhọn như mũi giáo của trụ đèn có thể gây ra hậu quả thảm khốc.
Cùng được đưa vào hoạt động vào năm 2009, cùng là công trình giao thông trọng điểm của TPHCM nhưng tư duy thiết kế an toàn của đại lộ Đông Tây (nay là tuyến đường Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ) và cầu Nguyễn Văn Cừ lại có sự khác biệt đáng kể.
Tuyến đại lộ Đông Tây do một công ty Nhật thiết kế rất chú trọng đến an toàn. Trụ đèn trên tuyến đường này là loại tất cả góc cạnh đều được bo tròn. Thêm vào đó, các trụ gắn trên cầu đều nằm gọn trong lan can không hề nhô ra ngoài.
Các thanh hộ lan cũng được người Nhật thiết kế ép sát đất ở hai đầu. Trong trường hợp mất lái, xe chỉ trượt lên mà không bị thanh hộ lan đâm xuyên vào xe như đã xảy ra do hộ lan nằm trên cao trên một số tuyến đường khác ở Việt Nam (3).
Khi cơ quan quản lý giao thông cho rằng chân trụ đèn đường hay độ cao lan can cầu là đúng thiết kế, các yếu tố phát sinh trong thực tế đã bị bỏ qua. Thiết kế chân trụ đèn đường là đúng với điều kiện chân trụ đèn ở sát mặt đất hoặc cao khoảng 2 m. Còn khi chân trụ đèn nằm lơ lửng ở độ cao ngang đầu người lái xe máy thì đó là mối nguy hiểm tiềm ẩn.
Trong trường hợp cầu Nguyễn Văn Cừ, độ cao lan can đúng thiết kế nhưng đó là đối với với đoạn cầu thẳng. Đoạn cầu có độ cong lớn đã làm phát sinh lực ly tâm khiến người lái xe bị hất vào thành cầu và bay xuống sông do lan can thấp. Phải sau nhiều năm và sau hàng chục vụ tai nạn thì việc làm thêm lưới chắn nâng cao lan can mới được thực hiện.
Mọi thiết kế hạ tầng giao thông đều có thể phát sinh bất cập, do đó cơ quan quản lý không nên khăng khăng bám vào lý do đúng thiết kế để không sửa đổi. Thiết kế đúng nhất phải là thiết kế an toàn nhất khi vận hành trong thực tế.
------------------
(2) https://nld.com.vn/xa-hoi/xuat-hien-khuc-cua-tu-than-tren-cau-nguyen-van-cu-20091203080611859.htm
(3) https://vietnamnet.vn/sau-cu-tong-truc-dien-lan-can-sat-dam-xuyen-o-to-tren-deo-ben-2041240.html
Đặt vấn đề sai từ đầu. Đã thiết kế, phải an toàn. Trừ phi, những tiêu chí kỹ thuật có sự cập nhật mới, được pháp luật công nhận. Tuy nhiên, mọi thứ phải có lộ trình áp dụng, không thể hồi tố kiểu bất ngờ. Nếu không làm rõ câu chuyện này, sẽ không xác định được trách nhiệm cụ thể. Kể cả những tổn thất tài chính phát sinh, doanh nghiệp và người dân không thể kham nổi. Khi đó, chắc phải ra tòa án mới lượng định được ?