(KTSG) - Đã có hàng chục trường hợp “phản ứng quá mức” sau tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho trẻ em, thậm chí một số ca tử vong xảy ra ở Hà Nội, Bình Phước và Thanh Hóa đã đặt phụ huynh trên cả nước vào tình trạng rất bất an.
Các địa phương, nơi xảy ra sự việc nêu trên, đã lập hội đồng y tế để tìm hiểu nguyên nhân, đồng thời rà soát lại quy trình ở cơ sở, dây chuyền tổ chức tiêm chủng, trang thiết bị và nguồn nhân lực trực tiếp tiêm chủng. “Sốc phản vệ” là kết luận quen thuộc gần như trở thành công thức trong những bản kết luận của cơ quan y tế sau những vụ việc đáng tiếc.
Các kết luận này dù có đúng từ ngữ chuyên môn của ngành y cũng không làm cho phụ huynh yên tâm hơn, bởi không ai biết chi tiết về nguyên lý dẫn đến “sốc phản vệ” là gì, làm sao để tránh cho con em họ không run rủi rơi vào “trò xổ số đen đủi” của tiêm chủng, mà ở đó, họ liên đới chịu trách nhiệm (không ai khác, chính phụ huynh phải ký vào tờ giấy cam kết trước khi vaccine được tiêm vào cơ thể con em họ).
Việc tiêm chủng trong tình hình dịch bệnh đang phức tạp là rất cần thiết, đặc biệt, càng cần thiết với đối tượng là học sinh khi các em cần trở lại trường học sau một thời gian ở nhà quá dài, ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý cũng như đến chất lượng và cơ hội học tập. Được biết hiện tượng phản ứng quá mức sau tiêm với trẻ 12-17 tuổi cũng đã xảy ra ở các quốc gia khác. Tuy nhiên, trước việc liên tục có những ca tử vong vừa qua tại Việt Nam, ngành y tế cần có một quá trình rà soát toàn diện, nghiên cứu kỹ lưỡng, khoa học và trách nhiệm để khống chế, kiểm soát rủi ro.
Vì là vấn đề liên quan đến sinh mạng con người nên tính minh mạch, chi tiết trong thông tin đưa đến cho cộng đồng về các trường hợp được gọi là “sốc phản vệ” cần phải rõ ràng. Đó không phải là câu chuyện truyền thông cho qua để tiếp tục “quay số” trên nỗi lo lắng, bất an và day dứt của phụ huynh và của chính các em - những người lẽ ra được thụ hưởng chương trình tiêm chủng để được an toàn hơn trong đại dịch.
Việc lấy thông tin và khám sàng lọc cần được thực hiện một cách nghiêm túc và đặt trách nhiệm lên cao nhất để tầm soát những trường hợp nguy cơ cao dẫn đến “phản ứng quá mức” sau tiêm, nhằm có sự uyển chuyển chọn lựa vaccine, thời điểm tiêm chủng phù hợp, và nhất là có một cơ chế chuẩn bị y tế hợp lý để phòng ngừa bất trắc. Những việc này chắc chắn cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường và phụ huynh trong tổ chức rà soát thông tin bệnh sử, cơ địa của các em.
Trong những trường hợp sử dụng vaccine gia hạn, cần có thông báo rõ ràng về tính hiệu quả, chất lượng và mức độ tác dụng, thậm chí các tác dụng phụ (nếu có) để người được tiêm chủ động chọn lựa, không bị bất ngờ như vừa qua. Thực tế, mọi giải thích về tính an toàn khi “việc đã rồi” càng khiến dư luận hoang mang hơn!
Những báo cáo công thức “sốc phản vệ” chung chung phủ lên những mất mát như chuyện đã rồi và các động thái “tạm dừng để kiểm tra” rồi lại ồ ạt tiêm chủng như một sự đối phó máy móc chỉ gây thêm hoài nghi và hoang mang trong dư luận.
Trong cuộc họp vào sáng 5-12 với các bộ, ngành về vấn đề nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, sản xuất vaccine, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã lưu ý Bộ Y tế phối hợp với các địa phương từng xảy ra sự cố trong tiêm chủng phải rà soát những bất cập trong thời gian qua một cách khách quan, trung thực. Ông cũng đề nghị “trên cơ sở đó có thông tin chính xác, kịp thời đến với nhân dân, trên tinh thần không phân biệt vaccine, đặt sức khỏe của người dân lên trên hết, trước hết và có tham chiếu với tình hình, bài học, kinh nghiệm của thế giới”. (Theo Tuổi Trẻ).
Việc thực hiện chương trình tiêm chủng cho trẻ 12-17 tuổi (có thể sau này, độ tuổi được tiêm sẽ lần lượt được hạ xuống theo lộ trình chung của các nước) chắc hẳn không thể dừng lại sau những ca tử vong. Nhưng tính an toàn của vaccine, kiểm soát rủi ro một cách minh mạch, đặt trách nhiệm khoa học và giá trị cộng đồng cao hơn để bảo vệ tính mạng cho trẻ là điều mà xã hội đang đòi hỏi, đang chờ đợi câu trả lời thực tế của ngành y tế các địa phương.