Đừng xem thường bệnh trầm cảm!
BS. Lê Hùng
(TBKTSG) - LTS: Chúng ta thường đề cập nhiều đến chuyện quản trị kinh doanh, quản trị doanh nghiệp, quản trị tài sản… Nhưng liệu chúng ta có thể quản trị được một thứ tài sản quý giá nhất đối với bản thân mình là sức khỏe hay không? Chuyên mục Quản trị sức khỏe sẽ lần lượt nêu lên những vấn đề liên quan đến thứ tài sản vô giá này cùng những cách thức bảo vệ nó, để bạn đọc tham khảo.
Thông thường, người ta chỉ sợ hãi đối với những căn bệnh diễn ra “rầm rộ”, có thể cướp đi sinh mạng một cách nhanh chóng, còn những bệnh lý đến từ từ thì không được quan tâm. Tuy nhiên, có những bệnh vô cùng nguy hiểm, nó có thể biến cuộc đời thành nỗi thống khổ, tối tăm. Nó gặm nhắm cơ thể từ từ, làm cho cả tinh thần và thể xác trở nên mệt mỏi, chán nản, rồi vào một ngày u ám nào đó, người bệnh thấy cuộc đời rơi vào ngõ cụt, không lối thoát và tự kết liễu đời mình. Một trong những nguyên nhân phổ biến gây ra kịch bản bi đát này là bệnh trầm cảm!
Trầm cảm là bệnh gì?
Trầm cảm là trạng thái buồn rầu, chán nản, không còn hứng thú với bất cứ điều gì trong cuộc sống. Người bệnh chán ăn, nhạt miệng, ăn không thấy ngon, sụt cân và gầy dần dần, nhưng cũng có những bệnh nhân có biểu hiện ngược lại, có cảm giác thèm ăn và ăn liên tục, tăng cân và béo phì.
Người bệnh trầm cảm thường mất ngủ, ngủ không yên, không sâu, hay mộng mị, đôi khi giấc ngủ đầy ác mộng. Họ thường trong trạng thái bi quan, chán nản, thấy việc gì cũng khó và thường bỏ dở nửa chừng. Mặc cảm thua kém, mặc cảm tội lỗi (dù không xác định được tội gì!) khiến người bệnh rầu rĩ, âu sầu và buồn da diết (đặc biệt vào buổi chiều và về đêm) mà cũng không biết mình buồn vì cái gì! Người bệnh thu mình lại, không muốn tiếp xúc với xung quanh nhưng khi ngồi một mình thì lại có cảm giác sợ hãi, bất an, lo âu, bồn chồn. Tuy nhiên, cũng có một số bệnh nhân lại tỏ ra hưng phấn thái quá, nói liên tục, vung tay múa chân để rồi nhanh chóng rơi vào mệt lả.
Ngoài ra, bệnh nhân thường có những biểu hiện như nhức đầu, nặng đầu, choáng váng, đau mỏi vai gáy, đau lưng, tức ngực, hồi hộp tim, tay chân lạnh, toát mồ hôi nhiều và từng cơn, đặc biệt vào ban đêm (lúc bừng tỉnh dậy sau một cơn ác mộng), giảm hay không còn hưng phấn và ham muốn tình dục nữa. Bệnh nhân nam thì bị rối loạn cương còn bệnh nhân nữ thì rơi vào lãnh cảm. Vấn đề này không chỉ ảnh hưởng riêng người bệnh mà còn ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình. Nhiều gia đình tan vỡ vì không hòa hợp trong đời sống tình dục và biến cố này càng làm cho người bệnh bị trầm cảm nặng hơn.
Bệnh nhân trầm cảm thường là thân chủ của hầu hết các phòng mạch thuộc nhiều chuyên khoa vì họ thấy bóng dáng mình trong tất cả các loại bệnh: tim mạch, tiêu hóa, tiết niệu, cơ xương khớp, nội tiết, sinh dục... Gánh nặng tài chính, thời gian khám chữa bệnh... làm hao mòn thêm sức khỏe và hạnh phúc gia đình vốn đã mong manh. Tất cả những yếu tố nêu trên nếu không được điều trị kịp thời sẽ đẩy bệnh nhân vào tình trạng bế tắc!
Tại sao lại bị trầm cảm?
Các chuyên gia đưa ra ba nguyên nhân chung: trầm cảm nội sinh (loại bệnh trầm cảm không có nguyên nhân); trầm cảm do stress; trầm cảm do các bệnh thực thể.
(1) Trầm cảm nội sinh:
Chưa có nguyên nhân rõ ràng. Một số chuyên gia cho rằng có thể do yếu tố di truyền, gia đình, do hệ miễn dịch hay sức đề kháng của cơ thể bị suy kém. Một số giả thuyết khác cho rằng do yếu tố môi trường hay hoàn cảnh xã hội tạo nên...
(2) Trầm cảm do stress:
Trong cuộc sống hiện nay, con người chịu quá nhiều stress: áp lực học hành, áp lực công việc, sự cạnh tranh khốc liệt trong môi trường làm việc, kinh doanh... đi kèm với những xung đột trong gia đình, trong cơ quan... làm cạn kiệt dần sức khỏe. Cơ thể đã thật sự kêu gào rằng “tôi đã quá mệt mỏi, hãy cho tôi nghỉ ngơi!” trong nhiều năm rồi nhưng vì cuộc mưu sinh hay vì những lý do nào đó, chúng ta không chịu nghe, không chịu cho cơ thể nghỉ ngơi. Chúng ta bắt cơ thể mình phải tiếp tục làm việc với cường độ cao, tiếp tục va chạm với stress để đến một ngày cạn kiệt năng lượng, không còn khả năng bù trừ nữa và rơi vào nhiều dạng bệnh lý, trong đó có trầm cảm.
(3) Trầm cảm do bệnh thực thể:
Một số bệnh lý mạn tính khó trị như cao huyết áp, đái tháo đường, tai biến mạch máu não, parkinson, cường giáp hoặc suy giáp, sa sút trí tuệ... có thể gây ra trầm cảm, đôi khi rất nặng nề.
Làm thế nào để phòng và điều trị trầm cảm?
Với cuộc sống căng thẳng hiện nay, điều quan trọng nhất là chúng ta phải tiên liệu những triệu chứng có thể xuất hiện để phòng chống, hóa giải, sớm điều hòa những rối loạn lo âu với mục đích duy nhất đừng để cho bệnh xảy ra.
Khi chúng ta làm việc nhiều, áp lực công việc quá lớn hay khi chúng ta sợ hãi, lo âu hoặc uất ức về một vấn đề gì đó mà không giải quyết được, cơ thể và tinh thần mệt mỏi, căng thẳng, điều đơn giản ai cũng biết là phải nghỉ ngơi. Có nghĩa là cần phải giải quyết càng sớm càng tốt các vấn đề đó để cho cả thể xác lẫn tâm hồn được thư giãn. Nếu không làm được như vậy, ta phải biết chắc rằng trong một thời gian nữa (có thể nhanh hay chậm), bệnh sẽ xuất hiện.
Một người khôn ngoan cần biết rằng khi bị bệnh, đặc biệt là trầm cảm nặng thì tất cả những gì mình đang có đều vô nghĩa. Cho nên, quyết định buông xả, giảm áp lực công việc và nghỉ ngơi thư giãn để phục hồi sức khỏe là điều chính đáng nhất cần phải làm. Oái ăm thay trên thực tế, một số người đã mang nhiều bệnh rồi nhưng vẫn buông một câu lơ lửng: “Biết vậy nhưng đã phóng lao thì phải theo lao!”. Câu hỏi đặt ra là “theo lao” cho đến cạn kiệt sức khỏe rồi để làm gì?!
Điều trị trầm cảm là một nghệ thuật phức tạp, cần kết hợp nhiều phương pháp. Nhìn chung, khi có những triệu chứng trầm cảm, dù mới ở mức độ nhẹ, người bệnh cũng phải đi khám bệnh chuyên khoa về tâm thần kinh để được chẩn đoán và điều trị càng sớm càng tốt. Tùy vào mức độ của bệnh, thầy thuốc sẽ cho một số thuốc chống trầm cảm, an thần, chống stress, bồi dưỡng cơ thể... cùng những hướng dẫn thay đổi lối sống, quan niệm sống, cách ăn uống, tập luyện thân thể, tinh thần, thay đổi nhịp điệu làm việc và nghỉ ngơi một cách hợp lý. Nhiều trường hợp nhẹ và trung bình được điều trị kết hợp với y học cổ truyền ngay từ đầu mang lại hiệu quả tốt, tránh được việc bị lệ thuộc vào các loại thuốc hướng tâm thần khi phải điều trị lâu dài.
Thật ra, buồn, chán, sợ hãi... là những trạng thái tâm lý cần có để cuộc đời thêm thi vị, để sản sinh những bản nhạc, những bài thơ hay những bức tranh. Nhưng “buồn buồn, chán chán, sợ sợ...” một chút thôi thì cuộc sống sẽ đậm đà, chứ đừng thiếu hiểu biết mà cứ nuôi dưỡng những nỗi buồn chán và sợ hãi ấy, làm cho chúng ngày một lớn thêm lên, kéo dài một cách dai dẳng, vì nếu để những cảm xúc âm tính này tràn ngập cơ thể và đẩy ta vào chỗ không lối thoát thì sẽ thành đại họa cho bản thân và gia đình.