Thứ hai, 23/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Đường biên kinh tế của tình hữu nghị Trung – Nga

TS. Phạm Sỹ Thành (*)

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Đâu là đường biên của lợi ích chung Trung - Nga? Ngay cả khi Trung Quốc sẵn sàng hỗ trợ Nga vì những lợi ích kinh tế của bản thân và các lợi ích chiến lược của quốc gia, nước này cũng đối diện với những đường biên cứng (các hạn chế năng lực cụ thể) và đường biên mềm (các ưu tiên vượt trên kinh tế).

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga do hành động tấn công quân sự Ukraine lần này mang tính toàn diện, sâu rộng và có ảnh hưởng trực diện hơn rất nhiều so với những gì chúng ta đã biết tới năm 2014. Không chỉ các ngân hàng thương mại (NHTM), ngay cả ngân hàng trung ương (NHTƯ) và các tập đoàn năng lượng, quân sự, công nghệ Nga cũng đều rơi vào vòng xoáy của lệnh cấm. Như vậy, cả ba phần của nền kinh tế Nga là huy động vốn (qua trái phiếu của NHTƯ), huy động và sử dụng tín dụng (qua các NHTM) và thanh toán quốc tế (qua hệ thống SWIFT) đều bị khóa lại.

Trong bối cảnh đó, chuyến thăm của ông Putin trong đợt Olympic Bắc Kinh 2022 được đánh giá là chuyến thăm tiền trạm để tìm kiếm các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho kinh tế Nga khi bị phong tỏa. Nước Nga đã đạt được thành công bước đầu khi sau đó Trung Quốc đã tuyên bố về “tình hữu nghị không giới hạn” giữa hai nước và ông Putin là “bạn thân” của ông Tập Cận Bình. Nhưng liệu khi các lợi ích quốc gia của Trung Quốc đứng trước sức ép bị trừng phạt từ phương Tây do gián tiếp vi phạm các lệnh cấm lên Nga, thì giới hạn của “tình hữu nghị đó” có bộc lộ hay không? Nói cách khác, đâu là đường biên của lợi ích chung Trung - Nga? Ngay cả khi Trung Quốc sẵn sàng hỗ trợ Nga vì những lợi ích kinh tế của bản thân và các lợi ích chiến lược của quốc gia, nước này cũng đối diện với những đường biên cứng (các hạn chế năng lực cụ thể) và đường biên mềm (các ưu tiên vượt trên kinh tế).

Hỗ trợ kinh tế và các đường biên cứng

Ít nhất, Trung Quốc có thể hỗ trợ Nga trong việc (i) tăng cường nhập khẩu hàng hóa của Nga (năng lượng, lúa mì) và xuất khẩu hàng hóa công nghiệp của Trung Quốc; (ii) trong lĩnh vực tín dụng, cho tập đoàn Nga vay vốn, mua hàng hóa của các tập đoàn này. Các ngân hàng Trung Quốc cũng có thể tình nguyện xử lý các khoản thanh toán quốc tế cho công ty của Nga; (iii) trong lĩnh vực thanh toán quốc tế; (iv) giúp xử lý khối tài sản của NHTƯ. Năm 2014, Trung Quốc không đóng vai trò quan trọng nào trong các lệnh trừng phạt Nga. Nhưng nếu lần này các quyết định mà Bắc Kinh đưa ra sẽ làm suy yếu hoặc tăng cường tác động của các lệnh trừng phạt.

Cuộc chiến Nga - Ukraine chắc chắn sẽ tạo ra hệ lụy bên ngoài liên đới to lớn với kinh tế Trung Quốc, quốc gia không chỉ nhập khẩu ròng mỗi ngày 10 triệu thùng dầu (gấp đôi sản lượng xuất khẩu của Nga) mà còn phụ thuộc chặt chẽ vào thị trường tiêu thụ hàng hóa của châu Âu với Mỹ.

Lĩnh vực năng lượng: Dầu khí chi phối mối quan hệ thương mại Trung - Nga. Không phải ngẫu nhiên mà tổ chức hợp tác thành công nhất giữa hai nước lại là một liên minh về năng lượng với tên gọi Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO). Nga là nhà cung cấp khí đốt lớn thứ ba của Trung Quốc và Trung Quốc đã mua gần một phần ba lượng dầu thô xuất khẩu của Nga vào năm 2020. Nhưng các thỏa thuận năng lượng gần đây giữa hai nước sẽ khó có thể giải quyết nhanh chóng cho tình trạng bị vây hãm của nền kinh tế Nga. Trung Quốc chỉ nhập khẩu 10 tỉ mét khối khí đốt tự nhiên từ Nga vào năm 2021 thông qua Power of Siberia, đường ống duy nhất liên kết hai nước - thấp hơn 18 lần so với 175 tỉ mét khối mà châu Âu nhập khẩu của Nga. Điều đó hàm ý rằng ngay cả khi Trung Quốc muốn nuốt chửng miếng bánh mà châu Âu để lại, nước này cũng rất khó để tăng sản lượng nhập khẩu do thiếu cơ sở hạ tầng đường ống dẫn kết nối Nga và Trung Quốc với nhau.

Đối với lĩnh vực thương mại: Quy mô thương mại hai chiều đạt 150 tỉ đô la Mỹ vào năm ngoái và quy mô kinh tế gấp 10 lần Nga có thể giúp Trung Quốc vừa tăng nhập khẩu, vừa giải quyết bài toán thiếu hàng hóa. Điều này càng đặc biệt có ý nghĩa bởi các hàng hóa này hiện chưa trong danh mục hàng hóa Nga bị cấm xuất khẩu hay trừng phạt. Trung Quốc đã nhập khẩu lúa mì của Nga không giới hạn. Nhưng việc bán hàng từ Trung Quốc sang Nga lại không thuận lợi như vậy.

Trung Quốc và Nga đều không phải bạn hàng thương mại trong tốp 5 của nhau. Đối với hầu hết các sản phẩm ngoài năng lượng của Nga, nhu cầu của Trung Quốc là rất nhỏ. Châu Âu và Mỹ đã bán khoảng 490 tỉ đô la Mỹ hàng hóa cho Trung Quốc vào năm 2021, gấp sáu lần những gì Nga bán cho Trung Quốc.

Mỹ từ lâu đã áp đặt các biện pháp kiểm soát xuất khẩu nhất định đối với Nga, mặc dù trước đây họ chủ yếu nhắm vào hàng hóa quân sự hoặc lưỡng dụng. Những hạn chế như vậy, nếu được áp đặt, sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến Trung Quốc, đặc biệt là vì hầu hết điện thoại thông minh được lắp ráp tại Trung Quốc và nhiều điện thoại thông minh mà người Nga mua lại được sản xuất bởi các công ty Trung Quốc như Xiaomi, vốn chiếm gần 40% thị trường điện thoại thông minh ở Nga. Xiaomi có thể sẽ được hưởng lợi từ việc ngừng hoạt động của Apple, nhưng doanh số bán hàng của Xiaomi tại quốc gia này chỉ đóng góp 3% tổng doanh số bán hàng toàn cầu của họ.

Các biện pháp trừng phạt của phương Tây đang gây khó khăn cho việc mua công nghệ của Nga. Nhưng người ta vẫn nghi ngờ liệu Trung Quốc có bù đắp được khoản thiếu hụt này hay không. Lấy ví dụ về ngành hàng không, Nga đang rất cần thiết bị để duy trì hoạt động khi chỉ riêng Mỹ đã bán cho nước này số máy bay, động cơ và phụ tùng trị giá 880 triệu đô la Mỹ vào năm 2021. Hy vọng của Nga vào Trung Quốc đã tan thành mây khói vào ngày 10-3 khi một quan chức hàng không Nga nói với truyền thông địa phương rằng các công ty Trung Quốc hiện từ chối bán các bộ phận máy bay do lo ngại bị Mỹ trừng phạt. Quan chức hàng không sau đó đã bị sa thải vì đã tiết lộ điều này. Điều này không phải không có cơ sở khi ngành công nghiệp hàng không của Trung Quốc gần như hoàn toàn phụ thuộc vào công nghệ của Mỹ để sản xuất các bộ phận.

Đối với lĩnh vực tài chính tiền tệ và thanh toán quốc tế: Trung Quốc có thể hỗ trợ Nga bằng cách giúp các công ty Nga tránh bị ảnh hưởng. Ví dụ, các ngân hàng quốc doanh của Trung Quốc hoặc Chính phủ Trung Quốc có thể cung cấp các khoản vay cho các công ty Nga bị ảnh hưởng. Nhưng điều này sẽ ảnh hưởng đến tỷ lệ nợ xấu, bảng cân đối tài sản của các NHTM Trung Quốc. Thậm chí, các thực thể này có thể mất trắng các khoản cho vay từ khách hàng Nga.

Các ngân hàng Trung Quốc cũng có thể tình nguyện xử lý các khoản thanh toán quốc tế cho công ty của Nga. Đến nay, Bắc Kinh và Moscow phần lớn đã thành công trong nỗ lực “phi đô la hóa” thương mại song phương, nhưng điều này đã không đạt được thông qua quốc tế hóa nhân dân tệ, mà bằng cách chuyển sang sử dụng euro như một phương tiện trao đổi. Khoảng 80% các giao dịch giữa Trung Quốc và Nga hiện được thực hiện bằng euro. Điều này có ba hạn chế. Thứ nhất, châu Âu đã tham gia cùng Mỹ trong việc phong tỏa hoàn toàn 300 tỉ đô la Mỹ tài sản của NHTƯ Nga ở nước ngoài. Thứ hai, tốc độ và quy mô thanh toán qua CIPS (hệ thống thanh toán nhân dân tệ) còn rất nhỏ. Đến cuối năm 2021, CIPS có khối lượng giao dịch trung bình hàng ngày là 310 tỉ nhân dân tệ (50 tỉ đô la Mỹ) - bằng một phần tám so với ước tính 400 tỉ đô la Mỹ của SWIFT. Thứ ba, bản thân tỷ lệ thanh toán bằng nhân dân tệ trong tổng thanh toán thương mại toàn cầu hiện cũng chỉ chiếm chưa đầy 3%.

Đối với việc xử lý tài sản của NHTƯ Nga: Cấu trúc dự trữ ngoại tệ của Nga hiện nay là không bình thường theo tiêu chuẩn toàn cầu. NHTƯ Nga chỉ nắm giữ 6,6% dự trữ trong tài sản của Mỹ, trong đó tài sản của Trung Quốc chiếm 13,8%, tài sản của Pháp chiếm 12,2%, tài sản của Nhật Bản là 10% và tài sản của Đức là 9,5%. Ngay cả khi Trung Quốc muốn “bơm thêm thanh khoản” cho NHTƯ Nga, nước này cũng khó có thể mua hết lượng vàng dự trữ hoặc tăng tỷ trọng các tài sản bằng nhân dân tệ.

Hỗ trợ kinh tế và các đường biên mềm

Ổn định là trên hết: Đại hội Đảng lần thứ 20 của Trung Quốc sẽ diễn ra vào mùa Thu năm nay. Từ “ổn định” là “chìa khóa” của mọi công tác, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã nói về năm tới tại các cuộc họp chính thức. Do đó, Trung Quốc không mong muốn có các căng thẳng kinh tế với Mỹ, nhất là khi nước này vừa dỡ bỏ thuế quan lên hơn 370 tỉ đô la Mỹ hàng xuất khẩu cho Trung Quốc.

Sau một năm bùng nổ mạnh mẽ, từ khóa “thịnh vượng chung” đã gần như biến mất khỏi các phát ngôn chính thức cấp cao nhất từ cả phía Đảng và chính phủ. Một tường thuật của Nikkei Asia vào tháng 3-2022 cho biết rằng bản thân ông Tập Cận Bình chỉ đề cập đến “thịnh vượng chung” đúng một lần khi tham gia cuộc họp của đoàn đại biểu Khu tự trị Nội Mông vào ngày khai mạc đại hội.

Điều này hoàn toàn trái ngược với tháng 8 năm ngoái, tại cuộc họp của Ủy ban Kinh tế và Tài chính Trung ương, ông Tập đã sử dụng thuật ngữ “thịnh vượng chung” tới 16 lần. Kế hoạch chỉ định thành phố Hàng Châu trở thành “đô thị kiểu mẫu” cho thịnh vượng chung thậm chí còn không được nói đến. Cũng không có lời nào nhắc tới hệ thống “phân phối lần thứ ba”, kêu gọi những tập đoàn công nghệ khổng lồ như Alibaba và những người có thu nhập cao tự nguyện đóng góp.

Những chuyển hướng về diễn ngôn cho thấy sau một năm mà chính quyền đã ban hành tới 100 văn bản chấn chỉnh các công ty công nghệ tư nhân, khởi động các cải cách thuế quan trọng trong lĩnh vực bất động sản, kêu gọi phân phối theo chủ nghĩa bình quân cào bằng và kiên trì với zero Covid, kinh tế Trung Quốc đã thấm mệt.

Chi phí gián tiếp từ cuộc chiến: Cuộc chiến Nga - Ukraine chắc chắn sẽ tạo ra hệ lụy bên ngoài liên đới to lớn với kinh tế Trung Quốc, quốc gia không chỉ nhập khẩu ròng mỗi ngày 10 triệu thùng dầu (gấp đôi sản lượng xuất khẩu của Nga) mà còn phụ thuộc chặt chẽ vào thị trường tiêu thụ hàng hóa của châu Âu với Mỹ. Trong bối cảnh đó, chi phí logistics tăng cao, giá cả nhiên liệu và nông sản tăng phi mã sẽ là những đòn cân não đối với điều hành kinh tế, và đi kèm với nó là các chính sách ngoại giao tương ứng, của Trung Quốc.

Rất khó để Trung Quốc vừa đảm bảo mục tiêu tăng trưởng GDP 5,5% vừa gồng gánh nền kinh tế đang kiệt quệ của Nga cùng lúc khi kinh tế nước này bắt đầu thấm mệt.

(*) Giám đốc Chương trình Nghiên cứu chiến lược Mekong - Trung Quốc (VNUA)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới