Thứ hai, 23/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Đường cao tốc ở Đồng bằng sông Cửu Long tăng hơn 16 lần trong 10 năm tới

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Đường cao tốc ở Đồng bằng sông Cửu Long tăng hơn 16 lần trong 10 năm tới

Trung Chánh

(KTSG Online) – Đến năm 2030, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) sẽ có gần 660 km đường cao tốc được đầu tư, bao gồm 40 km đường cao tốc TPHCM - Trung Lương đang khai thác. Như vậy, trong khoảng 10 năm tới, chiều dài đường cao tốc ở khu vực này sẽ tăng gần 16,5 lần hiện nay.

Đường cao tốc ở Đồng bằng sông Cửu Long tăng hơn 16 lần trong 10 năm tới
Trong ảnh là hoạt động kiểm tra và chạy thực nghiệm tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận. Ảnh: TTXVN

Kế hoạch phát triển đường cao tốc đến năm 2030 của Bộ Giao thông Vận tải cho thấy, trong giai đoạn 2001-2020, cả nước có 19 tuyến cao tốc đang được khai thác với tổng chiều dài 1.163 km, trong đó, khu vực ĐBSCL có 40 km của đoạn cao tốc TPHCM-Trung Lương (Tiền Giang).

Theo thống kê này, nếu xét về chiều dài tuyến, thì ĐBSCL xếp vị trí thứ hai từ dưới lên trong các vùng cả nước, sau Tây Nguyên với 19 km của tuyến Đà Lạt-Liên Khương.

Báo cáo này của Bộ Giao thông Vận tải cho thấy, sẽ có 34 tuyến cao tốc dự kiến hoàn thành trong giai đoạn 2021-2025 với tổng chiều dài 1.802 km, trong đó, khu vực ĐBSCL, có 7 tuyến với tổng chiều dài 266 km, bao gồm tuyến Trung Lương - Mỹ Thuận (51 km); cầu Mỹ Thuận 2 (7 km); Mỹ Thuận - Cần Thơ (23 km); An Hữu - Cao Lãnh (30 km); Cần Thơ - Sóc Trăng - Trần Đề (75 km); Cao Lãnh- Lộ Tẻ (29 km) và Lộ Tẻ - Rạch Sỏi là 51 km.

Trong khi đó, giai đoạn 2021-2025, khu vực ĐBSCL dự kiến sẽ có 3 tuyến cao tốc được khởi công với tổng chiều dài 251 km, bao gồm tuyến Cần Thơ- Cà Mau (109 km); Châu Đốc- Cần Thơ (116 km) và Mỹ An- Cao Lãnh (26 km).

Khu vực ĐBSCL dự kiến sẽ có có một tuyến cao tốc được khởi công và hoàn thành trong giai đoạn 2026-3030, đó là tuyến Hà Tiên - Rạch Giá với tổng chiều dài 100 km.

Như vậy, đến năm 2030, tổng chiều dài các tuyến cao tốc ở khu vực ĐBSCL, bao gồm tuyến cao tốc TPHCM - Trung Lương với chiều dài 40 km đang được khai thác sẽ đạt 657 km. Điều này có nghĩa, chiều dài các tuyến cao tốc sẽ phát triển ở ĐBSCL đến năm 2030, tức trong khoảng 10 năm tới sẽ tăng gần 16,5 lần so với hiện nay.

Nếu tính chung trên cả nước, theo kế hoạch phát triển cao tốc của Bộ Giao thông Vận tải, đến năm 2030, cả nước sẽ có 5.004 km đường, tăng thêm 3.841 km so với chiều dài các tuyến cao tốc đang được khai thác hiện nay là 1.163 km.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới