(KTSG) - Dự án đường dây 500 kV mạch 3 từ Quảng Trạch (Quảng Bình) đến Phố Nối (Hưng Yên) khánh thành hôm 29-8 chỉ sau hơn sáu tháng thi công. Trong bối cảnh hiện nay, đây thực sự là một kỳ tích của ngành điện. Không chỉ truyền cảm hứng, bài học kinh nghiệm từ dự án này còn được kỳ vọng vận dụng hiệu quả vào các dự án trọng điểm quốc gia để đẩy nhanh tiến độ triển khai, góp phần hiện thực hóa mục tiêu quốc gia thịnh vượng vào thời điểm tròn 100 năm Quốc khánh.
- Đóng điện hai cung đoạn đường dây 500 kV mạch 3
- Thủ tướng yêu cầu hoàn thành đường dây 500 kV mạch 3 trước dịp 2-9
Đường dây 500 kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối được đưa vào vận hành có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với nước ta. Công trình giúp bổ sung khoảng 30 tỉ KWh điện mỗi năm, góp phần khắc phục tình trạng thiếu điện cục bộ tại miền Bắc và bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.
Việc triển khai dự án này manh nha vào tháng 6-2023, khi miền Bắc vừa trải qua đợt thiếu điện trầm trọng. Trong một văn bản thông báo kết luận của Thường trực Chính phủ tại cuộc họp về những nhiệm vụ, giải pháp lớn ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức triển khai dự án truyền tải 500 kV từ miền Trung ra miền Bắc. Tháng 7-2023, Thủ tướng yêu cầu đẩy nhanh tiến độ dự án, đưa vào vận hành tháng 6-2024 để tăng cung điện từ Nam ra Bắc.
Vào thời điểm đó, ngay cả người lạc quan nhất cũng nghĩ rằng đây là nhiệm vụ bất khả thi, bởi dự án dù rất cấp bách và cấp thiết song quy mô lại quá lớn trong khi chủ trương đầu tư vẫn chưa được phê duyệt(1). Dài 519 ki lô mét với 1.177 cột phải thi công, đường dây 500 kV mạch 3 có tổng mức đầu tư hơn 22.300 tỉ đồng, đi qua 9 tỉnh và cần thu hồi khoảng 1,83 triệu mét vuông đất, di dời, hỗ trợ, tái định cư, ổn định sản xuất cho 5.415 hộ dân. Một công trình có khối lượng thi công lớn như vậy cần ít nhất 3-4 năm mới có thể xong.
Kỳ vọng ở đây là bài học này cần được vận dụng hiệu quả vào các dự án trọng điểm quốc gia về đường cao tốc, sân bay, bến cảng, đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị, các dự án chiến lược về hạ tầng... trong mọi khâu mọi việc.
Thực tế cho thấy nhiệm vụ bất khả thi đó đã được hoàn thành ngoạn mục nhờ từng khâu, từng việc đều được giải quyết rốt ráo, dứt điểm với tinh thần trách nhiệm cao nhất. Trong công tác chuẩn bị đầu tư và nguồn vốn, Chính phủ chỉ đạo sát sao, quyết liệt; các bộ, ngành làm việc nước rút để chưa đầy năm tháng từ khi trình lần đầu, chủ trương đầu tư của bốn dự án thành phần đã được phê duyệt; trong khi thông thường một dự án với quy mô tương tự, công tác chuẩn bị đầu tư thường mất 2-3 năm. Nguồn vốn gần 1 tỉ đô la cho toàn bộ dự án cũng được thu xếp kịp thời, trong đó có sự tham gia của các ngân hàng thương mại.
Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của bí thư tỉnh ủy; sự điều hành, quản lý của chủ tịch UBND các tỉnh và các cấp chính quyền địa phương, hạng mục khó khăn nhất là giải phóng mặt bằng chỉ mất gần hai tháng và hầu như không xảy ra khiếu kiện. Để có đủ vật tư, trang thiết bị đầu vào thi công, chủ đầu tư, các nhà thầu đã cử người trực tiếp sang làm việc với các nhà sản xuất nước ngoài để thương lượng, đàm phán, thu xếp việc nhập hàng; xuống tận xưởng sản xuất để kiểm tra, đôn đốc giao hàng đúng tiến độ…
Ở nơi được ví như “túi mưa chảo lửa” miền Trung, các doanh nghiệp địa phương được huy động tham gia cung ứng nhân lực, máy móc, phương tiện, vật tư để đẩy nhanh tiến độ thi công móng cột. Các đơn vị ngành điện đã điều động thêm hơn 3.300 người trực tiếp thi công dựng cột và kéo dây; các tập đoàn Viettel, VNPT, PVN hỗ trợ thêm hơn 250 kỹ sư, công nhân kỹ thuật lành nghề và máy móc, trang thiết bị hiện đại; lực lượng công an, quân đội, dân quân tự vệ đã huy động hơn 1.500 người tham gia, đóng góp hàng ngàn ngày công cho dự án.
Cùng với đó, đoàn thanh niên các tỉnh đã huy động hàng trăm tổ đội với hơn 6.000 đoàn viên tham gia hỗ trợ thu dọn nhà cửa, vật kiến trúc dưới hành lang tuyến, phân luồng giao thông. Mặt trận Tổ quốc, Liên đoàn Lao động, Hội Phụ nữ các tỉnh tích cực tham gia công tác hậu cần, bảo đảm lương thực, thực phẩm cho kỹ sư, công nhân. Chính quyền các cấp và lực lượng công an địa phương vừa giữ gìn an ninh trật tự, vừa bố trí nơi ăn, chốn ở chu đáo cho hơn 12.000 kỹ sư, công nhân, người lao động, góp phần quan trọng để đẩy nhanh tiến độ dự án.
Và đặc biệt, yêu cầu tưởng như bất khả thi của Thủ tướng Phạm Minh Chính, đó là phải hoàn thành dự án trong tháng 6-2024, sau đó được điều chỉnh sang tháng 9-2024, cùng với sự theo dõi sát sao, động viên kịp thời của ông trong suốt thời gian triển khai dự án đã một mặt gia tăng áp lực, một mặt tạo động lực các bộ, ngành, địa phương liên quan phải nỗ lực trong các phần việc của mình nhằm đẩy tiến độ nhanh nhất có thể.
30 năm sau kỳ tích đường dây 500 kV Bắc - Nam mạch 1 với quy mô xây dựng gần 1.500 ki lô mét, hoàn thành trong vỏn vẹn hai năm (chính xác là ngày 27-5-1994, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã ra lệnh đóng điện giúp thống nhất hệ thống điện ba miền đất nước), ngành điện lại lập thêm một kỳ tích nữa mang ý nghĩa chiến lược trong bảo đảm cung ứng điện và truyền cảm hứng cho rất nhiều dự án quan trọng của đất nước đang và sẽ được triển khai.
Đặc biệt, trong bài phát biểu tại lễ khánh thành đường dây 500 kV mạch 3, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đúc kết nhiều bài học kinh nghiệm từ dự án này. Bài học đầu tiên, có lẽ cũng là bài học quan trọng nhất, là về công tác quản lý lãnh đạo, điều hành, chỉ đạo, chỉ huy. Cụ thể: Tư tưởng phải thông, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó; việc phân công phải rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian, rõ sản phẩm, rõ kết quả, dễ kiểm tra, đôn đốc, đánh giá.
Kỳ vọng ở đây là bài học này cần được vận dụng hiệu quả vào các dự án trọng điểm quốc gia về đường cao tốc, sân bay, bến cảng, đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị, các dự án chiến lược về hạ tầng... trong mọi khâu mọi việc - từ đẩy nhanh tiến độ từ khâu chuẩn bị đầu tư, nguồn vốn, giải phóng mặt bằng đến triển khai thi công và huy động các nguồn lực tham gia... Chỉ có như vậy mới giúp rút ngắn tối đa thời gian hoàn thành của dự án nhưng vẫn bảo đảm chất lượng công trình cả về kỹ thuật, mỹ thuật, an toàn, vệ sinh môi trường và không đội vốn. Nếu mọi công trình quan trọng quốc gia đều có thể về đích đúng hẹn thì Việt Nam cũng có thể hiện thực hóa giấc mơ thịnh vượng vào năm 2045 - thời điểm tròn 100 năm Quốc khánh.
Từ thập niên 1990, đường dây 500 KV đầu tiên của Việt Nam đã được tiến hành thi công trong điều kiện “tay không bắt giặc”. Với phương châm toàn dân và toàn diện, ta đã hoàn thành một công trình chiến lược và để đời, giúp cho nền kinh tế lúc đó đang trong bối cảnh ngặt nghèo, khó khăn, vươn lên và cất cánh. Từ đó, những đường dây 500 KV sau này, trong đó có mạch 3 hôm nay, được liên tục triển khai và kết nối thành công. Những gì đàng sau câu chuyện đó, sẽ được sử sách ghi lại. Nhưng có một điều cần khẳng định, không có gì là không thể. Trong bối cảnh “nhìn quanh đều sợ hãi” như hiện nay, là điều đáng phải suy nghĩ.