Đường lậu tấn công, tồn kho lớn
Thuỳ Dung
Tồn kho đường đang ở mức cao - Ảnh: TL |
(TBKTSG Online) - Tồn kho đường đang ở mức rất cao so với những niên vụ gần đây, đạt hơn 715.000 tấn mà nguyên nhân chính là do đường nhập lậu.
Theo báo cáo tháng 6 của Hiệp hội mía đường Việt Nam (VSSA), tính đến ngày 23-6, tồn kho tại các nhà máy đường là hơn 675.000 tấn, tại các công ty thương mại là hơn 40.000 tấn. Như vậy, lượng đường tồn kho trên cả nước khoảng trên 715.000 tấn.
Theo nhận định của VSSA, đây là mức tồn kho rất cao, chiếm hơn 50% so với lượng đường sản xuất được. Trong khi đó, lượng đường tồn kho trong những năm gần đây chỉ ở mức khoảng 36% trong niên vụ 2014-2015 và khoảng 40% niên vụ 2015-2016.
Bên cạnh đó, việc tiêu thụ đường cũng gặp nhiều khó khăn do giá đường liên tục giảm. So với tháng trước, giá bán buôn đường trên thị trường tháng 6 tiếp tục giảm 200-400 đồng/kg với đường kính trắng, còn khoảng 15.000-16.000 đồng/kg và giảm 200-500 đồng/kg với đường tinh luyện, còn khoảng 16.000-17.000 đồng/kg. Như vậy, giá đường đã liên tục giảm từ tháng 3 tới nay.
Theo ông Hà Hữu Phái, Trưởng đại diện VSSA tại Hà Nội, đường tồn kho lớn là do chênh lệch giá đường trong nước và đường nhập lậu còn cao, khoảng 1.000-2.000 đồng/kg, đã kích thích đường lậu hoạt động mạnh. Việc buôn lậu và gian lận thương mại đường gia tăng từ nhiều năm nay, kể từ năm 2010, năm cao nhất lên đến 500.000 tấn/năm. Đường nhập lậu chủ yếu được sản xuất từ Thái Lan, là nước có chính sách hỗ trợ xuất khẩu theo Luật đường Thái Lan.
Bên cạnh đó, tiêu dùng các sản phẩm có đường như bánh kẹo, nước ngọt…. trong nước sụt giảm do cạnh tranh của các sản phẩm cùng loại được nhập khẩu từ các nước Đông Nam Á, châu Âu... Một số nhà máy lại dùng đường thay thế như đường fructose từ bắp... để thay một phần đường trong sản xuất cũng làm giảm lượng đường tiêu thụ.
Đấu giá 89.500 tấn đường năm 2017 Theo thông tin từ Bộ Công Thương, Hội đồng đấu giá thí điểm hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường năm 2017 sẽ tổ chức đấu giá quyền sử dụng hạn ngạch thuế quan 44.000 tấn đường thô và 45.500 tấn đường tinh luyện năm 2017. Đối tượng tham gia đấu giá là thương nhân sử dụng đường thô để sản xuất đường tinh luyện và thương nhân trực tiếp sử dụng đường làm nguyên liệu sản xuất. Mức giá khởi điểm đường thô là 1,4 triệu đồng/tấn, đường tinh luyện là 1,4 triệu đồng/tấn, bước giá là 10.000 đồng/tấn. Tiền đặt trước bằng (giá khởi điểm x số lượng đường đăng ký mua quyền sử dụng hạn ngạch) x 10%. Địa điểm, thời gian tổ chức phiên đấu giá tại trụ sở Bộ Công Thương, phòng họp 23 Ngô Quyền, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội vào ngày 23-8-2017. Trước đó, sau nhiều năm VSSA đề nghị Bộ Công Thương tổ chức đấu thầu hạn ngạch nhập khẩu đường để tránh cơ chế xin cho và tạo sự bình đẳng trong các doanh nghiệp sản xuất đường và doanh nghiệp sử dụng đường. Số tiền thu về trong quá trình đấu thầu sẽ làm tăng nguồn thu ngân sách. Năm 2016 là năm đầu tiên thực hiện quy chế đấu giá thí điểm đường, theo VSSA, số tiền thu về từ đấu thầu quyền sử dụng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường năm 2016 là 138 tỉ đồng. |
Mời đọc thêm:
Năm 2017 với nỗi lo đường nhập lậu