Đường Thái Lan vẫn đi đường vòng để vào Việt Nam?
Trung Chánh
(KTSG Online) - Bộ Công Thương đã ban hành quyết định áp thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp chính thức đối với sản phẩm mía đường có xuất xứ từ Thái Lan (trước đó là mức thuế sơ bộ). Với việc áp thuế, dù con số thống kế cho thấy đường Thái Lan đã giảm đáng kể, song thực tế thông qua hình thức lẩn tránh phòng vệ thương mại, mặt hàng này vẫn ồ ạt vào Việt Nam.
Kéo dài bảo hộ không thể cứu ngành mía đường
Thu hoạch mía ở tỉnh Hậu Giang. Ảnh: Trung Chánh |
Nghi vấn lẩn tránh phòng vệ thương mại
Mức áp thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp chính thức đối với đường mía có xuất xứ từ Thái Lan được Bộ Công Thương quyết định ở mức 47,64%, có thời hạn 5 năm và có thể được rà soát.
Dù mức thuế chính thức được đưa ra vào ngày 15-6-2021, nhưng vụ việc điều tra đã được Bộ Công Thương bắt đầu vào ngày 21-9-2020, sau khi thẩm định hồ sơ yêu cầu áp dụng biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp của đại diện ngành sản xuất trong nước.
Sau vụ việc khởi xướng điều tra dẫn đến áp thuế, một nguồn tin của KTSG Online cho biết, từ tháng 2-2021 đến nay, xuất khẩu đường từ Thái Lan vào Việt Nam giảm dần, chỉ còn chưa đến 100.000 tấn ở tháng 5 và hơn 50.000 tấn trong 20 ngày đầu tháng 6, trong khi đó, con số ở tháng 2 là khoảng 160.000 tấn.
Nhìn vào số lượng đường Thái Lan xuất khẩu sang Việt Nam như nêu trên có thể thấy việc khởi xướng điều tra từ năm 2020 và đi đến áp thuế chính thức vào tháng 6-2021 đối với thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp đường mía nhập khẩu từ Thái Lan của Bộ Công Thương là có hiệu quả.
Tuy nhiên, thực tế lượng đường Thái Lan thời gian qua vẫn ồ ạt đổ vào Việt Nam, có thể bằng con đường lẩn tránh phòng vệ thương mại.
Ông Nguyễn Văn Lộc, Quyền tổng thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), cho biết hiện nay Hiệp định thương mại hàng hoá ASEAN (ATIGA) đã chính thức áp dụng, cho nên đường từ tất cả các nước khu vực ASEAN khi xuất khẩu sang Việt Nam đều có mức thuế chỉ 5%.
Trong khi đó, sau khi Bộ Công Thương ra quyết định áp thuế sơ bộ, rồi áp thuế chính thức về thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với đường mía từ Thái Lan, thì đường từ quốc gia này có mức thuế được nâng lên rất cao.
“Tất nhiên, khi đó các nhà nhập khẩu của Việt Nam sẽ không nhập đường từ Thái Lan nữa”, ông Lộc nói và cho rằng họ chuyển sang nhập từ 5 nước ASEAN khác, bao gồm Lào, Campuchia, Indonesia, Myanmar và Malaysia.
Theo ông Lộc, về bản chất đường của 5 nước nêu trên cũng là đường được nhập từ Thái Lan rồi xuất sang Việt Nam. “Trước đây, họ (5 nước nêu trên) nhập của Thái Lan để tiêu dùng trong nước thôi, nhưng nay nhập để bán sang Việt Nam nhằm lẩn tránh phòng vệ thương mại”, ông Lộc cho biết.
Số liệu báo cáo của VSSA cho thấy 4 tháng đầu năm ngoái, tổng lượng đường của 5 nước nêu trên xuất sang Việt Nam chỉ 6.581 tấn, thì 4 tháng đầu năm nay đạt 263.081 tấn, tức tăng khoảng 40 lần so với cùng kỳ. Điều này bị nghi là dấu hiệu của động thái lẩn tránh thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với sản phẩm mía đường từ Thái Lan. Ông Lộc cho biết, khi chuyển sang 5 nước nêu trên, đường Thái Lan vào Việt Nam chỉ chịu 5% thuế áp dụng theo ATIGA, thay vì là 47,64% như quyết định cuối cùng của Bộ Công Thương.
VSSA dẫn số liệu của Tổng cục Hải quan Thái Lan cũng cho thấy giá trị xuất khẩu đường từ quốc gia này sang 5 nước nêu trên trong 4 tháng đầu năm 2021 tăng rất mạnh so với cùng kỳ, mà cụ thể sang Campuchia tăng 133%; sang Indonesia tăng 28%; sang Lào tăng 137%; sang Malaysia và Myanmar lần lượt tăng 77% và 63%.
Trước thực trạng như nêu trên, theo ông Lộc, hiện nay các đơn vị liên quan của Việt Nam cần phải có biện pháp đấu tranh tiếp, đó là lẩn tránh phòng vệ thương mại và đường nhập lậu vào Việt Nam.
Doanh nghiệp nhập khẩu có thể xin miễn trừ áp thuế chống bán phá giá
Sau khi Bộ Công Thương ban hành quyết định áp thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp chính thức đối với sản phẩm đường mía từ Thái Lan, các doanh nghiệp nhập khẩu có thể nộp hồ sơ xin miễn trừ áp thuế đối với một số sản phẩm đường mía có xuất xứ từ quốc gia này.
Cục Phòng vệ thương mại thuộc Bộ Công Thương vừa có thông báo về việc tiếp nhận hồ sơ đề nghị miễn trừ áp dụng biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với một số sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan.
Theo đó, Cục Phòng vệ thương mại cho biết, quy định tại điều 10 thông tư 37/2019/TT-BCT của Bộ Công Thương quy định chi tiết một số nội dung về các biện pháp phòng vệ thương mại, thì Bộ trưởng Bộ Công Thương xem xét miễn trừ áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại tạm thời, biện pháp phòng vệ thương mại chính thức đối với một số hàng hóa nhập khẩu (ở đây là sản phẩm đường mía từ Thái Lan - PV) bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại.
Theo đó, các trường hợp được áp dụng miễn trừ, bao gồm (1) hàng hoá trong nước không sản xuất được; (2) hàng hoá có đặc điểm khác biệt với hàng hoá sản xuất trong nước mà hàng hoá sản xuất trong nước đó không thể thay thế được; (3) hàng hoá là sản phẩm đặc biệt của hàng hóa tương tự hoặc hàng hóa cạnh tranh trực tiếp được sản xuất trong nước; (4) hàng hóa tương tự, hàng hóa cạnh tranh trực tiếp được sản xuất trong nước không được bán trên thị trường trong nước trong cùng điều kiện thông thường; (5) hàng hóa tương tự, hàng hóa cạnh tranh trực tiếp được sản xuất trong nước không đáp ứng đủ lượng sử dụng trong nước; (6) hàng hóa nhập khẩu nằm trong tổng lượng đề nghị miễn trừ quy định từ khoản 1 đến khoản 5 phục vụ mục đích nghiên cứu, phát triển và các mục đích phi thương mại khác.
Chính vì vậy, sau khi Bộ Công Thương ban hành quyết định áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại chính thức, Cục Phòng vệ thương mại đề nghị các doanh nghiệp có thể đáp ứng các điều kiện được miễn trừ nộp hồ sơ đề nghị miễn trừ áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại.
Doanh nghiệp sẽ có thời hạn gửi hồ sơ đề nghị miễn trừ tới cổng dịch vụ công trực tuyến (https://dichvucong.moit.gov.vn) hoặc tới Cục Phòng vệ thương mại trước 17 giờ ngày 25-7.