Thứ tư, 18/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Đường ven biển đoạn Thái Bình, Nam Định giảm thời gian thu phí 23 tháng so với ban đầu

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Đường ven biển đoạn Thái Bình, Nam Định giảm thời gian thu phí 23 tháng so với ban đầu

Hoàng Thắng

(KTSG Online) – Dự án BOT đường bộ ven biển Việt Nam đoạn qua tỉnh Thái Bình, Nam Định có thời gian thu phí hoàn vốn sau khi cập nhật lại kết quả kiểm toán giảm 23 tháng so với phương án ban đầu, theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước.

Đường ven biển đoạn Thái Bình, Nam Định giảm thời gian thu phí 23 tháng so với ban đầu
Công trình cầu Thịnh Long, thuộc tuyến đường bộ ven biển đi qua tỉnh Nam Định. Ảnh minh họa: TTXVN.

Kiểm toán đã chia sẻ một vấn đề được phát hiện qua quá trình kiểm toán 4 dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT, gồm đầu tư xây dựng đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận giai đoạn 1; cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn; Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn; đường bộ ven biển Việt Nam đoạn qua tỉnh Thái Bình, Nam Định.

Với dự án đường bộ ven biển Việt Nam đoạn qua tỉnh Thái Bình, Nam Định, cơ quan kiểm toán cho biết điều kiện giải ngân, thanh toán phần vốn góp của Nhà nước tham gia trong dự án và phần vốn vay của nhà đầu tư tại hợp đồng BOT chưa nêu cụ thể. Ngoài ra, điều khoản yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền tạm ứng cho nhà đầu tư bằng 40% tương ứng với giá trị phần vốn nhà nước do nhà đầu tư tổ chức thực hiện – theo nội dung hợp đồng BOT – là không đúng quy định.

Lý giải điều này, cơ quan kiểm toán cho rằng nội dung Nghị định 63/2018 và Thông tư 88/2018 của Bộ Tài chính không có quy định về việc tạm ứng hợp đồng đối với phần vốn góp của Nhà nước trong dự án PPP giữa Nhà nước và nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, dự án đường bộ ven biển Việt Nam đoạn qua tỉnh Thái Bình, Nam Định chưa quy định nguyên tắc và điều kiện điều chỉnh lãi suất vốn vay trong phương án tài chính, theo cơ quan kiểm toán. Thời gian thu phí hoàn vốn sau khi cập nhật lại kết quả kiểm toán giảm 23 tháng so với phương án ban đầu..

Với dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, Kiểm toán Nhà nước cho rằng phương án tài chính xác định thời gian thu phí hoàn vốn còn một số chỉ tiêu chưa được cập nhật để phù hợp với thực tế phát sinh định kỳ theo quy định. Ngoài ra, dự án chưa nộp trả ngân sách nhà nước chi phí thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư dự án theo quy định.

Với dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, cơ quan kiểm toán cho biết một số yếu tố trong phương án tài chính đã thay đổi trong quá trình thực hiện dự án song nhà đầu tư và cơ quan nhà nước có thẩm quyền chưa điều chỉnh hợp đồng BOT. Ngoài ra, chi phí sửa chữa thường xuyên, chi phí trung tu và đại tu đều chưa phù hợp khi lần lượt tăng 0,34 tỉ đồng, 41 tỉ đồng và 77,9 tỉ đồng so với định mức.

Việc giải ngân vốn vay và vốn góp chủ sở hữu vào dự án chậm so với dự kiến trong phương án tài chính khi chỉ lần lượt đạt 86% và 88% kế hoạch, theo Kiểm toán Nhà nước. Bên cạnh đó, dự án chưa cập nhật 10,9 tỉ đồng thu nhập từ lãi tiền gửi phát sinh năm 2019 và 2020 vào phương án tài chính.

Cũng theo Kiểm toán Nhà nước, dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn xuất hiện nhiều yếu tố thay đổi ảnh hưởng đến tính khả thi của dự án nhưng các bên chưa xem xét kịp thời trình cấp có thẩm quyền điều chỉnh dự án theo quy định. Đáng chú ý, việc đưa dự án vào vận hành diễn ra trong bối cảnh các bên chưa thỏa thuận dự toán chi phí quản lý thu phí làm cơ sở thực hiện và chậm lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ thu phí tự động không dừng.

Kết quả, kiểm toán kiến nghị xử lý 1.128,46 tỉ đồng sau khi kiểm toán 4 dự án, gồm tăng thu ngân sách nhà nước 66,42 tỉ đồng, giảm chi ngân sách nhà nước 9,22 tỉ đồng, xử lý khác 1.052,82 tỉ đồng.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới