Thứ hai, 13/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Đứt gãy chuỗi cung ứng sắp qua, người tiêu dùng Mỹ có thể thở phào

Ricky Hồ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Lượng hàng hóa từ châu Á cập cảng Mỹ gia tăng, vận tải tàu biển cũng rút ngắn thời gian và giá cước đang giảm, hàng hóa lại tràn đầy các kệ siêu thị. Dường như khủng hoảng chuỗi cung ứng vốn hành người tiêu dùng Mỹ trong suốt hai năm qua sắp tan biến và nỗi lo lạm phát có thể dịu đi khi hàng hóa đầy ắp và có xu hướng rẻ hơn.

Các chỉ dấu là vậy, nhưng các nhà phân tích nói người tiêu dùng Mỹ vẫn phải trả giá cao trong một thời gian nữa.

Tàu của hãng Cosco Shipping đang bốc hàng tại Thượng Hải. Lượng hàng từ châu Á đến Mỹ tăng 4% trong tháng 6-2022. Trong đó, mức tăng từ Hàn Quốc 2%, Trung Quốc 7% và Việt Nam đến 13%. Ảnh: Reuters

Hàng đến Mỹ ngày một dồi dào

Theo hãng nghiên cứu Descartes Datamyne tại Mỹ, lưu lượng tàu container từ châu Á đến Mỹ trong tháng 6 rồi đạt 1,72 triệu container 20 feet, tăng 4% so với cùng kỳ năm ngoái và lập kỷ lục trong tháng. Đây là tháng tăng trưởng thứ 24 liên tiếp khi hàng hóa xuất xứ từ Trung Quốc dần tăng trở lại. Nhưng nhiều nhà phân tích vẫn lo ngại rằng nhu cầu ở Mỹ sẽ giảm do lạm phát cao khiến giá tiêu dùng tăng mạnh.

Lưu lượng tàu từ Trung Quốc, chiếm 60% các lô hàng có xuất xứ từ châu Á, tăng 7%. Cảng Thượng Hải vẫn bị ảnh hưởng trong tháng rồi bởi phong tỏa và lượng container được xếp dỡ giảm 33%. Tuy nhiên, lưu lượng ở cảng container quốc tế Yantian ở Thẩm Quyến, lớn nhất Trung Quốc, lại tăng 30% và cảng Ninh Ba ở Triết Giang tăng 10%. Cả hai cảng này đã bù đắp cho sự sụt giảm của Thượng Hải.

Trong khi đó, lượng tàu từ Hàn Quốc tăng 2%, từ Việt Nam tăng mạnh đến 13%.

Các lô hàng quần áo tăng 28%, giày dép tăng 43%. Điều này cho thấy người Mỹ ra khỏi nhà thường xuyên hơn. Chỉ mặt hàng nội thất vốn liên quan chặt chẽ đến thị trường nhà ở tại Mỹ lại giảm 10%.

Giá cước tàu biển vẫn ở mức cao, nhưng xu hướng giảm đang tiếp tục. Theo Sở giao dịch vận tải Thượng Hải, đầu tháng này cước tàu biển từ Thượng Hải đến Bờ Tây nước Mỹ có giá 7.116 đô la/container 40 feet, gấp bốn lần so với giá tháng 4-2020 khi Covid lan ra toàn cầu. Nhưng mức giá này thấp hơn 10% so với cao điểm tháng 4 năm nay.

Hàng hóa mất ít thời gian hơn để vượt đại dương. Nhưng nghịch lý khác lại hiện ra: các nhà bán lẻ đang ngồi trên đống hàng tồn kho – khác ngược với các kệ hàng trống rỗng hồi năm ngoái. Tuy nhiên, nghịch lý này lại có thể là tin vui cho người tiêu dùng Mỹ.

Theo phân tích của hãng dịch vụ hậu cần Flexport, chỉ số Ocean Timeline đo thời gian hàng từ cảng xuất phát đến cảng bốc dỡ đang giảm dần. Tháng 10-2021, cần mất trên 110 ngày để hàng hóa đi từ châu Á đến Mỹ. Nay con số này đã giảm đáng kể còn 95 ngày trong tuần rồi. Mặc dù thời gian 15 ngày có vẻ không quá ấn tượng, nhưng đây là sự khác biệt rất lớn đối với những người mua sắm Mỹ bởi họ vốn quen với dịch vụ giao hàng trên toàn liên bang chỉ trong hai ngày. Nhưng trong suốt năm qua, thời gian lý tưởng này hầu như không tồn tại.

Khủng hoảng chuỗi cung ứng, lạm phát đã chạm đỉnh…

Các nhà kinh tế nhận thấy chuỗi cung ứng đang dần ổn định. Trong báo cáo gửi nhà đầu tư của ngân hàng Morgan Stanley hôm 11-7, giám đốc đầu tư Lisa Shalett nhận định "áp lực lên chuỗi cung ứng toàn cầu đã giảm bớt”.

Chỉ số theo dõi chi phí vận chuyển hàng hóa số lượng lớn Baltic Dry Index (BDI) cũng đang giảm. Chỉ số này là tổng hợp của một số chi phí vận chuyển chính khác nhau. Sự sụt giảm của BDI trong những tuần gần đây cho thấy những chi phí đó đang tiến gần đến mức bình thường. Vào cuối mùa hè và đầu mùa thu năm 2021, chỉ số này bắt đầu tăng đột biến do gián đoạn chuỗi cung ứng. Giờ đây, BDI đã trở lại mức thấp chưa từng thấy kể từ tháng 4-2021.

Đầu năm nay, chi nhánh Fed (Quỹ Dự trữ liên bang Mỹ) ở New York nói rằng khủng hoảng chuỗi cung ứng có thể đã lên đến đỉnh điểm và "có thể bắt đầu điều chỉnh một chút trong tương lai”. Bảy tháng sau, điều này dường như đang trở thành hiện thực. Đây cũng là tin tốt cho người tiêu dùng đang xoay mồng trong bão giá.

Morgan Stanley cảnh báo rằng chuỗi cung ứng ổn định đồng nghĩa là lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp không còn màu mỡ nữa, nhưng lại có ý nghĩa giảm áp lực cho người tiêu dùng. Tình trạng chờ đợi nhiều tháng trời để có được những món hàng cần thiết nhưng giá tăng vọt rồi cũng sẽ dần lùi vào quá khứ.

Chuỗi Target đã bắt đầu giảm lượng hàng tồn kho dư thừa của mình, bao gồm các mặt hàng gia dụng thiết yếu hay đồ nội thất ngoài trời. CEO Brian Cornell phát biểu trong cuộc họp với các nhà đầu tư hồi tháng 6 rằng “đã không lường trước được mức độ nghiêm trọng” khi lượng hàng tồn đồ nội thất ngoài trời, tivi và thiết bị nhà bếp tăng nhanh. Mới năm ngoái, một số người tiêu dùng phải bỏ sức săn lùng các mặt hàng này, nhưng không phải lúc nào họ cũng có thể mua được dù là có tiền.

Các hãng bán lẻ khác cũng gặp tình cảnh tương tự như đại siêu thị Walmart, Kohl's và Dick's. Lượng tồn kho ở những nơi này cao hơn năm ngoái. Lương hàng tồn này được tung ra với giá rẻ chưa từng có. Wall Street Journal đưa tin một số áo khoác trái mùa trị giá 100 đô la được giảm xuống còn 2,75 đô la tại một cửa hàng giá rẻ ở Alabama.

Các gián đoạn chuỗi cung ứng và sự thiếu hụt hàng hóa là những động lực đẩy lạm phát lên mức chưa từng thấy trong nhiều thập niên tại Mỹ.

Thời hậu Covid, người tiêu dùng Mỹ háo hức chi tiêu, nhưng hàng hóa không dồi dào như trước. Mọi thứ đã trở nên đắt đỏ hơn trước nhiều. Tình trạng khan hiếm khiến giá tiêu dùng vẫn ở mức cao. Nhưng chuỗi ung ứng đang hồi phục, hàng lại đầy kệ và giá không tiếp tục leo thang nữa.

Lạm phát dường như đang đạt điểm đỉnh. “Đó có thể tin tốt cho ví tiền đang mỏng dần của người Mỹ. Nhưng đừng nghĩ rằng giá sẽ mau chóng giảm xuống”, Business Insider kết luận.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới