(KTSG Online) - Hướng đến sản xuất xanh và thân thiện môi trường, Công ty Nhựa Duy Tân đang dần chuyển sang sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng mặt trời, cho các nhà máy của công ty, đóng góp vào sự phát triển bền vững của địa phương và toàn xã hội.
Dự án điện năng lượng mặt trời tại Long An là dự án được Duy Tân quan tâm và đầu tư nhằm thay thế nguồn điện lưới để phục vụ cho quá trình sản xuất, đồng thời giải tỏa hết công suất các dự án nguồn điện được đầu tư trong thời gian tới nhằm đảm bảo việc cung cấp điện an toàn, liên tục.
Dự án được đặt tại nhà máy Duy Tân Long An - KCN Tân Đô, Xã Đức Hòa Hạ, Huyện Đức Hòa, Tỉnh Long An, với tổng diện tích mái lên đến 95.300 m2, tương đương với 13,35 sân bóng đá tiêu chuẩn FIFA với vòng đời dự kiến 20 năm.
Từ 10 nhà thầu đến từ nhiều quốc gia, vào ngày 26-6-2020 , Nhựa Duy Tân đã lựa chọn đối tác là TTC Energy để cung cấp giải pháp điện năng lượng mặt trời tại nhà máy Duy Tân Long An.
Qua thời gian tìm hiểu phân tích, Duy Tân và TTC Energy đã chọn ra giải pháp đầu tư tiết kiệm và phương án kỹ thuật tối ưu nhất.
Dự án điện năng lượng mặt trời Duy Tân được chia làm ba giai đoạn:
- Ngày 20-9-2020: bắt đầu lắp đặt.
- Từ ngày 26-9-2020:việc lắp đặt được triển khai đều đặn và nghiêm túc. Quá trình lắp đặt gặp nhiều trở ngại do điều kiện thời tiết, tuy nhiên, những nỗ lực hết mình của tập thể Duy Tân và sự kiểm tra giám sát thường xuyên của Ban điều hành dự án đã giúp đảm bảo tiến độ và chất lượng thực hiện dự án đúng với mục tiêu đã đề ra.
- Ngày 3-11-2021:dự án chính thức được đưa vào vận hành lần lượt trong từng khu vực tại nhà máy.
Trong quá trình xây dựng và vận hành, công ty luôn áp dụng những biện pháp phòng dịch đầy đủ theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế và luôn giám sát đảm bảo tuân thủ nghiêm ngặt. Do đó tình hình dịch Covid-19 không ảnh hưởng nhiều đến tiến độ dự án.
Để đảm bảo chất lượng của công trình đúng như giá trị mà công ty bỏ ra, Duy Tân đã làm rất nghiêm chỉnh và chuyên nghiệp từ công tác chuẩn bị, công tác thiết kế, xác định tiêu chuẩn kỹ thuật của vật tư, kiểm tra giá… cho đến khâu chuẩn bị thi công: từ khâu kiểm tra vật tư đầu vào, biện pháp thi công và đặt biệt chú trọng đến công tác an toàn lao động.
Ban quản lý dự án đã phân công các anh em giám sát lên từng mái nhà cụ thể để kiểm tra và giám sát nhà thầu trong suốt quá trình thi công, đảm bảo nhà thầu thực hiện theo đúng phương án thi công đã thống nhất.
Nguồn điện tạo ra từ hệ thống sẽ được cung cấp cho nhà máy Duy Tân Long An dùng cho sản xuất. Theo đó, dự án năng lượng mặt trời đáp ứng được 25% công suất nhà máy.
Với tổng công suất 9.932 kWp, dự án sẽ sản xuất 12.955.790 kWh một năm, tương đương lượng điện cung cấp cho 7.621 người dân/năm và 1.905 hộ gia đình/năm.
Bên cạnh đó, dự án sẽ giúp giảm phát thải 8.741 tấn CO2, tương đương lượng khí thải phát ra từ 1.900 xe hơi/năm, và giúp Nhựa Duy Tân tiết kiệm 5 tỉ 322 triệu đồng/năm.
Theo chia sẻ từ một lãnh đạo của Duy Tân, dự án điện năng lượng mặt trời hướng đến ba mục tiêu chính: tạo ra nguồn năng lượng sạch, tiết kiệm năng lượng và giảm giá thành – chi phí sản xuất.
Nguồn năng lượng thân thiện với môi trường này được kỳ vọng sẽ đóng góp lớn vào sự phát triển bền vững của Duy Tân cũng như góp phần phát triển nền kinh tế - xã hội địa phương.
Tổng tiềm năng điện mặt trời áp mái toàn quốc lên tới 48GW, trong đó, khu vực miền Nam là 22GW nhờ lợi thế về khí hậu, khi có trung bình 1.600 - 2.700 giờ nắng trong năm và bức xạ trung bình từ 4 - 5kWh/kWp mỗi ngày.
Theo các chuyên gia, điện mặt trời mái nhà có vai trò quan trọng trong việc giảm áp lực về nguồn điện đối với lưới điện quốc gia cùng với hiệu quả kinh tế đáng kể, thấy rõ nhất ở các nhà đầu tư là doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp sản xuất như Nhựa Duy Tân.