Thứ ba, 3/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

DUYTAN Recycling mở rộng ‘vòng tròn tái sinh’ chai nhựa

Dũng Nguyễn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Tái sinh chai nhựa đã sử dụng để trở thành những hạt nhựa đầu vào cho nhiều lĩnh vực sản xuất và thúc đẩy kinh tế tuần hoàn là những gì mà DUYTAN Recycling đang thực hiện. Việc mở rộng “vòng tròn tái sinh” này sẽ mang đến tác động xã hội lớn hơn trong tương lai.

Chai lọ, bao bì nhựa đã qua sử dụng được xếp chồng tại nhà máy của DUYTAN Recycling. Ảnh: DUYTAN Recycling

Kết nối để tái sinh

Công ty tái chế nhựa Duy Tân (DUYTAN Recycling) là cái tên quen thuộc không chỉ với các nhà sản xuất có sử dụng nguyên liệu hạt nhựa đầu vào, mà với cả người tiêu dùng trong khoảng hai năm trở lại đây.

Chính thức vận hành thương mại vào năm 2021 với nhà máy ở Đức Hòa Long An, hiện công suất của DUYTAN Recycling đã tăng gấp rưỡi, lên mức 60.000 tấn nhựa tái sinh và hướng đến mốc 100.000 tấn vào năm 2026. Không chỉ vậy, DUYTAN Recycling vẫn đang tiếp tục mở rộng kết nối để tìm đầu vào cũng như đầu ra cho các chai nhựa đã qua sử dụng.

Chẳng hạn như mới đây, DUYTAN Recycling và Công ty Ajinomoto Việt Nam vừa ký kết hợp đồng hợp tác thu gom và tái chế bao bì nhựa theo chương trình trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR). Kế hoạch đặt ra là năm 2024, hai bên hướng đến mục tiêu thu gom và tái chế 94 tấn rác thải nhựa, tức tương đương 7,3 triệu chai nhựa.

Hồi tháng 9, thành phố Quy Nhơn và Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) chính thức khởi động Chương trình Phân loại rác tại nguồn, đồng thời khánh thành Cơ sở thu hồi Vật liệu (MRF) tại Khu Xử lý chất thải Long Mỹ. Đơn vị tham gia tái chế DUYTAN Recycling và Plenma còn hợp tác trong dự án cùng Đại Sứ Quán Na Uy và UNDP Việt Nam, góp phần thúc đẩy xây dựng mạng lưới thu gom vật liệu tái chế hiệu quả hơn, với mục tiêu giai đoạn 1 là 4 tấn chai nhựa/ngày.

Vào đầu tháng 3 năm nay, DUYTAN Recycling tiếp tục đồng hành cùng Coca-Cola trong chiến dịch “Chai nhựa tái sinh, hành trình tiếp nối”. Theo đó, toàn bộ bao bì nhựa của các sản phẩm được làm từ nhựa PET được DUYTAN Recycling tái chế với công nghệ "Bottle-to-Bottle”, để mỗi sản phẩm của hãng nước giải khát đa quốc gia này tại thị trường Việt Nam đều mang đến thông điệp "Hãy tiếp tục tái chế Tôi".

Là thành viên của Liên minh Tái chế Bao bì Việt Nam (PRO gồm 30 thành viên là những công ty hàng đầu trong lĩnh vực hàng tiêu dùng, sản xuất bao bì, bán lẻ và nhập khẩu), vào cuối năm 2023, DUYTAN Recycling phối hợp cùng Công ty Unilever Việt Nam, công ty đa quốc gia sản xuất hàng tiêu dùng, tổ chức chương trình tập huấn dành cho các cơ sở thu mua phế liệu tại 13 tỉnh thành khu vực Miền Tây. Đây là một trong những hoạt động cụ thể được hai bên đưa ra, nhằm hướng đến nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam, trong cam kết cụ thể hơn là thu gom và tái chế 30.000 tấn rác thải nhựa trong giai đoạn 2023-2027.

Nếu xem DUYTAN Recycling là tâm vòng tròn, thì chu vi của đường tròn này đang ngày càng mở rộng, nhờ số lượng các chai nhựa được thu gom và sau đó tái sinh đang tăng dần lên, đi cùng sự hợp tác của các tổ chức và cá nhân trong xã hội. “Vòng tròn tái sinh” này không chỉ mở rộng về “lượng” mà còn cả “chất”, khi có vẻ như nhận thức về việc tái sinh chai nhựa cũng đang dần tăng lên.

Trên thực tế, mục tiêu của các chương trình hợp tác giữa DUYTAN Recycling với các đối tác không chỉ thúc đẩy việc thu gom tái chế bao bì và giảm rác thải ra môi trường, mà còn hướng đến xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn trong quản lý rác thải. Ngoài ra, các dự án không chỉ gói gọn trong sản xuất mà còn thông qua các hoạt động truyền thông nhằm khuyến khích bảo vệ môi trường, tạo ra tác động mạnh mẽ và sự lan tỏa đến cộng đồng.

Bên trong xưởng tái chế của DUYTAN Recycling - nơi sản xuất hạt nhựa từ vật liệu nhựa đã qua sử dụng. Ảnh: DUYTAN Recycling

Chung tay thúc đẩy kinh tế tuần hoàn

Một trong những cơ sở của “Vòng tròn tái sinh” đang dần mở rộng là vì năm 2024 rất quan trọng đối với hoạt động tái chế tại Việt Nam. Theo Luật Bảo vệ môi trường 2020 và Nghị định 08/2022 của Chính phủ, từ ngày 1-1-2024, các nhà sản xuất và nhập khẩu pin, ắc quy, dầu nhớt, săm lốp và bao bì (nhựa, giấy…) phải chịu trách nhiệm tái chế các sản phẩm và bao bì do mình sản xuất hoặc nhập khẩu sau khi người tiêu dùng thải bỏ.

Cùng với đó, hồi cuối tháng 2-2024, Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố danh sách 24 đơn vị tái chế, trong đó có 9 công ty có thể tái chế bao bì nhựa, 3 công ty có chế dầu nhớt và 4 công ty có thể tái chế sản phẩm điện, điện tử. DUYTAN Recycling thuộc nhóm tái chế bao bì với 3 loại là bao bì PET cứng, bao bì HDPE & PP, từ đó sản xuất hạt nhựa tái sinh làm nguyên liệu cho sản xuất các ngành công nghiệp.

Đây cũng là lý do vì sao những doanh nghiệp tái chế như DUYTAN Recycling được xem là điểm mấu chốt không chỉ trong những quy định mới, mà còn giúp thúc đẩy các doanh nghiệp hướng đến chuỗi sản xuất tuần hoàn, từ rác thải lại quay về trở thành nguyên liệu ban đầu. Việc bắt tay hợp tác cùng thực hiện chính sách EPR do đó là một phần quan trọng trong nỗ lực xây dựng và phát triển kinh tế tuần hoàn nói chung của Việt Nam.

Trong tương lai, EPR không nói về môi trường hay vấn đề riêng của từng cá thể, mà còn là cơ hội cho tất cả doanh nghiệp, vì nếu đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của đối tác, khả năng tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ cũng tăng theo. Đây cũng là cơ hội cho những doanh nghiệp tái chế như DUYTAN Recycling, trong bối cảnh thành phẩm hiện nay đa phần phải xuất khẩu đi nước ngoài.

Theo ông Lê Anh, Giám đốc phát triển bền vững của DTR, thuận lợi khi có EPR là nhiều đối tác sẽ quan tâm đến sản phẩm tái chế. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn sẽ gặp khó ở nguyên liệu đầu vào khi thu gom chưa đủ số lượng vì rác chưa phân loại đúng cách.

Mặt khác, nếu không được thu gom và phân loại ngay tại nguồn, rác thải sẽ dễ trộn lẫn các tạp chất khác, dẫn đến tỷ lệ hao hụt cao trong tái chế với tỷ lệ tái chế chỉ khoảng 60-75% là “Bottle-to-Bottle”, tức đạt chất lượng tốt nhất, số còn lại phải chuyển thành sản phẩm thứ cấp. Đây là những khó khăn mà các doanh nghiệp tái chế nhìn chung đang gặp phải.

Bài toán này sẽ được giải quyết khi “Vòng tròn tái sinh” được mở rộng, không chỉ đến từ các nhà sản xuất mà còn cả người dân, từ câu chuyện thu gom đến phân loại rác thải. Tác động xã hội sẽ ngày càng lớn hơn khi DUYTAN Recycling nói riêng cũng như các doanh nghiệp tái chế khác tiếp tục hành trình mở rộng vòng tròn kết nối này, từ đó thúc đẩy kinh tế tuần trở nên ngày càng hoàn chỉnh hơn.

Cũng trong tháng 11-2024, DUYTAN Recycling được công nhận là Thương hiệu Quốc gia Việt Nam 2024. Đây là chương trình dài hạn của Chính phủ nhằm xây dựng hình ảnh, nâng cao sức cạnh tranh, đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp tiếp tục chia sẻ và theo đuổi các giá trị sản phẩm Việt. Với DUYTAN Recycling, đó là niềm tự hào về thương hiệu góp phần giải quyết bài toán môi trường của Việt Nam, cũng như là cơ hội mở rộng “vòng tròn tái sinh” trong tương lai.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới