Thứ năm, 12/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Cargill hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số và cải thiện dinh dưỡng cho học sinh

Ngọc Hùng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Với dự án "Vươn Mình" và ngày hội "Tặng Trứng Cho Em", Cargill đã và đang thể hiện rõ ràng cam kết của mình trong việc hỗ trợ cộng đồng, đặc biệt là phụ nữ và đồng bào dân tộc thiểu số, hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn.

Các em học sinh hào hứng tham gia chương trình Tặng Trứng Cho Em. Ảnh: DNCC

Chung tay xây dựng cộng đồng bền vững

Cargill không chỉ là một tập đoàn kinh doanh hàng đầu trong lĩnh vực thức ăn giá súc-gia cầm mà còn là một người bạn đồng hành đáng tin cậy của cộng đồng. Thông qua các hoạt động trách nhiệm xã hội đa dạng như xây dựng trường học, hỗ trợ nông dân nâng cao kỹ năng canh tác, và cung cấp dinh dưỡng cho trẻ em, Cargill đã góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống của hàng triệu người dân Việt Nam. Những hoạt động này không chỉ thể hiện sự quan tâm của Cargill đến cộng đồng mà còn khẳng định cam kết phát triển bền vững của doanh nghiệp.

Với triết lý kinh doanh gắn liền với trách nhiệm xã hội, Cargill đã và đang thực hiện nhiều hoạt động ý nghĩa tại Việt Nam. Từ việc xây dựng hơn 100 trường học tại nhiều địa phương trong cả nước đến việc hỗ trợ nông dân ứng phó với biến đổi khí hậu đến việc cung cấp dinh dưỡng cho trẻ em cho thấy hoạt động vì cộng đồng là một trong những chương trình được Cargill quan tâm và thực hiện trong những thời điểm phù hợp. Những hoạt động này không chỉ mang lại lợi ích thiết thực cho người dân mà còn góp phần xây dựng một xã hội phát triển bền vững.

Dự án "Vươn Mình" của Cargill là một ví dụ điển hình cho những nỗ lực không ngừng nghỉ của doanh nghiệp trong việc nâng cao vị thế của phụ nữ. Bằng cách cung cấp các khóa đào tạo về kỹ năng sống, kinh doanh và khởi nghiệp, dự án đã giúp hàng ngàn phụ nữ nông thôn tự tin hơn, độc lập hơn và có cơ hội đóng góp tích cực vào cộng đồng.

Dự án “Vươn Mình” được công bố vào tháng 11-2022, do Cargill và CARE phối hợp với Trung tâm Phát triển Cộng đồng (CDC) và UBND Thị xã Buôn Hồ, tỉnh Dak Lak, thực hiện, đặt ra ba mục tiêu chính là đào tạo về kỹ thuật nông nghiệp, cải thiện khả năng tiếp cận nguồn vốn, và nâng cao năng lực tiếp cận thị trường cho các hộ kinh doanh truyền thống.

Dự án đã tổ chức nhiều khóa đào tạo về kỹ thuật nông nghiệp, quản lý tài chính và kỹ năng quản lý nhóm, cấp vốn khởi nghiệp, con giống, thức ăn chăn nuôi và thuốc thú y, giúp 250 nông dân (190 trong số đó là phụ nữ) nâng cao thu nhập. Cùng với đó, việc mở rộng quy mô chăn nuôi gia cầm, dê và lợn giống đặc sản, thực hành sản xuất và mua bán chung với mô hình dê và chế biến cà phê đã giúp mang lại thu nhập hàng tháng cao nhất trong hai năm qua.

Bên cạnh đó, dự án còn tập trung cải thiện khả năng tiếp cận các nguồn lực hữu ích cho phụ nữ và đồng bào dân tộc thiểu số, bao gồm tiếp cận nguồn vốn và thúc đẩy vai trò lãnh đạo cho phụ nữ. Trong giai đoạn thí điểm, dự án “Vươn Mình” đã thành lập 21 Tổ Tiết kiệm tự quản, với 275 thành viên (211 trong số đó là phụ nữ) đã nhận vốn khởi nghiệp và tích lũy được tổng cộng khoảng 323 triệu đồng. Trung bình, mỗi thành viên có thể tiếp cận linh hoạt khoảng 2,5 triệu đồng để đầu tư sản xuất như mua dê giống, máy cắt cỏ và cải tạo chuồng trại, qua đó mở rộng hoạt động chăn nuôi và kinh doanh.

Ngoài ra, dự án còn nâng cao khả năng tiếp cận thị trường cho các hộ kinh doanh truyền thống thông qua cải thiện hiệu quả hoạt động và chiến lược tiếp thị.

Dự án đã đạt được nhiều tiến bộ quan trọng, giúp các nhóm chăn nuôi điều chỉnh phương pháp sản xuất để đáp ứng nhu cầu thị trường, chẳng hạn như nuôi dê vỗ béo để bán và giới thiệu các giống mới. Điều này được thể hiện qua câu chuyện của anh Y Tuen Niê ở xã Ea Drông, Thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk, thành viên nhóm chăn nuôi dê, đó là nhờ áp dụng kỹ thuật chăn nuôi mới, dê của anh nuôi đã tăng trọng thêm 5 đến 7 kg chỉ trong một tháng rưỡi, gấp ba lần phương pháp truyền thống. Nhờ đó, anh Y Tuen Niê có thể xuất chuồng đàn dê sớm hơn, thu hồi vốn nhanh hơn.

Anh Y Tuen Niê bên đàn dê của mình. Ảnh: DNCC

Dự án cũng hỗ trợ cho trong lĩnh vực thủ công mỹ nghệ thông qua việc cải thiện kỹ thuật, qua đó thu hút thêm nhu cầu hàng hóa và tăng thu nhập từ việc đa dạng hoá các sản phẩm thổ cẩm bản địa. Chị H Nônh Kriêng, thành viên nhóm thủ công mỹ nghệ cho biết hộ kinh doanh cá thể của chị đang hoạt động hết công suất: “Có rất nhiều khách đến đặt hàng tôi dệt đồ thổ cẩm. Nhiều việc quá một mình làm không xuể, nên tôi phải tính chuyện thuê thêm người và mua thêm máy may để phục vụ khách hàng tốt hơn”, chị H Nônh Kriêng cho biết.

Chị H Nônh Kriêng đã tăng thêm nhu nhập nhờ tham gia vào dự án “Vươn Mình". Ảnh: DNCC

Vì thế, sau khi đánh giá tổng thể về dự án này, đã góp phần cải thiện đáng kể sinh kế cho các nông hộ, đặc biệt là phụ nữ và cộng đồng dân tộc thiểu số, Công ty TNHH Cargill Việt Nam và tổ chức CARE đi đến thống nhất tiếp tục triển khai dự án “Vươn Mình” (She Thrives) thêm một năm. Theo đó, Cargill sẽ tài trợ khoảng 5 tỉ đồng để gia hạn chương trình đến tháng 8-2025, nhằm tiếp tục hỗ trợ cho 15.000 người tham gia trong suốt hai năm qua.

Ông Nguyễn Bá Luân,Trưởng Đại diện tập đoàn Cargill tại Việt Nam cho biết, sự hợp tác đầu tiên của chúng tôi với tổ chức CARE tại Việt Nam thông qua dự án "Vươn Mình" đã gặt hái những thành quả ấn tượng. “Chúng tôi tin rằng dự án "Vươn Mình" sẽ tiếp tục đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững của các cộng đồng nông nghiệp tại Việt Nam, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và tạo ra một tương lai tốt đẹp hơn cho mọi người”, ông Nguyễn Bá Luân chia sẻ.

Tặng trứng, tặng tương lai

Không chỉ dừng lại ở việc hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số, Cargill còn mở rộng phạm vi hoạt động, triển khai nhiều chương trình ý nghĩa khác như "Tặng Trứng Cho Em" nhằm nâng cao dinh dưỡng cho trẻ em, góp phần xây dựng một thế hệ trẻ khỏe mạnh.

Cụ thể, vào đầu tháng 10, Cargill tổ chức Ngày hội “Tặng Trứng Cho Em” (Green Egg Campaign 2024) tại trường tiểu học Nguyễn Trung Trực, tỉnh Long An nhằm giới thiệu lợi ích của trứng đối với sức khỏe.

Sự kiện này là một sáng kiến hoạt động tình nguyện có sự tham gia của nhân viên công ty, do Ngành Vi Dinh dưỡng và Sức khỏe Cargill (MHS) khởi xướng, phối hợp với Quỹ Từ thiện Cargill Cares Việt Nam, tiếp cận khoảng 600 học sinh tiểu học thông qua các hoạt động tương tác và mang tính giáo dục, đồng thời trao 4.800 quả trứng tươi cho các em học sinh và người dân địa phương và cùng với các quà tặng khác gồm sách cho nhà trường và một số họa phẩm cho các em học sinh.

Theo bà Gina Medina, Giám đốc Kinh doanh Ngành MHS của Cargill khu vực Nam và Đông Nam Á, Green Egg Campaign tập trung quảng bá trứng gia cầm như một nguồn đạm tuyệt vời đến với người dân cũng như xây dựng nhận thức cho các em học sinh và cộng đồng cư dân tại địa phương, giúp mọi người đánh giá đúng tầm quan trọng của trứng và sử dụng trứng để đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng của bản thân. Cùng với các đối tác trong ngành, Cargill đang thúc đẩy sản xuất trứng gia cầm bền vững, góp phần giải quyết nạn đói và các thách thức về dinh dưỡng, đảm bảo an ninh lương thực cho dân số ngày càng tăng của thế giới.

Cam kết dài hạn đóng góp vào sự phát triển của quốc gia, cộng đồng

Theo phía Cargill, những sáng kiến trên đều nhấn mạnh sứ mệnh của Cargill trong việc nuôi dưỡng thế giới theo một phương thức an toàn, có trách nhiệm và bền vững. Công ty đã và đang duy trì cam kết lâu dài với Việt Nam, góp phần tạo ra những ảnh hưởng tích cực cho các cộng đồng địa phương từ năm 1995, khi gia nhập thị trường trong nước.

Qua dự án “Vươn Mình”, Cargill tiếp tục thể hiện quyết tâm góp phần đáp ứng nhu cầu cấp bách và khắc phục khó khăn cho nông hộ, phụ nữ và cộng đồng dân tộc thiểu số. Thông qua việc nâng cao năng lực cho người nông dân và thúc đẩy thực hành bền vững, Cargill không chỉ hỗ trợ phát triển kinh tế địa phương mà còn góp phần xây dựng một tương lai an toàn, lành mạnh và bền vững cho tất cả mọi người. Còn ngày hội “Tặng Trứng Cho Em” cũng góp phần củng cố cam kết của Cargill trong việc không ngừng phục vụ học sinh Việt Nam.

Song song với việc hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số và các chương trình như "Tặng Trứng Cho Em", Cargill còn thể hiện cam kết lâu dài với giáo dục Việt Nam. Kể từ năm 1996, công ty đã không ngừng xây dựng các điểm trường ở vùng sâu, vùng xa, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của trẻ em và người dân địa phương. Với mục tiêu đến năm 2030 sẽ hoàn thành 150 điểm trường trên toàn quốc, Cargill đang từng bước hiện thực hóa ước mơ mang đến một môi trường học tập tốt đẹp cho thế hệ trẻ.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới