(KTSG Online) - Liên minh châu Âu (EU) sẽ cấm nhập khẩu những sản phẩm được sản xuất từ lao động cưỡng bức, một động thái có thể gây căng thẳng hơn nữa mối quan hệ thương mại với Trung Quốc trong bối cảnh nước này bị cáo buộc sử dụng lao động cưỡng bức ở vùng Tân Cương. Giày dép, quần áo và các mặt hàng như gỗ, cá và ca cao là những sản phẩm có khả năng bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi lệnh cấm, theo các nguồn tin nắm rõ về lệnh cấm này.
- Bông sợi và lao động cưỡng bức: Cảnh báo cho hàng dệt may Việt Nam
- Thái Lan bác bỏ lời chỉ trích cưỡng bức lao động ngành thủy sản
Hồi tháng 6, Mỹ đã ban hành lệnh cấm nhập khẩu toàn diện đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu từ Tân Cương của Trung Quốc, nơi mà Washington cáo buộc để xảy ra nhiều vi phạm về nhân quyền, bao gồm giam giữ tùy tiện và cưỡng bức lao động, chống lại người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ và và các dân tộc thiểu số khác. Bắc Kinh bác bỏ cáo buộc này và chỉ trích Mỹ đã can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc.
Thay vào đó, lệnh cấm của EU sẽ tập trung vào tất cả các sản phẩm được làm từ lao động cưỡng bức, bao gồm cả những sản phẩm được sản xuất trong khối này để tránh vi phạm các quy tắc của Tổ chức Thương mại thế giới (WHO) về không phân biệt đối xử.
Ủy ban châu Âu (EC), cơ quan hành pháp của EU, dự kiến sẽ công bố kế hoạch về lệnh cấm nói trên trong tuần này.
“Lao động cưỡng bức cấu thành sự vi phạm nghiêm trọng đến phẩm giá con người và các quyền cơ bản của con người”, dự thảo của lệnh cấm cho biết. Dự thảo nhấn mạnh ưu tiên của EU là xóa bỏ lao động cưỡng bức.
Dự thảo không nêu tên từng nước cụ thể có thể bị lệnh cấm nhắm đến và giải thích thêm rằng EU không có thời gian để đánh giá tác động chính thức vì tính cấp thiết của vấn đề.
Theo dự thảo, việc thực thi lệnh cấm sẽ tập trung vào các công ty lớn, bao gồm các nhà sản xuất, chế tạo và cung cấp hàng hóa vì lo ngại rằng các công ty nhỏ có ít đòn bẩy hơn để gây áp lực lên các nhà cung cấp và có ít nguồn lực hơn để tiến hành thẩm định chuyên sâu đối với những nhà cung cấp đó.
Lệnh cấm, có khả năng trở thành luật sớm nhất vào năm sau, sẽ áp dụng đối với tất cả sản phẩm, kể cả thành phần của chúng, sử dụng lao động cưỡng bức ở bất kỳ giai đoạn nào trong quy trình sản xuất, thu hoạch hoặc khai thác.
EU sẽ sử dụng định nghĩa của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) về lao động cưỡng bức. Theo ILO, lao động cưỡng bức đề cập đến các tình huống trong đó người lao động bị ép buộc làm việc bằng cách sử dụng bạo lực hoặc đe dọa, hoặc bằng các biện pháp tinh vi hơn như bắt phải lệ thuộc vì nợ nần, lưu giữ giấy tờ tùy thân.
27 nước thành viên EU sẽ chịu trách nhiệm phát hiện các vi phạm và thực thi lệnh cấm đồng thời phải trả lời các khiếu nại của các tổ chức phi chính phủ, các công ty và các tổ chức khác. Họ sẽ phải tiến hành một cuộc điều tra nếu có khiếu nại và có thể yêu cầu sự hợp tác từ nước sản xuất hàng hóa bị cáo buộc sử dụng lao động cưỡng bức.
Các quan chức EU hiểu rằng có thể khó tìm ra bằng chứng vi phạm, đặc biệt nếu các nước khác không hợp tác. Nhưng nếu xác định có khả năng cao một sản phẩm cụ thể có sử dụng lao động cưỡng bức, các nước thành viên EU có quyền thu giữ sản phẩm đó và cấm nhập khẩu. Một quan chức cho biết EU cho biết “gánh nặng chứng minh” vi phạm đã được giảm bớt để giúp thực thi lệnh cấm.
Các cơ quan quản lý EU cũng muốn tăng cường hợp tác với các nước bên ngoài khối này để đảm bảo các sản phẩm sử dụng lao động cưỡng bức không được xuất sang EU.
Báo cáo chung của ILO, Tổ chức Di trú quốc tế (IOM) và Walk Free, một tổ chức nhân quyền toàn cầu, công bố hôm 12-9, cho thấy trong năm 2021, có 50 triệu người sống trong tình trạng nô lệ hiện đại, bao gồm 28 triệu người lao động dưới các điều kiện cưỡng bức và 22 triệu người bị mắc kẹt trong các cuộc hôn nhân cưỡng ép.
Báo cáo cho biết đại dịch Covid-19 và các lệnh phong tỏa đã khiến điều kiện của nhiều lao động trở nên tồi tệ hơn, đẩy họ vào cảnh nợ nần chồng chất, khiến tình trạng nghèo cùng cực lần đầu tiên tăng lên sau hai thập niên. Theo báo cáo, đa số lao động cưỡng bức ở người lớn diễn ra ở các ngành dịch vụ, sản xuất, xây dựng, nông nghiệp và giúp việc nhà.
Theo Financial Times, Bloomberg