Thứ bảy, 18/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Euro NCAP đánh giá mức độ an toàn ô tô như thế nào?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Euro NCAP đánh giá mức độ an toàn ô tô như thế nào?

Tuấn Kiệt

(TBKTSG Online) - Có lẽ nhiều người trong chúng ta đã từng nghe qua khái niệm “tiêu chuẩn an toàn 5 sao của Euro NCAP”. Tuy nhiên, tiêu chuẩn đó dựa trên những tiêu chí nào và quá trình đánh giá được thực hiện ra sao thì vẫn là một câu chuyện khá mới lạ với hầu hết chúng ta, ngay cả với những người đang sử dụng xe hơi.

>> Euro NCAP công bố những mẫu xe đạt 5 sao

Euro NCAP đánh giá mức độ an toàn ô tô như thế nào?
Phần kiểm tra va chạm phía trước - Ảnh: Euro NCAP

Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online xin giới thiệu bạn đọc những tiêu chí và quá trình thử nghiệm đánh giá của Euro NCAP, để giúp bạn đọc có cái nhìn rõ hơn về xếp hạng an toàn của xe hơi.

Năm 2009, Euro NCAP đã đưa ra khung đánh giá mức độ an toàn của mỗi chiếc xe dựa trên 4 tiêu chí, gồm khả năng bảo vệ người lớn, khả năng bảo vệ người đi bộ, khả năng bảo vệ trẻ em và các hệ thống hỗ trợ an toàn. Mỗi tiêu chí được tính theo số % khả năng bảo vệ trên 100%.

Ví dụ: khả năng bảo vệ người lớn của Ford Ranger trong bài kiểm tra mới đây nhất là 96%. Tổng số điểm của bốn phần này sẽ được tổng hợp lại với nhau nhằm đưa ra xếp hạng cuối cùng. Để được điểm đánh giá cao thì mỗi chiếc xe không thể thấp điểm ở bất kì hạng mục nào.

Kiểm tra hệ thống cân bằng điện tử - Ảnh: Euro NCAP

Tiêu chuẩn mới của năm 2009 đã bổ sung thêm phần kiểm tra mức độ chấn thương cổ. Đồng thời, Euro NCAP cho rằng các hệ thống sau được xem như là trang bị cần phải có ở mỗi chiếc xe, bao gồm hệ thống nhắc nhở đeo dây an toàn, hệ thống giới hạn tốc độ và hệ thống cân bằng điện tử.

Bài kiểm tra khả năng bảo vệ người lớn bao gồm 4 bài kiểm tra nhỏ để xem xét mức độ chấn thương trong 3 trường hợp va chạm từ phía trước, bên hông, va chạm với chướng ngại vật bên hông và 1 bài kiểm tra về chấn thương ở cổ sẽ được kiểm tra riêng trên một chiếc ghế rời.

Trong mỗi bài kiểm tra nhỏ, nhiều người nộm với kích cỡ khác nhau sẽ được thay thế, cũng như việc điều chỉnh liên tục vị trí ngồi nhằm đánh giá khách quan nhất trong các trường hợp va chạm khác nhau. Các cảm biến được gắn trên các bộ phận trên hình nộm như đầu, cổ, ngực, cánh tay, chân… nhằm đo mức độ chấn thương khi tai nạn xảy ra.

Kiểm tra va chạm có trẻ em - Ảnh: Euro NCAP

Ngay từ năm 2003 Euro NCAP đã đưa ra tiêu chí đánh giá khả năng bảo vệ trẻ em trên mỗi chiếc xe. Trẻ em dễ tổn thương hơn người lớn với cùng một lực tác động. Do đó, để có thể vảo vệ tốt trẻ em thì các hãng xe cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng hơn, chẳng hạn như việc bổ sung ghế trẻ em, hoặc là khả năng lắp đặt ghế trẻ em. Euro NCAP đã sử dụng 2 hình nộm tương đương với một đứa trẻ 18 tháng và một đứa trẻ 3 tuổi trong hai tình huống va chạm phía trước và bên hông.

Ngoài ra, Euro NCAP còn đánh giá mức độ rõ ràng trong việc hướng dẫn lắp đặt ghế và thắt dây an toàn cho trẻ nhằm chắc chắn những hành khách bé nhỏ này cũng được bảo vệ kỹ càng trước những chấn động nguy hiểm.

Euro NCAP (European New Car Assessment Programme) là một tổ chức phi lợi nhuận, hoạt động độc lập với mục đích chính là thử nghiệm và đánh giá mức độ an toàn của các loại xe hơi tại thị trường châu Âu.

Ban đầu được thành lập năm 1997 bởi Viện nghiên cứu giao thông của Ban An toàn Giao thông Anh Quốc, nhưng hiện nay Euro NCAP đang mở rộng hoạt động và đánh giá hầu hết các mẫu xe có mặt tại châu Âu.

Tiêu chuẩn đánh giá của Euro NCAP đã thay đổi nhiều từ ngày thành lập đến nay. Tuy nhiên, cơ sở đánh giá hiện nay lại dựa vào các tiêu chí đã được bổ sung hoàn thiện vào năm 2009.

Châu Âu là nơi có mật độ sử dụng xe hơi rất cao. Những thành phố ở châu Âu thường rất chật hẹp nhưng số lượng xe lưu thông lại rất cao, dẫn đến việc va chạm giữa người đi bộ và xe hơi thường xuyên xảy ra. Do đó, Euro NCAP cũng đã đưa ra tiêu chí đánh giá khả năng bảo vệ người đi bộ. Để đánh giá khả năng này của mỗi xe, Euro NCAP do mức độ chấn thương của người nộm ở phần chân dưới đầu gối, phần chân trên đầu gối và phần đầu khi va chạm phía trước xe.

Ngoài ra, các chức năng hỗ trợ an toàn như hệ thống cân bằng điện tử, hệ thống túi khí, hệ thống giới hạn tốc độ… và các chỉ dẫn an toàn trên xe cũng được Euro NCAP đưa vào danh mục đánh giá. Những chức năng này giúp hạn chế tối đa khả năng xảy ra tai nạn và mức độ chấn thương khi tai nạn đã xảy ra.

Và các “nhân vật” chính trong các thử nghiệm va chạm của Euro NCAP là hai người nộm có tên là Hybrid III và ES-2. Hai người nộm Hybrid III và ES-2 được thiết kế mô phỏng y hệt như cấu trúc cơ thể con người với đầy đủ các bộ phận như đầu, cổ, tay, chân, phần thân…

Hybrid III được sử dụng trong bài kiểm tra va chạm ở phía trước, ES-2 được sử dụng trong các bài kiểm tra va chạm ở phía hông. Được thiết kế với khung thép, bề mặt cao su và hàng trăm cảm biến và bộ phận đo đạc ở bên trong, hai người nộm này mang nhiệm vụ rất quan trọng là mô phỏng mức độ và quá trình chấn thương trong lúc va chạm diễn ra. Chi phí sản xuất của mỗi người nộm là hơn 100.000 euro.

Dưới đây là cách thực hiện các bài kiểm tra quan trọng của Euro NCAP:

1. Va chạm phía trước

Ở bài kiểm tra này, chiếc xe sẽ được di chuyển với vận tốc 64km/h và đâm vào một chướng ngại vật có chiều dài là 1m, bề rộng 0,54m. Tuy nhiên, chiếc xe không đâm trực diện vào toàn bộ chướng ngại vật mà chỉ va chạm với 40% chiều rộng của xe. Bề mặt của chướng ngại vật được làm bằng nhôm, không phẳng hoàn toàn mà thiết kế theo hình dạng tổ ong. Bề mặt nhôm này cũng có khả năng biến dạng, méo mó. Thiết kế này mô phỏng sự va chạm của xe vào một chiếc xe khác hoặc một chướng ngại vật có kích thước tương đương.

Sự tương tác của người hành khách hàng ghế trước, đặc biệt là người lái với phần nội thất phía trước của xe là nguyên nhân chính gây ra chấn thương nghiêm trọng hoặc tử vong. Khi va chạm trực diện, phần đầu xe sẽ có xu hướng co giãn lại, làm giảm khoảng cách an toàn của người lái với phần trước xe. Trong khi đó, hành khách lại văng ra phía trước theo quán tính trong một phạm vi nhỏ dù có dây bảo hiểm. Riêng phần tay và chân của người lái còn tương tác nhiều hơn với tay lái, các bàn đạp… Khi tai nạn xảy ra, cơ thể của người lái và hành khách hàng ghế trước sẽ va đập rất mạnh vào phần nội thất ở phía trước. Với thiết kế của hầu hết các dòng xe ngày nay thì điều này là khó tránh khỏi.

Tuy nhiên, Euro NCAP đang khuyến khích các nhà sản xuất hạn chế thiết kế nội thất lấn sâu vào không gian bên trong, cũng như thay đổi vị trí của các bàn đạp sao cho người lái có được khoảng cách an toàn tốt nhất khi tai nạn diễn ra.

2. Va chạm với xe khác ở bên hông

Va chạm với xe khác ở bên hông - Ảnh: Euro NCAP

Ở bài kiểm tra này, một chiếc xe mô phỏng sẽ di chuyển với vận tốc 50km/h và đâm vào phía hông của chiếc xe được thử nghiệm. Va chạm sẽ được thực hiện ở bên phía người lái và có người nộm ở bên trong. Chiếc xe mô phỏng có bề rộng 1,5m, dày 0,5m và bề mặt nhôm cấu trúc tổ ong như bài kiểm tra đầu tiên.

Dù bài kiểm tra này khó đánh giá chính xác mức độ chấn thương trong các trường hợp khác nhau nhưng Euro NCAP cho rằng túi khí hông sẽ bảo vệ tốt hơn hành khác nếu có tai nạn xảy ra. Túi khí hông sẽ giảm bớt lực va chạm của hành khách vào thân xe, hoặc tạo ra một khoảng cách an toàn so với bề mặt xảy ra va chạm.

3. Va chạm với chướng ngại vật ở bên hông

Bài kiểm tra này mô phỏng tai nạn xảy ra khi người lái mất kiểm soát và chiếc xe lao vào các chướng ngại vật bên đường như trụ đèn, gốc cây, biển báo… Chiếc xe sẽ di chuyển theo phương ngang với vận tốc 29 km/h nhờ vào một băng chuyền ở phía dưới. Chiếc xe sẽ va chạm với một trụ kim loại rất cứng, có đường kính là 25,4 cm. Va chạm được thiết kế sao cho trụ cứng đâm vào đúng vị trí của người lái.

Trong bài kiểm tra này, những chiếc xe có trang bị túi khí hông và túi khí bảo vệ đầu thường có điểm cao hơn do bảo vệ hành khách tốt hơn. Lực va chạm vào đầu của người lái sẽ giảm khoảng 20 lần nếu có túi khí bảo vệ phần đầu. Điều đáng lưu ý là những va chạm dạng này thường dễ gây chấn thương ở đầu, dễ dàng dẫn đến tử vong cho dù vận tốc di chuyển chỉ là 29km/h.

4. Va chạm với người đi bộ

Ở bài kiểm tra này, quá trình va chạm được Euro NCAP mô phỏng như một tai nạn thật diễn ra. Khi va chạm xe, phần chân dưới của người đi bộ sẽ tiếp xúc với cản trước, phần chân từ đầu gối trở lên sẽ tiếp xúc với phần đầu của nắp capô, còn đầu của người đi bộ sẽ đập trực tiếp vào nắp capô. Tuy nhiên, vị trí đập đầu sẽ tùy thuộc vào chiều cao của người bị va chạm. Euro NCAP ước tính hai khoảng va chạm tùy theo đó là trẻ em hay người lớn. Các cảm biến gắn ở chân và ở đầu của người nộm sẽ ghi lại mức độ chấn thương khi tai nạn xảy ra.

Euro NCAP cho rằng vị trí va chạm vào phần chân của đi bộ rất quan trọng. Lực va chạm sẽ giám nếu vị trí tiếp xúc càng xa đầu gối. Bề mặt tiếp xúc rộng hơn cũng sẽ giúp chia đều lực tác động ra chứ không tập trung làm tổn thương một nơi trên cơ thể. Do đó, các nhà sản xuất không nên sản xuất phần đầu xe với thiết kế quá cứng hoặc nhọn. Nắp capô càng uốn cong và có khả năng lõm xuống khi va chạm sẽ giảm thiểu mức độ chấn thương đầu của người đi bộ. Euro NCAP cũng đang khuyến khích các hãng xe trang bị hệ thống nắp capô thông minh có thể bật lên khi va chạm với người đi bộ.

Hơn bao giờ hết, độ an toàn trở thành một yếu tố quan trọng trong giá trị của chiếc xe. Việc đưa ra các thông tin cần thiết về độ an toàn của xe hơi là hoàn toàn cần thiết để giúp cho khách hàng có thể lựa chọn.

Để được bán ra thị trường, tất cả các mẫu xe phải đạt được những tiêu chuẩn an toàn quy định của từng quốc gia. Tuy nhiên, những quy định này thường yêu cầu khả năng đáp ứng ở mức tối thiểu. Việc Euro NCAP đánh giá theo xếp hạng 5 sao sẽ dễ dàng xác định chính xác độ an toàn của một chiếc xe, cũng là một phần thưởng dành cho những nhà sản xuất có nhiều thành tựu trong việc ứng dụng các công nghệ bảo vệ con người.

Kết quả đánh giá của Euro NCAP cũng là động lực cho những nhà sản xuất xe hơi nghiên cứu và phát triển những chiếc xe an toàn hơn.

Xem thêm video kiểm tra an toàn của Euro NCAP

Nguồn: Euro NCAP

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới