Thứ sáu, 3/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

EuroCham thúc giục Việt Nam thực hiện cam kết WTO

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

EuroCham thúc giục Việt Nam thực hiện cam kết WTO

Chủ tịch EuroCham ông Alain Cany (trái) đang nói về những vấn đề mà doanh nghiệp thành viên đang đối mặt tại buổi họp ngày 8-4 ở TPHCM - Ảnh: Mộng Bình

(TBKTSG Online) - Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) đã kêu gọi Việt Nam thực hiện đúng lộ trình cam kết gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) để duy trì sức hấp dẫn và tạo lòng tin cho các doanh nghiệp nước ngoài.

Chủ tịch EuroCham ông Alain Cany đã đưa ra lời kêu gọi trên tại buổi họp báo ở TPHCM ngày 8-4 nhân dịp hiệp hội giới thiệu ban điều hành mới. Ông Cany đã bày tỏ quan ngại về những vấn đề liên quan đến các lĩnh vực thương mại và đầu tư tại Việt Nam trong thời gian gần đây.

Theo người đứng đầu hiệp hội doanh nghiệp châu Âu, việc thực hiện cam kết WTO của Việt Nam đang diễn ra chậm hơn lộ trình mong đợi. Ông Cany dẫn chứng rằng Ngân hàng Nhà nước chưa có bất cứ động thái nào trong việc cấp phép cho hai ngân hàng Standard Chartered và HSBC mở ngân hàng 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam mặc dù việc đồng ý về nguyên tắc cho hai ngân hàng này đã được công bố trong chuyến thăm của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đến Vương quốc Anh cách đây hơn một tháng.

Phó chủ tịch của EuroCham ông Jean-Pierre Achouche cho biết cách đây 9 tháng hai ngân hàng lớn của châu Âu này đã nộp đơn xin mở ngân hàng 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam, phù hợp với thời điểm cam kết gia nhập WTO của Việt Nam về lĩnh vực ngân hàng có hiệu lực kể từ ngày 1-4-2007.

Ông Achouche nói: “Chúng tôi muốn Ngân hàng Nhà nước thực hiện việc cấp phép cho hai ngân hàng này bởi vì đây sẽ là một cột mốc quan trọng cho Việt Nam tiếp tục thu hút thêm vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và giúp nâng cao chất lượng dịch vụ ngân hàng tại đây.”

Ông Cany thì cho biết EuroCham cũng đang theo dõi Việt Nam thực hiện cam kết liên quan đến lĩnh vực phân phối. Theo cam kết, các công ty nước ngoài được phép tham gia vào lĩnh vực này bằng hình thức liên doanh với một công ty trong nước từ tháng 1-2008 và tham gia trực tiếp vào thị trường từ 1-2009.

“Dường như Việt Nam đã chậm trễ trong việc thực hiện cam kết này,” ông Cany nói và cho biết thêm các liên doanh trong lĩnh vực phân phối vẫn còn gặp phải nhiều rào cản và và khó khăn trong việc xin cấp phép.

Theo ông Cany, Việt Nam cần phải thực hiện cam kết trong khoảng thời gian hợp lý, và nếu trì hoãn lâu cùng với sự suy giảm của nền kinh tế toàn cầu sẽ khiến đất nước này có thể sẽ không còn hấp dẫn đối với nhiều nhà đầu tư nước ngoài.

Mặc dù EuroCham rất thông cảm sự chậm trễ của Việt Nam vì phải một lúc thực hiện nhiều cam kết nhưng ông Cany vẫn cho rằng sự chậm trễ này có thể sẽ trở thành vấn đề lớn nếu không có bất cứ tiến triển nào diễn ra từ nay cho đến cuối năm 2008. “Bất kỳ sự chậm trễ hay sự ngăn trở nào trong việc thực hiện cam kết WTO sẽ bất lợi cho kinh tế và sự tăng trưởng bền vững của Việt Nam,” ông Cany nói. 

Các thành viên trong ban điều hành của EuroCham cũng hoan nghênh sáng kiến bãi bỏ thông tư bắt buộc các công ty nước ngoài chỉ được phép chọn một nhà phân phối tại Việt Nam, nhưng họ mong muốn việc sửa đổi nội dung của thông tư này được tiến hành nhanh.    

Những vấn đề khác mà EuroCham mong muốn được cải thiện liên quan đến việc chốt mức phí quảng cáo so với tổng thu nhập, chi phí cho các hoạt động quảng bá, thuế thu nhập cá nhân và doanh nghiệp, và đặc biệt là các vụ đình công không phù hợp với các quy định hiện hành xảy ra nhiều tại các nhà máy sản xuất của các công ty nước ngoài.

Ông Cany nhận xét: “Hầu hết các cuộc đình công của các công nhân đều có mục đích đòi tăng lương trong tình hình lạm phát tăng cao và giá cả leo thang tại Việt Nam hiện nay. Chúng tôi chia sẻ những khó khăn của công nhân trước tình hình lạm phát nhưng cũng yêu cầu Chính phủ và chính quyền địa phương phải có những hành động cụ thể để các cuộc đình công diễn ra trong khuôn khổ cho phép.”

Vị chủ tịch EuroCham này cũng đồng tình với nhận xét rằng lạm phát hiện đang là vấn đề hàng đầu tại Việt Nam. Tuy nhiên, ông cũng cho biết hiện nay không phải chỉ Việt Nam phải đối mặt với lạm phát mà đây là vấn đề của toàn thế giới, do vậy sẽ không ảnh hưởng nhiều đến việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) của Việt Nam. Ông hy vọng những biện pháp mà Chính phủ đang áp dụng để kiềm chế lạm phát sẽ có tác dụng trong thời gian sắp tới.

Tuy nhiên, ông Cany cũng chỉ ra rằng lạm phát đang gây ảnh hưởng lớn đến các doanh nghiệp nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam và các nhà xuất khẩu vì chi phí tăng cao sẽ làm cho sản phẩm của họ kém cạnh tranh.

Ông Thomas Grunzke, thành viên ban điều hành EuroCham, kêu gọi các doanh nghiệp phải nâng cao năng lực sản xuất, quản trị doanh nghiệp để duy trì lợi thế cạnh tranh cho các sản phẩm của họ như là một trong các giải pháp đối phó với giá cả của nguyên liệu leo thang trên thị trường thế giới.

Bên cạnh đó, ông Cany cũng đề xuất Chính phủ Việt Nam cho phép các doanh nghiệp nước ngoài và trong nước có thêm quyền lựa chọn dùng đồng tiền chung châu Âu là euro cho các giao dịch và đấu thầu để tránh rủi ro trong lúc giá trị đồng đô la Mỹ tăng giảm thất thường.

Đồng euro đã tăng mạnh về giá trị trong những năm qua, từ mức tăng 18% lúc bắt đầu được lưu hành trên thị trường năm 1999 đến 25% vào năm 2003, và vẫn duy trì được tính ổn định trong các năm qua. Các chuyên gia dự báo đồng euro sẽ chiếm đến 30-40% tổng dự trữ ngoại hối toàn cầu vào năm 2010.   

Trong 10 năm qua, thương mại hai chiều giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam đã tăng gấp bốn lần, đạt khoảng 11 tỉ euro vào năm 2007 và tăng 20% so với năm 2006. Trong đó, các thành viên của EuroCham đang đóng góp tích cực vào việc xây dựng quan hệ thương mại và đầu tư này.

Ông Cany cũng cho biết EuroCham đang chuẩn bị hàng loạt các sự kiện, bao gồm một buổi dạ tiệc và triển lãm về phát triển bền vững nhân dịp kỷ niệm 10 năm tổ chức này hiện diện tại Việt Nam

MỘNG BÌNH

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới