Thứ năm, 19/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Evergrande “xoay trục” sang xe điện để tìm đường sống

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Evergrande, tập đoàn bất động sản nợ nần lớn nhất thế giới của Trung Quốc và đang trong tình trạng vỡ nợ, đã xuất xưởng chiếc xe điện Hengchi 5 SUV đầu tiên trong tuần qua. Giới phân tích nhận định nếu mẫu xe này bán chạy, điều đó sẽ mang lại tia hy vọng cho Evergrande, vốn đang xoay xở để duy trì hoạt động trong những tháng qua sau khi chìm sâu vào cuộc khủng hoảng thanh khoản. Trong kế hoạch tái cấu trúc, Evergrande xem xe điện là mảng kinh doanh cốt lõi trong 10 năm tới.

Chiếc xe điện Hengchi 5 SUV đầu tiên đã xuất xưởng tại nhà máy lắp ráp xe của Công ty Evergrande New Energy Vehicle Group thuộc Tập đoàn Evergrande tại TP. Thiên Tân, Trung Quốc hôm 12-1. Ảnh: Weibo

Sau khi bị trì hoãn trong nhiều tháng, hôm 12-1, chiếc xe điện Hengchi 5 SUV cỡ nhỏ đầu tiên đã xuất xưởng tại nhà máy lắp ráp xe của Công ty Evergrande New Energy Vehicle Group thuộc Tập đoàn Evergrande tại TP. Thiên Tân.

Mẫu xe này có tầm hoạt động 700 km sau mỗi lần sạc đầy pin, có giá bán khởi điểm chưa đến 200.000 nhân dân tệ (31.440 đô la Mỹ), rẻ hơn mức giá 300.000 nhân dân tệ của các mẫu xe  được sản xuất bởi các đối thủ trong nước như NIO, Xpeng Motors và Li Auto. Các thông số khác của Hengchi 5 chưa được công bố cụ thể. Hengchi 5 được kỳ vọng sẽ trở thành sựa lựa chọn thay cho các mẫu xe SUV cỡ nhỏ chạy bằng động cơ đốt trong như Q3 của Audi và X1 của BMW.

Việc giới thiệu Hengchi 5 SUV ra thị trường là một bước đi quan trọng trong nỗ lực xoay chuyển tình hình kinh doanh của tập đoàn phát triển bất động sản mắc nợ nhiều nhất thế giới.

Evergrande đang có tổng cộng hơn 300 tỉ đô la nợ phải trả bao gồm trái phiếu trong nước và quốc tế, các khoản vay từ ngân hàng, các khoản thanh toán từ khách mua nhà cho những ngôi nhà chưa hoàn thiện và các khoản phải trả cho các nhà cung cấp. Tập đoàn này đã bị các công ty xếp hạng tín dụng quốc tế đánh giá là đã vỡ nợ sau khi lỡ hạn thanh toán lãi đối với các trái phiếu đô la. Ở thời điểm cao trào của cuộc khủng hoảng nợ, có những thông tin trên truyền thông cho biết Evergrande đang cân nhắc bán mảng xe điện để huy động tiền nhanh chóng.

Eric Han, quản lý cấp cao của Công ty tư vấn kinh doanh Suolei, có trụ sở tại Thượng Hải, nhận định: “Nếu những chiếc xe Hengchi 5 bán chạy, đó sẽ là tia hy vọng cho Evergrande sau nhiều tháng nỗ lực duy trì hoạt động kinh doanh. Đó là một bước đi quan trọng của Evergrande để vượt qua cuộc khủng hoảng thanh khoản”.

Việc xuất xưởng Hengchi 5 SUV đánh dấu hơn một năm chờ đợi trong lo lắng của các cổ đông Evergrande, những người đã chi 30 tỉ đô la Hồng Kông (3,85 tỉ đô la Mỹ) để mua cổ phần phát hành riêng lẻ của Evergrande New Energy Vehicle Group, giúp tỉ phú Hứa Gia Ấn, người sáng lập Evergrande Group, thực hiện tham vọng “đánh bại Tesla” ở thị trường xe điện lớn nhất thế giới.

Ông Hứa đang đặt cược vào xe điện, vốn đã được xem là một phần quan trọng trong chương trình Made in China 2025 và cam kết trung hòa carbon vào năm 2060 của Trung Quốc, để đa dạng hóa kinh doanh, giảm sự phụ thuộc vào mảng chủ lực bất động sản.

Để đạt mục tiêu đó, Evergrande phải tiêu tốn rất nhiều tiền. Hồi giữa năm 2021, Evergrande New Energy Vehicle  Group đã dừng một số hoạt động sau khi mất khả năng thanh toán cho các nhà cung cấp. Công ty này đã xoay xở tìm nguồn vốn mới để nối lại hoạt động và phát hành quyền chọn mua cổ phiếu để giữ chân các kỹ sư và các nhân viên khác.

Evergrande công bố 6 mẫu xe điện thương hiệu Hengchi hồi tháng 8-2020, sau đó, ra mắt thêm 3 mẫu nữa vào tháng 2-2021. Evergrande đặt mục tiêu lắp ráp 0,5 triệu đến 1 triệu xe điện mỗi năm tại 3 nhà máy đặt ở Thượng Hải, Thiên Tân và Quảng Châu. Hiện tại, công ty có thể chỉ tập trung vào mẫu xe Hengchi 5 và Hengchi 6 do hạn chế về kinh phí.

Thị trường Trung Quốc có có tới 200 nhà sản xuất ô tô đang tìm cách khai làn sóng chuyển đổi sang xe điện ngày càng mạnh mẽ. Năm 2021, doanh số bán xe năng lượng mới (NEV) của Trung Quốc là 2,99 triệu, bao gồm xe chạy thuần điện, xe điện lai và xe chạy bằng pin nhiên liệu, tăng 169% so với năm trước đó.

Tỷ lệ thâm nhập của NEV ở Trung Quốc đạt 14,8% và các nhà phân tích dự kiến trong năm nay, tỷ lệ này có thể đạt mức cao nhất 20%, tức sớm hơn 3 năm so với kế hoạch ban đầu.

Evergrande có tham vọng rất lớn với mảng kinh doanh xe điện. Tại một cuộc họp nội bộ hồi tháng 10 năm ngoái, ông Hứa Gia Ấn nói sẽ xe đưa xe điện trở thành mảng kinh doanh cốt lõi của Evergrande Group trong vòng 10 năm tới.

Tháng 10-2020, tập đoàn này tuyên bố sẽ “trở thành tập đoàn ô tô năng lượng mới quyền lực nhất và lớn nhất thế giới” trong vòng 3-5 năm tới. Vào cuối năm đó, Evergrande cho biết sẽ giao 1 triệu xe năng lượng mỗi năm vào năm 2025 và con số này sẽ là 5 triệu xe vào năm 2035.

Tesla, nhà sản xuất ô tô giá trị nhất thế giới, với mức vốn hóa hơn 1.000 tỉ đô la, giao khoảng 936.000 xe trong năm 2021.

Song, tham vọng xe điện của Evergrande sẽ đối mặt với nhiều thách thức. Trước hết, các công ty Trung Quốc tham gia vào lĩnh vực xe điện đều có nền tảng trong lĩnh vực ô tô hoặc các ngành công nghiệp liền kề nhưng Evergrande là một ngoại lệ. Trước khi lấn sang lĩnh vực xe điện, mảng kinh doanh cốt lõi của tập đoàn này là bất động sản với doanh thu lớn thứ hai Trung Quốc. Bên cạnh đó, Evergrande cũng tham gia nhiều mảng kinh doanh khác như du lịch, thể thao, giải trí, chăm sóc sức khỏe, hoàn toàn không dính dáng đến công nghệ.

Thứ hai, Trung Quốc là thị trường xe điện lớn nhất thế giới và dòng xe điện Hengchi của Evergrande đang bước vào một đấu trường rất cạnh tranh, nơi các hãng xe điện nước ngoài như Tesla đang đối đầu khốc liệt với một loạt các thương hiệu hàng đầu trong nước như BYD, Nio, Xpeng và Li Auto, vốn cũng đã thiết lập được chỗ đứng nhất định trong lòng khách hàng.

Theo SCMP, Business Insider

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới