Thứ Năm, 28/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

EVFTA còn nhiều lợi ích chưa thể đo đếm

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

EVFTA còn nhiều lợi ích chưa thể đo đếm

PGS.TS. Lương Tuấn Anh (*)

(TBKTSG) – Giữa lúc các quốc gia đang ra sức chống chọi với đại dịch Covid-19, có một thông tin đáng chú ý, đó là Việt Nam và Liên minh châu Âu đã phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – châu Âu (gọi tắt là EVFTA). Tại sao đây lại là một thông tin đáng chú ý? Điều đáng chú ý là lợi ích to lớn mà hiệp định này mang lại.

EVFTA còn nhiều lợi ích chưa thể đo đếm

Đã có những phân tích về các tác động mà hiệp định này sẽ đem lại đối với trao đổi song phương cũng như GDP của hai bên. Tuy nhiên theo tôi, lợi ích của EVFTA còn lớn hơn nhiều và có thể vẫn chưa được đo đếm một cách chính xác.

Thứ nhất, các quốc gia sau khi kiểm soát được dịch bệnh, dự kiến là vào năm sau khi đã có vaccine hoặc một loại thuốc hữu hiệu để chữa bệnh, sẽ phải tìm cách vực dậy nền kinh tế của mình vốn đã chịu nhiều tổn thất vì các biện pháp phong tỏa. Ngoài ra, các nước cũng đã tung ra các gói hỗ trợ cho cá nhân và công ty trong đại dịch. Điều này sẽ dẫn đến nợ công tăng cao. Đơn cử như Vương quốc Anh, chỉ mới giữa năm 2020 nhưng tỷ lệ nợ công lần đầu tiên từ năm 1963 đã cao hơn tổng sản phẩm quốc dân (GDP). Muốn hoàn trả nợ và vực dậy nền kinh tế thì chính phủ các nước phải tìm đầu ra cho các mặt hàng của mình. Trong bối cảnh các nước đang cố gắng bảo vệ nền sản xuất của mình, dẫn đến chủ nghĩa bảo hộ sẽ gia tăng, EVFTA đến rất đúng thời điểm. Nó sẽ mở ra cơ hội xuất khẩu cho cả hai bên, giúp các nhà sản xuất có thể tìm cơ hội. Đây được gọi là lợi ích trực tiếp, hay còn gọi là trade creation (lợi ích tạo cơ hội của thương mại).

Thứ hai, thương mại còn có tác động gián tiếp hay còn gọi là trade diversion. Khi hai nước, tạm gọi là A và B, ký thỏa thuận thương mại, nguồn hàng vốn dĩ đang trao đổi từ A sang nước thứ ba, tạm gọi là C, sẽ chảy sang B. Cũng tương tự, các mặt hàng mà B đang mua của C cũng sẽ được thay thế bởi các nhà sản xuất từ A. Điều này có nghĩa là cả Việt Nam và Liên minh châu Âu sẽ hưởng lợi gián tiếp từ thỏa thuận EVFTA, đặc biệt khi mà công nghệ đang làm thế giới xích lại gần nhau và khoảng cách duy nhất các nước có thể tạo ra chính là chính sách thương mại của mình.

Tuy nhiên, các tác động vẫn chưa ngừng tại đây. Các bên thứ ba sẽ không đứng yên. Cụ thể như mối quan hệ giữa Anh và châu Âu sẽ bị gián đoạn vào năm sau vì hệ quả của Brexit. Chính phủ Anh đã tuyên bố sẽ không gia hạn quá trình chuyển đổi, sẽ kết thúc vào tháng 12 năm nay. Các cuộc đàm phán cũng chưa có dấu hiệu khả quan, một phần vì đòi hỏi của hai bên, một phần vì tác động của đại dịch.

Kết quả là Anh phải tìm đầu ra cho hàng hóa của mình. Cụ thể, họ đang đàm phán với các nước như Mỹ, Úc, New Zealand và Nhật Bản. Và một điều đáng chú ý là Anh đang xem xét tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), mặc dù là một quốc gia không liên quan đến vùng biển Thái Bình Dương. Việc tham gia vào CPTPP sẽ giúp họ đạt được ba mục đích.

Thứ nhất là tăng cơ hội tiếp cận các thị trường mới, như đã bàn ở trên. Thứ hai, các nước đang đàm phán với Anh như Úc, Nhật Bản cũng nằm trong CPTPP. Việc gia nhập CPTPP giúp họ có thể cùng lúc đạt được thỏa thuận với các nước này. Và điều thứ ba quan trọng hơn, là Việt Nam cũng nằm trong CPTPP. Với thỏa thuận EVFTA, Việt Nam sẽ là cánh cửa tuyệt vời đưa hàng hóa của Anh đến với châu Âu mà không cần thỏa thuận Brexit. Đây cũng sẽ là một quân bài mà nước Anh có thể sử dụng khi đàm phán với châu Âu, bởi vì họ có thể gián tiếp tiếp cận thị trường châu Âu qua Việt Nam.

Phân tích ở trên cho thấy ngoài các tác động thương mại trực tiếp và gián tiếp, EVFTA có thể nâng cao vị thế của Việt Nam. Các nước thứ ba sẽ muốn làm ăn và thỏa thuận với Việt Nam, như là một con đường gián tiếp đến thị trường vốn dĩ rất khó tính và nhiều luật lệ như châu Âu. Một cơ hội quan trọng như vậy, nếu bỏ lỡ thì thật là đáng tiếc.

(*) Đại học De Montfort (Vương quốc Anh), thành viên Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới