Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

EVFTA – hiệp định thì đặc biệt, còn ta cứ bình thường

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

EVFTA – hiệp định thì đặc biệt, còn ta cứ bình thường

Trang Nguyễn (*)

(TBKTSG) – Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và châu Âu (EVFTA) vừa được Quốc hội thông qua, sẽ có hiệu lực từ ngày 1-8-2020 tới. EVFTA là một hiệp định đặc biệt, không chỉ bởi nó mang theo kỳ vọng lớn về lợi ích, mà còn bởi nó hiện hữu vào một thời điểm đặc biệt. Và như thế, chúng ta cũng cần có một tâm thế đặc biệt để hiện thực hóa hiệp định đặc biệt này.

EVFTA có hiệu lực từ 1-8, cơ hội và thách thức từ thị trường 18.000 tỉ đô la

Một hiệp định không hiếm, lạ

EVFTA là hiệp định thương mại tự do (FTA) thứ 13 có hiệu lực của Việt Nam. Dù các chuyên gia kinh dịch hay ngũ hành có thích con số 13 đến thế nào, điều này cũng không làm EVFTA trở nên đặc biệt.

EVFTA với đối tác Liên minh châu Âu (EU) có khoảng 450 triệu dân cũng không tạo ra khác biệt cho hiệp định này về quy mô thị trường. Chúng ta đã có FTA với những đối tác có thị trường “khủng” hơn nhiều, như Trung Quốc (trong ACFTA) hay Ấn Độ (trong AKFTA). EU cũng không phải đối tác FTA phát triển nhất, bởi Việt Nam cũng đã từng có Nhật Bản, Canada… ở vị trí tương tự.

Những cam kết toàn diện trong nhiều lĩnh vực thương mại truyền thống (như hàng hóa, dịch vụ…), thương mại mới (như mua sắm công, doanh nghiệp nhà nước…) hay phi thương mại (như lao động, môi trường, phát triển bền vững…) cũng không phải điểm đặc biệt riêng có của EVFTA. Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mà Việt Nam đang thực hiện từ một năm rưỡi nay cũng có phạm vi tương tự.

Nhưng đặc biệt

EVFTA vẫn là một hiệp định rất đặc biệt. Có nhiều lý do, dưới đây là ba điểm chủ yếu.

Tưởng đâu EVFTA đặc biệt như thế, chúng ta sẽ có một “bản hướng dẫn sử dụng EVFTA” đặc biệt, tương ứng và xứng tầm. Thực tế thì, ngoại trừ một vài điều chỉnh nhỏ, ví dụ bỏ bớt vài văn bản đã sửa theo CPTPP, đây có lẽ là bản sao của kế hoạch thực thi CPTPP năm ngoái – một FTA rất khác (về đối tác), cho một bối cảnh hoàn toàn khác. Chưa nói tới việc kết quả thực hiện Kế hoạch CPTPP, cho tới giờ, không thể đánh giá là rất tốt.

Thứ nhất, EVFTA hứa hẹn nhiều lợi ích kinh tế nhất với Việt Nam. Xin lấy xuất khẩu làm ví dụ trực quan.

EU là đối tác FTA dành cho Việt Nam cam kết ưu đãi thuế quan ở mức độ cao nhất từ trước tới nay. EU hứa sẽ cho 85% dòng thuế hàng hóa từ Việt Nam hưởng mức thuế 0% ngay tháng 8 này, và loại bỏ thuế với gần như tất cả hàng hóa chỉ sau bảy năm. Hơn nữa, chúng ta lại có cơ sở để hy vọng tỷ lệ tận dụng ưu đãi thuế quan EVFTA sẽ không thấp. Bởi không ít doanh nghiệp Việt Nam nhiều năm qua đã có thể thỏa mãn yêu cầu để hưởng lợi từ GSP, một hệ thống ưu đãi thuế quan đơn phương của EU, với các quy tắc xuất xứ mặc dù không hoàn toàn giống nhưng có khá nhiều điểm tương đồng với EVFTA.

EU cũng là đối tác mở cửa rộng nhất thị trường mua sắm công của họ cho các nhà thầu cung ứng hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam. Các thống kê đều cho thấy, các đơn vị dùng tiền ngân sách của EU hay các nước thành viên EU là nhóm khách hàng cực kỳ lớn, chiếm tới 20-30% thị phần nhiều loại hàng hóa, trong đó có những hàng hóa thế mạnh của Việt Nam như dệt may, đồ gỗ, thực phẩm…

Với một nền kinh tế định hướng xuất khẩu như Việt Nam, chừng ấy hứa hẹn, từ một thị trường có sức mua lớn thứ nhì toàn cầu, có cơ cấu sản phẩm bổ sung với Việt Nam và chiếm xấp xỉ 20% kim ngạch của chúng ta, thực sự là quá lý tưởng.

Thứ hai, EVFTA đặc biệt ở quan hệ chi phí – hiệu quả trong thực thi.

EVFTA là FTA thế hệ mới điển hình, với nhiều đòi hỏi về cải cách thể chế và quy tắc nội địa. Dù vậy, đa phần các cam kết này đã hoặc sẽ được thỏa mãn thông qua việc thực hiện các cam kết tương tự trong CPTPP.

Ngay cả những cam kết riêng của EVFTA, như thuế quan hay quy tắc xuất xứ, thì những kinh nghiệm đã có khi xây dựng cơ chế thực thi CPTPP năm trước hầu như có thể sử dụng được cho EVFTA bây giờ. 

Điều này có nghĩa là chúng ta đang một công đôi việc. Và nhiều “công” trong số đó đã bỏ ra rồi, giờ chỉ bồi đắp điều chỉnh thêm chút ít. Bằng cách thức ấy, một mặt chúng ta có thể tiết kiệm được kha khá những nguồn lực vốn phải bỏ vào cho thực thi EVFTA từ góc độ chính sách, pháp luật, để tập trung vào các việc khác hiệu quả hơn cho hiệp định này. Mặt khác, chúng ta cũng có thể từ những gì đã có để làm nhanh hơn, chuẩn mực hơn với EVFTA.

Thứ ba, EVFTA đặc biệt ở bối cảnh kinh tế Việt Nam, EU và thế giới vào thời điểm nó được kích hoạt.

Không có nghi ngờ gì về việc nền kinh tế thế giới, các chuỗi sản xuất toàn cầu, cung và cầu sẽ phục hồi “một cách thay đổi” sau cơn đại chấn Covid-19. Tháng 8 năm nay, khi những cam kết của EVFTA chính thức có hiệu lực, cũng là lúc nền kinh tế EU nói riêng và kinh tế thế giới nói chung sẽ bước vào một trạng thái “bình thường mới” sau dịch Covid-19.

Khi ấy, sức mua của thị trường EU chắc chắn sẽ còn suy yếu một thời gian dài, nhu cầu với những sản phẩm tiêu dùng không thiết yếu (như thời trang, đồ gỗ…) càng hạn chế hơn. Trong khi đó, nguồn cung lại rất dồi dào, đặc biệt khi các đối thủ cạnh tranh với Việt Nam như Trung Quốc, Asean hầu như đã trở lại sản xuất, cộng với một lượng hàng hóa ứ đọng từ nhiều tháng trước. Trăm người bán vài người mua như thế, một chút lợi thế cũng là có ý nghĩa. Huống chi EVFTA lại còn là lợi thế rất lớn, ít nhất về thuế quan. Vì vậy, đây rõ ràng sẽ là chiếc chìa khóa đặc biệt để hàng hóa của chúng ta có thể đi nhanh hơn đối thủ ít nhiều trong công cuộc cạnh tranh khó khăn này.

Còn nữa, ngay trong lúc dịch Covid-19 còn chưa lắng dịu, dáng dấp của một cuộc đại di chuyển sản xuất của các nhà đầu tư quốc tế để tránh phụ thuộc quá lớn vào thị trường Trung Quốc đã bắt đầu rõ nét. Trong cuộc chạy đua rùng rùng để “thu hút đại bàng”, EVFTA sẽ là lá bài riêng có của Việt Nam. Chắc chắn sẽ có những nhà đầu tư bị thu hút bởi tấm giấy thông hành kết nối với EU, và một sự bảo đảm về môi trường đầu tư được bảo hộ, vận hành theo chuẩn mực quốc tế từ EVFTA, trong cộng hưởng với CPTPP và nhiều FTA khác của Việt Nam.

Thậm chí, nếu nhìn xa hơn và mơ mộng hơn, với trợ lực từ các lợi thế EVFTA, doanh nghiệp và Nhà nước có thể trong lúc khó khăn sau dịch Covid-19 vẫn dư chút đầu tư nào đó để nghiên cứu các xu hướng mới của thế giới sau đại dịch, để xây dựng chiến lược sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế. Và đây sẽ là nhân tố cực kỳ quan trọng để chuẩn bị cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp và cả nền kinh tế cho một tương lai thay đổi, của một thế giới chắc chắn không còn như trước.

Tất nhiên, EVFTA không phải cây đũa thần. Thời buổi này làm gì có đũa thần. Nhưng EVFTA là cây đũa tốt, mà rất nhiều người tay không mong chẳng có.

Và ta vẫn bình thường

Đầu tuần này, khi Quốc hội phê chuẩn EVFTA, bản Dự thảo Kế hoạch hành động thực thi EVFTA cũng được đưa ra.

Vừa nhìn, thì thấy rất vui mừng. Chúng ta dường như đã chuẩn bị tay nải sớm hơn nhiều (so với CPTPP trước đây) để bước vào cuộc chơi đặc biệt này. Một hành trang trông đầy đặn và tươm tất.

Đọc kỹ, lại thấy buồn buồn. Tưởng đâu EVFTA đặc biệt như thế, chúng ta sẽ có một “bản hướng dẫn sử dụng EVFTA” đặc biệt, tương ứng và xứng tầm. Thực tế thì, ngoại trừ một vài điều chỉnh nhỏ, ví dụ bỏ bớt vài văn bản đã sửa theo CPTPP, đây có lẽ là bản sao của kế hoạch thực thi CPTPP năm ngoái – một FTA rất khác (về đối tác), cho một bối cảnh hoàn toàn khác. Chưa nói tới việc kết quả thực hiện kế hoạch thực thi CPTPP, cho tới giờ, không thể đánh giá là rất tốt.

Tất nhiên, một bản kế hoạch có là gì đâu. Hành động thực tế của Nhà nước và doanh nghiệp để tận dụng những cơ hội có một không hai từ EVFTA mới là quan trọng. Nhưng nếu không bắt đầu từ một tâm thế đặc biệt, một sự chuẩn bị kỹ càng từ trong suy nghĩ, sẽ thật khó để có hành động đúng, càng khó để đạt được kỳ vọng.

Cũng may, lúc này, mọi thứ vẫn đều có thể thay đổi, nếu chúng ta thực sự thay đổi.

(*) Trung tâm WTO và Hội nhập – VCCI

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới