Thứ bảy, 11/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

EVFTA sau một năm thực hiện: cần tiếp tục thay đổi để phát huy lợi thế

TS. Nguyễn Đức Thành (*)

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Hiệp định Thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) được ký kết trên tinh thần hợp tác toàn diện, cân bằng lợi ích giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU). Đây là một trong những FTA thế hệ mới được kỳ vọng mang lại lợi ích chiến lược cho Việt Nam thông qua sự phát triển quan hệ thương mại - đầu tư với một trong những đối tác lớn nhất và quan trọng nhất của Việt Nam.

Giá sắt nguyên liệu tăng, dẫn tới giá thép thành phẩm tăng gần gấp đôi trong năm 2021, đã khiến cho kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này tăng đột biến, góp phần bù đắp kim ngạch suy giảm do dịch Covid-19.

EVFTA giúp đa dạng hóa thị trường xuất khẩu ngay trong lòng EU

Ngay sau khi EVFTA có hiệu lực vào ngày 1-8-2020, Chính phủ Việt Nam cùng các bộ, ngành liên quan đã ban hành một loạt văn bản hướng dẫn và kế hoạch thực hiện EVFTA. Sau một năm hiệp định có hiệu lực, đã có 19 bộ, ngành và 57 tỉnh, thành phố trên cả nước ban hành kế hoạch thực hiện EVFTA. Mặc dù hệ thống pháp luật Việt Nam đã có những điều chỉnh quan trọng ngay từ trước khi hiệp định được ký kết, nhằm đáp ứng những yêu cầu của EVFTA, cho đến nay vẫn còn một số bất cập liên quan đến các luật chuyên ngành và vấn đề thực thi pháp luật.

Trong đó, đáng lưu ý nhất là những vấn đề liên quan đến sở hữu trí tuệ và tiêu chuẩn môi trường do còn tồn tại nhiều khác biệt trong các quy định cũng như cách hiểu giữa hai bên. Ngoài ra, liên quan đến vấn đề về quyền lao động, phía EU cho rằng Việt Nam cần đảm bảo quyền tự do liên kết (theo Công ước số 87) và quyền thương lượng tập thể (theo Công ước số 98) của người lao động.

Nhìn lại những gì Việt Nam đã thực hiện từ trước và sau một năm ký kết EVFTA, có thể nhận định là Việt Nam đang đi theo chiến lược “dễ làm trước, khó làm sau”. Vì thế, có thể dự báo trong thời gian tiếp theo, tốc độ thay đổi (cải cách) luật pháp ở Việt Nam sẽ chậm dần so với yêu cầu của EVFTA.

Việc đánh giá tác động sau một năm thực hiện EVFTA lên nền kinh tế và hiệu quả thương mại của Việt Nam gặp trở ngại lớn do giai đoạn này trùng với sự bùng phát của đại dịch Covid-19, gây ra nhiều hậu quả tiêu cực.

Nhìn tổng thể, trong năm đầu tiên, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU chỉ tăng 6,2% so với cùng kỳ năm trước, đạt 39,75 tỉ đô la Mỹ. Đặc biệt, kim ngạch các mặt hàng xuất khẩu chủ lực truyền thống của Việt Nam sang thị trường EU (từ trước khi khi EVFTA có hiệu lực) như điện thoại và linh kiện, hàng dệt may đều giảm, cho thấy hậu quả nặng nề của Covid-19 (hình 1, xem thêm hình 2).

Tuy nhiên, việc tổng kim ngạch vẫn tăng, chứng tỏ đã xuất hiện hiệu ứng đa dạng hóa sản phẩm xuất khẩu nhờ vào hiệp định. Một số ngành được miễn gần như toàn bộ thuế suất nhập khẩu vào thị trường EU có mức tăng trưởng mạnh như các mặt hàng sắt và thép; các sản phẩm từ nhựa hoặc cao su. Riêng đối với mặt hàng sắt, thép, ngoài việc hưởng lợi từ việc giảm thuế suất, với đặc thù giá sắt nguyên liệu tăng, dẫn tới giá thép thành phẩm tăng gần gấp đôi trong năm 2021, đã khiến cho kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này tăng đột biến, góp phần bù đắp kim ngạch suy giảm do dịch Covid-19.

Sự dịch chuyển của thị trường nhập khẩu

Có một hiện tượng đáng lưu ý sau một năm ký EVFTA diễn ra trên thị trường nhập khẩu. Tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam từ thị trường các nước EU đạt 16,51 tỉ đô la Mỹ, tăng hơn 24% so với một năm trước khi EVFTA có hiệu lực. Tăng trưởng đột biến diễn ra trong lĩnh vực máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện. Các lĩnh vực khác không có thay đổi đột biến, ngoại trừ nhập khẩu dược phẩm tăng và máy móc thiết bị giảm (phù hợp với bối cảnh đại dịch).

Tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU chỉ tăng 6,2% so với cùng kỳ năm trước, cho thấy hậu quả nặng nề của Covid-19.

Nhìn chung, tăng trưởng nhập khẩu nhanh hơn xuất khẩu cho thấy dấu hiệu của sự thay đổi trong mô thức thương mại giữa Việt Nam và EU theo hướng giảm thặng dư thương mại. Thặng dư thương mại giảm không có nghĩa rằng Việt Nam đang gặp bất lợi trong quan hệ thương mại với EU. Với việc tăng cường nhập khẩu từ EU, với giả định nhu cầu trong nước chưa thay đổi quá nhiều trong thời gian ngắn, thì đây là bằng chứng cho thấy có sự chuyển hướng nhập khẩu khỏi các thị trường khác.

Điều đó hàm ý rằng trước đây doanh nghiệp và người tiêu dùng phải nhập khẩu từ những thị trường có giá rẻ hơn (và do đó là chất lượng thấp hơn), nhờ việc giảm thuế nhập khẩu từ thị trường EU, đã chuyển sang nhập nhiều hàng hóa từ EU với chất lượng cao hơn với mức giá cạnh tranh do được giảm thuế. Như vậy, người tiêu dùng trong nước có thể được hưởng lợi từ việc này. EU có thế mạnh vượt trội về dược phẩm, máy móc, thiết bị và đặc biệt là công nghệ, đều là những mặt hàng Việt Nam cần cho phát triển.

Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên trong ngắn hạn chưa thể khẳng định được việc giảm thặng dư thương mại có phải là xu thế thực tế hay không, và cần phải có thêm thời gian để nhận định về hiện tượng này, cùng những tác động gián tiếp của nó.

Không phải Đức hay Pháp, mà Ireland là nước mà Việt Nam nhập khẩu hàng hóa nhiều nhất từ EU, vì đóng vai trò như một “đặc khu kinh tế” của châu Âu, một “thiên đường kinh doanh” với thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp bình quân chỉ có 12,5%.

Một điểm cần lưu ý tiếp theo, là không như nhiều người thường nghĩ, Đức hoặc Pháp sẽ là những bạn hàng xuất khẩu sang Việt Nam nhiều nhất, mà Ireland mới thực sự là nước mà Việt Nam nhập khẩu hàng hóa nhiều nhất từ EU (hình 3). Điều này diễn ra cả trước và sau khi EVFTA có hiệu lực. Trong số 4,46 tỉ đô la Mỹ hàng hóa Việt Nam nhập từ Ireland sau một năm ký EVFTA (từ ngày 1-8-2020 đến ngày 1-8-2021) thì 95,7% là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (tương đương với 4,27 tỉ đô la Mỹ).

Vì sao lại như vậy? Câu trả lời của chúng tôi là Ireland đóng vai trò như một “đặc khu kinh tế” của châu Âu, một “thiên đường kinh doanh” với thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp bình quân chỉ có 12,5%. Kết quả là, Ireland là nơi đặt trụ sở của hơn 1.000 tập đoàn đa quốc gia hoạt động trong các lĩnh vực như dược phẩm, hóa chất, phần cứng và phần mềm máy tính. Một số các tập đoàn này có chi nhánh cũng như nhà máy tại Việt Nam.

Điều này hàm ý rằng thương mại nội ngành theo chuỗi giá trị trong nội bộ các tập đoàn xuyên quốc gia đóng vai trò chính yếu. Đây cũng là một trong ba định hướng chiến lược về chính sách thương mại của EU trong giai đoạn 2021-2030 nhằm hướng tới quyền tự chủ và chiến lược mở. Với việc EVFTA được ký kết, hoạt động thương mại hàng hóa giữa Việt Nam với châu Âu nói chung và Ireland nói riêng được kỳ vọng sẽ trở nên đa dạng và thuận tiện hơn so với trước đây, nhưng cũng cần hiểu rằng mô thức thương mại bị định hình bởi các chuỗi giá trị toàn cầu do các tập đoàn xuyên quốc gia kiểm soát. Điều này có ý nghĩa quan trọng để hiểu được thuận lợi cũng như rủi ro của mối quan hệ thương mại trong EVFTA (cũng như thương mại toàn cầu nói chung).

Xét trên khía cạnh đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tính lũy kế đến hết tháng 9-2021, các nước EU đầu tư vào Việt Nam tổng cộng 2.249 dự án (chiếm 6,59% tổng số dự án FDI) với tổng số vốn đăng ký đạt 22,27 tỉ đô la Mỹ (chiếm 5,52%). Trong một năm sau khi ký EVFTA, dưới tác động của dịch Covid-19, việc di chuyển qua lại giữa hai bên bị gián đoạn đã khiến cho việc đầu tư bị tổn thất nặng.

Trong đó, tổng số dự án cấp mới của các quốc gia thuộc EU chỉ đạt 151 dự án kể từ khi EVFTA có hiệu lực, giảm 21,35% so với cùng kỳ năm trước. Vốn đăng ký mới đạt 423 triệu đô la Mỹ, giảm 12,7% so với cùng kỳ năm trước. Với dòng vốn góp mua cổ phần, số lượt góp vốn đạt 316 lượt với tổng giá trị góp vốn là 428 triệu đô la Mỹ, giảm đến 45,8% đối với số lượt góp vốn và giảm 31,5% đối với giá trị góp vốn. Tổng vốn đăng ký FDI từ các nước EU đạt hơn 1 tỉ đô la Mỹ trong giai đoạn tháng 8-2020 đến 8-2021, giảm hơn 38,2% so với cùng kỳ năm trước.

Covid-19 có tác động tiêu cực rất lớn, nhưng không vì thế mà bỏ qua các vấn đề nội tại của nền kinh tế

Năm đầu tiên thực hiện EVFTA lại là năm Việt Nam, EU và cả thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề của Covid-19, do đó, kết quả thương mại tổng thể do EVFTA mang lại có thể bị che khuất bởi hậu quả bởi đại dịch.

Việt Nam cần hiểu rõ sự hạn chế của chiến lược “hái quả dưới thấp”. Nếu chỉ dừng lại ở những cải cách đơn giản, mà né tránh hoặc trì hoãn những cải cách mạnh mẽ - và khó khăn hơn - thì những lợi thế hiện có của Việt Nam như một trong những thành viên đầu tiên của ASEAN (chỉ sau Singapore) ký FTA với EU, sẽ phai nhạt nhanh chóng.

Để bóc tách hai loại ảnh hưởng này, chúng tôi đã xây dung một mô hình toán mô phỏng để thử ước lượng tác động riêng phần của EVFTA trong năm đầu tiên. Kết quả cho thấy, với giả định không tồn tại đại dịch Covid-19, và các điều kiện khác không thay đổi, kể cả việc chưa tồn tại EVFTA, thì kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam trong một năm qua đã có thể đạt 45,46 tỉ đô la Mỹ (so với con số 39,7 tỉ đô la Mỹ trên thực tế). Khi có thêm các chính sách miễn giảm thuế quan theo EVFTA, thì trị giá xuất khẩu hàng hóa có thể lên tới 51,04 tỉ đô la Mỹ, tăng 12,27% so với trường hợp chưa ký EVFTA và không có Covid-19.

Trong khi đó, con số thực tế sau năm đầu tiên thực hiện EVFTA, kim ngạch xuất khẩu chỉ là 39,7 tỉ đô la Mỹ, cho thấy hậu quả to lớn của đại dịch. Nói cách khác, nếu không có Covid-19, có thể chúng ta đã chứng kiện sự bùng nổ xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU trong năm đầu tiên thực hiện hiệp định. Hy vọng rằng tiềm năng to lớn này sẽ được thực hiện sau khi đại dịch Covid-19 đã được đẩy lui.

Tuy nhiên, cần phải thừa nhận một thực tế là, bên cạnh những thuận lợi to lớn do EVFTA hứa hẹn mang lại, Việt Nam đồng thời đã và đang phải đối mặt với nhiều thách thức đến từ bên trong cũng như bên ngoài. Điều đáng lo ngại đầu tiên là chi phí thương mại của Việt Nam cao hơn so với các nước trong khu vực ASEAN. Các biện pháp phi thuế quan và thủ tục hành chính vẫn còn phức tạp và gây cản trở cho các nhà đầu tư nước ngoài cũng như thương mại quốc tế. Tiếp đó, nhóm mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang EU là nông sản và thủy - hải sản đang gặp nhiều rủi ro do thường vi phạm các quy định SPS (Biện pháp vệ sinh và kiểm dịch động-thực vật) từ đối tác.

Ngoài ra, lợi thế về cắt giảm thuế quan chỉ có ý nghĩa khi hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam có giá trị gia tăng cao (quy định về nguồn gốc xuất xứ). Thực tế hiện nay cho thấy Việt Nam vẫn đang phụ thuộc chủ yếu vào nguyên phụ liệu cho sản xuất từ các nước ngoài EU.

Hình 4 thể hiện các ngành sản xuất chủ lực của Việt Nam sử dụng giá trị gia tăng từ nước ngoài cao hơn giá trị gia tăng được tạo ra trực tiếp trong nước, đặc biệt khoảng chênh lệch này càng lớn đối với những ngành sản xuất yêu cầu các yếu tố về công nghệ - kỹ thuật như hàng điện tử (62% giá trị gia tăng được tạo ra từ nước ngoài so với 29% giá trị gia tăng được tạo ra trực tiếp trong nước) và ngành sản xuất ô tô (53% giá trị gia tăng từ nước ngoài so với 31% giá trị gia tăng được tạo ra trực tiếp trong nước).

Với các quy định nghiêm ngặt về nguồn gốc xuất xứ trong Hiệp định EVFTA, các doanh nghiệp đang hoạt động và sản xuất tại Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc tận dụng tối đa các lợi ích miễn trừ thuế quan từ EVFTA.

Chưa kể tới những vấn đề còn tồn tại hiện nay, trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, bảo vệ môi trường, doanh nghiệp nhà nước, mua sắm công, liên kết lao động và thương lượng tập thể..., đều là những vấn đề cấu trúc liên quan đến mô hình kinh tế và thể chế của Việt Nam. Nếu không giải quyết thỏa đáng những vấn đề này, tiềm năng thương mại từ EVFTA có thể bị hạn chế đáng kể.

Diễn biến toàn cầu và khu vực đang tạo ra những rủi ro mới

Như phần trên đã chỉ ra, một đặc điểm quan trọng trong thương mại Việt Nam-EU là dòng giao dịch diễn ra trong chuỗi giá trị toàn cầu do các tập đoàn đa quốc gia kiểm soát. Tuy nhiên, không dễ để các doanh nghiệp Việt Nam có thể tham gia được vào chuỗi giá trị này.

EVFTA mở ra cho doanh nghiệp trong nước cơ hội tiếp cận với công nghệ hiện đại và tiên tiến đến từ các nước EU. Trong bối cảnh mô thức thương mại có thể thay đổi theo chiều hướng giảm thặng dư thương mại với EU, việc tăng cường nhập khẩu máy móc, thiết bị hiện đại sẽ không chỉ giúp cho hàng hóa sản xuất trong nước đạt chất lượng và đáp ứng tiêu chuẩn cao hơn mà còn tăng khả năng cũng như cơ hội tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu của doanh nghiệp trong nước. Doanh nghiệp trong nước vì thế cần phải tự làm mới mình, nâng cao kỹ năng và khả năng tiếp nhận công nghệ mới, cải thiện sản phẩm cả về mẫu mã lẫn chất lượng nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, để tránh mất lợi thế ngay trên sân nhà.

Trong một tương lai dài hơn, tác động kết hợp của đại dịch Covid-19 và căng thẳng thương mại giữa phương Tây và Trung Quốc có thể thúc đẩy quá trình tái cấu trúc các chuỗi giá trị toàn cầu diễn ra nhanh và mạnh hơn dự kiến.

Nếu các chuỗi giá trị toàn cầu có xu hướng ít phụ thuộc hơn vào một số trung tâm sản xuất toàn cầu, như Trung Quốc, về lý thuyết thì Việt Nam được hưởng lợi nếu tham gia một phần vào quá trình lấp đầy chỗ trống trong chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, chuỗi cung ứng toàn cầu cũng có thể được tinh gọn lại với ít quốc gia tham gia hơn.

Trong bối cảnh chủ nghĩa đơn phương và chủ nghĩa song phương có khuynh hướng gia tăng, các tập đoàn hàng đầu có thể tìm cách đưa toàn bộ hoặc một phần nguồn cung của mình về nước hoặc đến các nước đồng minh hoặc trong khối hợp tác chung. Hiện tượng này có thể tái định hình bức tranh cạnh tranh kinh tế ở cấp độ toàn cầu.

EVFTACấu trúc của chuỗi giá trị toàn cầu có thể thay đổi theo hướng tích hợp xuôi nhiều hơn và tích hợp ngược ít hơn trước đây. Việt Nam chỉ có thể tối đa hóa lợi ích và giảm thiểu rủi ro từ quá trình này nếu tái định vị thành công vị thế của mình trong giai đoạn hậu Covid-19. Nhưng điều này đòi hỏi Việt Nam phải có những giải pháp chính sách mạnh mẽ và chủ động hơn, để có thể xây dựng năng lực sản xuất và xuất khẩu ở cấp cao hơn theo hướng ưu tiên giá trị gia tăng và công nghệ cao.

Việt Nam đang là nước dẫn đầu trong thương mại hai chiều với EU, có thể coi như một cửa ngõ (gateway) của EU vào ASEAN và có thể là cả Trung Quốc. Nhưng lợi thế này không phải là mãi mãi. Hiện EU cũng đang đàm phán FTA với các quốc gia khác trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Philippines và Indonesia (sau thương vụ đàm phán FTA với khu vực ASEAN sụp đổ). Đây đều là các quốc gia cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam trong việc xuất khẩu hàng hóa sang khu vực EU. Do đó, Việt Nam cần tận dụng tối đa lợi thế và cơ hội của người đi trước để duy trì và phát huy lợi thế sẵn có trong quan hệ thương mại với EU.

Để có thể đạt được những lợi ích lâu dài và bền vững từ EVFTA, thay vì những lợi ích trước mắt từ tăng trưởng xuất khẩu, nhập khẩu hay dịch vụ, Việt Nam cần hiểu rõ sự hạn chế của chiến lược “hái quả dưới thấp” như được đề cập trong đoạn đầu. Nói cách khác, nếu chỉ dừng lại ở những cải cách đơn giản, mà né tránh hoặc trì hoãn những cải cách mạnh mẽ - và khó khăn hơn - thì những lợi thế hiện có của Việt Nam như một trong những thành viên đầu tiên của ASEAN (chỉ sau Singapore) ký FTA với EU, sẽ phai nhạt nhanh chóng. Đây là điều mà bộ máy lập pháp và người làm chính sách cần lưu ý để phát huy tốt nhất những gì đã đạt được từ EVFTA.

---------

(*) Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chiến lược (VESS), trưởng nhóm nghiên cứu với các thành viên chính là Phan Nhật Quang và Phạm Văn Long. Dự án nghiên cứu do Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) chủ trì dưới sự tài trợ từ Viện Konrad-Adenauer-Stiftung (KAS) tại Việt Nam.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới