Thứ tư, 27/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

EVFTA tạo đà cho bước đột phá của trái cây Việt vào EU

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

EVFTA tạo đà cho bước đột phá của trái cây Việt vào EU

Trung Chánh

(TBKTSG Online) - Từ hoạt động xuất khẩu lô trái cây vào thị trường Liên minh châu Âu (EU) sau khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam- EU (EVFTA) chính thức có hiệu lực, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Tập đoàn Vina T&T, hy vọng vào những bước đột phá về xuất khẩu vào thị trường EU của ngành cây ăn trái Việt Nam .

Thúc đẩy việc triển khai có hiệu quả EVFTA trong ngành xuất khẩu tôm

EVFTA có hiệu lực, tôm Việt vào EU tăng trưởng hai con số

EVFTA tạo đà cho bước đột phá của trái cây Việt vào EU
Container trái cây rời nhà máy Kim Thanh Bến Tre của Tập đoàn Vina T&T đi EU. Ảnh: Trung Chánh

Liên tiếp những lô hàng đi đến EU

Tiếp theo sau những lô hàng gạo, cà phê, chanh dây và tôm, lô trái cây bao gồm 12 tấn bưởi, 3 tấn thanh long (đi bằng đường hàng không) và 20.000 trái dừa đã chính thức rời Nhà máy Kim Thanh Bến Tre thuộc Tập đoàn Vina T&T vào chiều hôm nay, 17-9, để đi đến EU. Đây là sự kiện tiếp theo đánh dấu việc “chinh phục” thị trường EU sau khi EVFTA chính thức có hiệu lực kể từ ngày 1-8-2020.

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Tập đoàn Vina T&T, chia sẻ sự mừng vui dưới góc nhìn của doanh nghiệp, vì Chính phủ đã đàm phán và ký kết thành công EVFTA. “Đây là hiệp định theo chúng tôi đánh giá sẽ thúc đẩy mạnh mẽ trong việc đưa hàng nông sản Việt Nam "chinh phục" EU, nhất là với mặt hàng trái cây”, ông Tùng nhấn mạnh.

Từ kinh nghiệm xuất hàng vào các thị trường khó tính như Mỹ, Úc, Canada và EU, ông Tùng cho rằng, sản phẩm muốn “chinh phục” được thị trường EU, đòi hỏi vùng trồng phải thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP), nhà máy đạt tiêu chuẩn ISO, HACCP và các chứng nhận về trách nhiệm xã hội, chứng nhận về môi trường.

Đặc biệt, theo ông Tùng, sản phẩm phải vượt qua các hàng rào kỹ thuật được phía EU đưa ra, nhất là các tiêu chuẩn về đảm bảo an toàn thực phẩm, tồn dư dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. “Đây là những khó khăn, thách thức doanh nghiệp cần phải vượt qua, nếu muốn khai thác tốt thị trường EU”, ông nhấn mạnh.

Theo ông Tùng, từ sau khi EVFTA chính thức được thực thi, đơn vị này đã nhận được rất nhiều lời đề nghị về ký kết đơn hàng xuất khẩu, “nhưng do đang gặp khó khăn về dịch bệnh (Covid-19) nên doanh nghiệp chúng tôi cũng rất e dè, chỉ xuất khẩu cầm chứng thôi”, ông nói.

Tuy nhiên, ông Tùng cho rằng, thông qua xuất khẩu lô hàng 20.000 trái dừa, 12 tấn bưởi và 3 tấn thanh long (đi bằng đường hàng không) vào EU sẽ mở ra cơ hội, giúp thúc đẩy khai thác tốt hơn với thị trường này. “Tôi hy vọng từ nay đến cuối năm, tăng trưởng của riêng Vina T&T ở thị trường EU sẽ cao hơn 20% so với cùng kỳ năm ngoái” ông cho biết và nói rằng, bước sang năm 2021, khi điều kiện dịch bệnh trở lại bình thường, dự báo EU sẽ vượt qua Úc và Canada trong tổng xuất khẩu của đơn vị này.

Ông Tùng cho biết, năm 2019 kim ngạch xuất khẩu của đơn vị này đạt 43 triệu đô la Mỹ, trong đó, EU chiếm 15% tổng kim ngạch xuất khẩu. “Tôi hy vọng năm sau, thị trường EU sẽ chiếm tỷ trọng nhiều hơn nữa”, ông nói.

Con đường dài để chinh phục thị trường khó tính

Để khai thác tốt thị trường EU, ông Poulain Jasques, Đại diện Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam cho rằng, EVFTA sẽ góp phần thúc đẩy phát triển ngành cây ăn trái Việt Nam, tạo cơ hội cho người tiêu dùng châu Âu mua được trái cây nhiệt đới với chất lượng tốt.

Tuy nhiên, theo ông Poulain Jasques, để đạt được mục tiêu như kỳ vọng, ngành nông nghiệp Việt Nam phải nhanh chóng cải thiện, phát triển để đạt được các tiêu chuẩn của châu Âu, đặc biệt là tiêu chuẩn về chất lượng. “Hiện nay, thuốc bảo vệ thực vật vẫn còn sử dụng nhiều trong sản xuất rau quả nên việc đạt được các tiêu chuẩn chất lượng là một trong những vấn đề các công ty xuất khẩu Việt Nam cần quan tâm”, ông gợi ý.

Theo ông Poulain Jasques, để sản phẩm trái cây Việt Nam đạt chất lượng cao, cần triển khai ngay việc kiểm soát chặt hơn nữa các nguyên liệu trước khi chế biến và phải đảm bảo các tiêu chuẩn sản xuất. “Những vấn đề này cần giải quyết ngay để ngành nông nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh với các quốc gia trên thế giới…”, ông nhấn mạnh.

20.000 trái dừa đi vào EU. Ảnh: Trung Chánh

Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, diện tích cây ăn trái trên toàn quốc những năm gần đây liên tục tăng, mà cụ thể đến năm 2019 diện tích đạt 964.000 héc ta, tăng 56.400 héc ta so với năm 2018, sản lượng đạt 9,3 triệu tấn, đạt tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm trên 6%.

Hiện, Việt Nam có khoảng 40 loại rau quả được xuất khẩu sang 60 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, EU là thị trường xuất khẩu lớn thứ tư của rau quả Việt Nam.

Rau quả là một trong những mặt hàng nông sản được hưởng lợi ngay khi EVFTA có hiệu lực, mà cụ thể là được xóa bỏ ngay 94% trong tổng số 547 dòng thuế rau quả và các chế phẩm từ rau quả, trong đó, có nhiều sản phẩm là thế mạnh của Việt Nam như: vải, nhãn, chôm chôm, thanh long, dứa, dừa, bưởi...

Phần lớn các dòng thuế EU cam kết xóa bỏ ngay hiện đang có mức thuế MFN trung bình là trên 10%, cá biệt có những sản phẩm rau quả đang chịu thuế trên 20%. Do đó, mức cam kết này của EU được đánh giá sẽ tạo ra lợi thế lớn về giá cho rau quả Việt Nam, đặc biệt trong cạnh tranh với các quốc gia như: Thái Lan, Trung Quốc, Malaysia, Indonesia...

Báo cáo tại buổi lễ cho thấy, 7 tháng đầu năm nay, xuất khẩu trái cây Việt Nam vào EU đạt 59,18 triệu đô la Mỹ.

Trong khi đó, các số liệu báo cáo cho thấy, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tính theo tháng trong 8 tháng đầu năm nay, thì tháng 8-2020 (tức tháng đầu tiên sau khi EVFTA có hiệu lực- PV) có mức tăng trưởng cao nhất.

Cụ thể, báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, tổng trị giá xuất, nhập khẩu hàng hóa 8 tháng năm 2020 ước đạt 336,32 tỉ đô la Mỹ, giảm 0,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu đạt 174,11 tỉ đô la Mỹ, tăng 1,6% và nhập khẩu đạt 162,21 tỉ đô la Mỹ, giảm 2,2%.

Theo Bộ Công Thương, tính riêng trong tháng 8-2020, trị giá xuất khẩu tăng 6,5% so với tháng 7-2020 và tăng 2,5% so với cùng kỳ năm 2019, đạt 26,5 tỉ đô la Mỹ. Đây là mức cao nhất tính theo tháng trong 8 tháng đầu năm 2020.

Còn số liệu cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) mẫu EUR.1 kể từ khi EVFTA có hiệu lực cho thấy, mức độ quan tâm của doanh nghiệp đối với thị trường EU là rất lớn.

Theo đó, trong tháng 8, các tổ chức được ủy quyền đã cấp trên 7.200 bộ C/O mẫu EUR.1 với kim ngạch đạt 277 triệu đô la Mỹ đi các nước EU. Trong đó, các mặt hàng được cấp C/O mẫu EUR.1 chủ yếu là giày dép, thủy sản, nhựa/các sản phẩm nhựa, cà phê, hàng dệt may, túi xách, va li, rau quả, sản phẩm mây, tre, đan...

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới