Thứ bảy, 23/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

EVN đề xuất khung giá phát điện nhà máy điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp

Thái Huy

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa hoàn thiện dự thảo xây dựng khung giá phát điện của nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp trình Bộ Công Thương xem xét.

Ảnh minh họa: TL

Tháo gỡ khó khăn cho các dự án điện năng lượng tái tạo chuyển tiếp (không kịp hưởng giá FIT), Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 15/2022/TT-BCT quy định phương pháp xây dựng khung giá phát điện của nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp, có hiệu lực ngày 25-11.

Theo thông tư này, trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày thông tư có hiệu lực, chủ đầu tư các nhà máy điện mặt trời mặt đất, nhà máy điện mặt trời nổi đã ký hợp đồng mua bán điện trước ngày 1-1-2021 và các nhà máy điện gió trong đất liền, nhà máy điện gió trên biển đã ký hợp đồng mua bán điện trước ngày 1-11-2021 có trách nhiệm cung cấp báo cáo nghiên cứu khả thi hoặc thiết kế kỹ thuật cho EVN.

EVN đã gửi công văn tới hơn 240 nhà máy năng lượng tái tạo đề nghị cung cấp thông tin. Đến ngày 16-11, EVN nhận được phản hồi từ chủ đầu tư của 208 nhà máy điện đã ký hợp đồng mua bán điện với EVN, gồm 95 nhà máy điện mặt trời mặt đất, 4 nhà máy điện mặt trời nổi, 109 nhà máy điện gió.

Để đảm bảo tiến độ kế hoạch, do nhiều nhà máy chưa hết thời hạn để các chủ đầu tư cung cấp báo cáo nghiên cứu khả thi hoặc thiết kế kỹ thuật cho EVN, nên EVN đã tổng hợp, tạm sử dụng dữ liệu của 208 nhà máy để xây dựng khung giá phát điện của nhà máy điện mặt trời mặt đất, điện mặt trời nổi, điện gió trong đất liền, điện gió trên biển gửi Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) thẩm định.

EVN kiến nghị Bộ Công Thương, Cục Điều tiết điện lực, số liệu báo cáo của các chủ đầu tư là chưa đầy đủ, chưa đảm bảo tính chính xác, hợp lý nên các thông số tính toán chỉ là giả thiết của EVN và cần phải được thẩm tra, quyết định bởi Bộ Công Thương. Việc áp dụng khung giá phát điện từng loại hình nhà máy năng lượng tái tạo là giá trị nhỏ nhất trong các kết quả tính toán theo 4 phương án mà EVN thực hiện.

Theo đó, phương án 1: tổng mức đầu tư có giá trị là giá trị nhỏ hơn của tổng mức đầu tư theo thiết kế cơ sở và thiết kế kỹ thuật. Suất đầu tư tính toán bằng 90% suất đầu tư do chủ đầu tư cung cấp (giảm trừ 10% giá trị dự phòng).

Tỷ lệ vốn vay ngoại tệ/nội tệ cũng được EVN thực hiện tính toán là từ 20% đến 80%. Với phần lãi suất vốn vay ngoại tệ/nội tệ, do các nhà đầu tư cung cấp có nhiều thông số khác nhau và hơi cao nên EVN đề xuất xác định trên cơ sở lãi suất vốn vay ngoại tệ/nội tệ các nhà máy điện đã ký hợp đồng mua bán điện giai đoạn năm 2017 - 2021 (%/năm) là 4,62% đến 9,87%.

Mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp sau khi áp dụng tất cả các ưu đãi về thuế được quy về giá trị tính toán là 8,25% với các điều kiện hưởng thuế suất ưu đãi 10% trong 15 năm đầu tiên; miễn thuế 4 năm (0%), 9 năm tiếp theo giảm thuế 50% (5%), 2 năm tiếp theo áp mức thuế 10%, các năm tiếp theo áp mức thuế suất 20%.

Điện năng giao nhận bình quân được EVN chọn trên cơ sở bình quân các thông số đầu vào tính toán sản lượng điện theo quy định tại Thông tư 15 và chỉ tính toán đối với các nhà máy điện cung cấp đủ bộ số liệu tính toán.

Theo đó, nhà máy điện mặt trời mặt đất có điện năng giao nhận bình quân là 77.522.407 kWh và Tmax là 1.550 giờ. Nhà máy điện mặt trời nổi thông số tương đương là 68.750.634 kWh và Tmax là 1.375 giờ.

Ở khối điện gió, nhà máy điện gió trên đất liền có điện năng giao nhận bình quân là 156.122.510 kWh và Tmax là 3.122 giờ. Còn nhà máy điện gió trên biển có điện năng giao nhận bình quân là 153.220.760 kWh cùng Tmax là 3.064 giờ.

Với phương án 2, EVN thực hiện tính toán cho 4 nhà máy điện tương ứng với 4 loại hình nhà máy điện mặt trời mặt đất, điện mặt trời nổi, điện gió trong đất liền và điện gió trên biển với thông số đầu vào tương tự phương án 1 trừ suất đầu tư tương ứng với từng loại hình được xác định bằng bình quân suất đầu tư tính toán của các nhà máy điện tương ứng.

Phương án 3, EVN thực hiện tính toán cho 4 nhà máy điện tương ứng với 4 loại hình nhà máy điện mặt trời mặt đất, điện mặt trời nổi, điện gió trong đất liền và điện gió trên biển với thông số đầu vào tương tự phương án 1 trừ suất đầu tư và sản lượng điện được giả định biến thiên theo phân bố chuẩn Gauss và được xác định là giá trị do chủ đầu tư cung cấp gần nhất với giá trị kỳ vọng.

Phương án 4, EVN thực hiện tính toán giá nhà máy điện mặt trời Phước Thái 2, 3 với suất đầu tư được cập nhật giá trị tổng mức đầu tư sau đấu thầu và giá trị chi phí chia sẻ trạm biến áp 220 kV của 3 nhà máy điện mặt trời Phước Thái 1,2,3.

EVN cũng cho biết, do thời gian gấp không đủ thời gian thuê tư vấn độc lập để tính toán khung giá làm cơ sở để trình Bộ Công Thương nên EVN đề nghị Bộ Công Thương tiếp tục sử dụng các chuyên gia độc lập hoặc hội đồng tư vấn nghiên cứu kỹ các tính toán và đề xuất của EVN trước khi quyết định phê duyệt làm cơ sở cho việc xác định giá điện thông qua cơ chế cạnh tranh/đấu giá.

Theo Cổng thông tin Bộ Công Thương và EVN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới