Thứ Sáu, 26/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Đề nghị tháo gỡ cơ chế cho các dự án điện gió, điện mặt trời

T.S

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Bộ Công Thương vừa đề nghị nhà đầu tư của các dự án điện gió, điện mặt trời dở dang sẽ tiến hành đàm phán giá điện và hợp đồng mua bán điện với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) trong khung giá phát điện và hướng dẫn do Bộ ban hành.

Điện mặt trời là xu hướng đầu tư đem lại hiệu quả. Ảnh: T.L

Trong những năm vừa qua, các dự án năng lượng tái tạo đã góp phần phong phú thêm sản lượng điện quốc gia, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế – xã hội. Tuy nhiên sự tăng trưởng “nóng” số lượng dự án điện mặt trời, điện gió đã khiến cơ quan quản lý ngành là Bộ Công Thương và nhà truyền tải, cung ứng điện là EVN ngần ngại trong việc cấp phép, hợp tác mua bán điện.

Việc hạn chế đà tăng trưởng “nóng” của các dự án năng lượng tái tạo dựa trên cơ sở hạn chế các tác động đến môi trường và tránh lãng phí xã hội.

Tuy nhiên, việc EVN thời gian qua tạm ngưng thanh toán tiền mua điện của các dự án năng lượng tái tạo để chấn chỉnh, điều phối với các dự án có chất lượng hơn, khiến nhiều dự án năng lượng tái tạo gặp khó khăn trong việc thanh toán và cơ cấu nợ.

Các dự án chưa kịp vận hành thương mại (COD) để hưởng giá FIT (là các mức giá áp dụng cho điện sản xuất từ các nguồn năng lượng tái tạo để bán lên lưới hoặc sử dụng tại chỗ nhằm giảm tải cho lưới điện) bị đình trệ, gây tâm lý chán nản đối với các nhà đầu tư.

Để giải quyết dứt điểm cơ chế cho các dự án điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp, tháo gỡ khó khăn cho các nhà đầu tư, đồng thời định hướng cơ chế cho các dự án điện gió, điện mặt trời trong tương lai, Bộ Công thương vừa đề nghị Thủ tướng Chính phủ.

Theo đó, với các dự án án chuyển tiếp, Bộ đề nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cơ chế đã được báo cáo tại văn bản số 17/BCT-BC ngày 27-1-2022, nghĩa là nhà đầu tư các dự án chuyển tiếp tiến hành đàm phán giá điện, hợp đồng mua bán điện với EVN trong khung giá phát điện và hướng dẫn do Bộ Công Thương ban hành.

Đối với các dự án điện gió và mặt trời sẽ triển khai trong tương lai, Bộ đề nghị chấp thuận áp dụng cơ chế đàm phán giá điện và hợp đồng mua bán điện tương tự như các dự án chuyển tiếp như nêu trên. Điều này nhằm đảm bảo tính thống nhất của hành lang pháp lý với các dự án.

Với các dự án đã được công nhận vân hành thương mại, Bộ đề nghị Thủ tướng có văn bản chỉ đạo để Bộ Công thương có cơ sở hướng dẫn việc rà soát, xem xét lại hợp đồng giữa EVN và các chủ đầu tư nhằm hài hòa lợi ích giữa bên bán – bên mua – người tiêu dùng điện và Nhà nước.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ có quyết định bãi bỏ các Quyết định số 13/2020/TTg về cơ chế phát triển điện mặt trời, Quyết định 37/2011/QĐ-TTG và Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg về cơ chế phát triển điện gió.

Bộ Công thương sẽ phối hợp với Bộ Tư pháp chuẩn bị Dự thảo Quyết định, xin ý kiến các Bộ, ngành, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Trong thời gian 3 năm qua, từ 2019-2021 đã có sự phát triển nhanh chóng của các nguồn điện mặt trời và điện gió ở Việt Nam. Báo cáo của Bộ Công thương cho hay, theo thống kê của EVN và các địa phương, trong tổng số 78.121 MW công suất lắp đặt nguồn điện hiện có trên toàn quốc có 16.545 MW điện mặt trời (gồm 8.904 MW điện mặt trời tập trung và 7.660 MW điện mặt trời mái nhà) cùng 4.126 MW điện gió đã vào vận hành, đã được hưởng giá FIT theo các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Bên cạnh đó vẫn có nhiều dự án (hoặc phần dự án) điện gió, điện mặt trời đã triển khai trên thực tế nhưng không kịp thời hạn được hưởng giá FIT, trong đó có 62 dự án với tổng công suất 3.479 MW đã ký hợp đồng mua bán điện với EVN nhưng do giá FIT hết hạn nên chưa có giá bán điện và 5 dự án/phần dự án điện mặt trời với tổng công suất 452,62 MW đang chờ xác định giá điện. Ngoài ra, cũng có một số dự án khác đang triển khai dở dang.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới