Eximbank tổ chức đại hội đồng cổ đông bất thường ngày 2-8
Hồng Phúc
![]() |
Đại hội đồng cổ đông Eximbank lần thứ 32, tháng 4-2016 đã không diễn ra vì không đủ số lượng cổ đông có quyền biểu quyết. Ảnh: H.P |
(TBKTSG Online) - Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2016, đại hội đồng cổ đông lần thứ 33 của Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) cũng là đại hội lần thứ 3 trong năm nay sau 2 lần tổ chức bất thành, sẽ được tổ chức vào ngày 2-8 tới tại Khách sạn Sheraton, quận 1, TPHCM. Dự kiến chương trình đại hội bắt đầu lúc 8 giờ 30 tới 16 giờ cùng ngày.
Đáng chú ý trong chương trình đại hội có nội dung đề nghị cổ đông bầu và thông qua danh sách trúng cử bổ sung thêm ba thành viên HĐQT. Hiện HĐQT ngân hàng có 9 thành viên.
Ngoài ra, đại hội đồng cổ đông bất thường ngày 2-8 tới sẽ có các nội dung: Thông qua báo cáo và phương hướng hoạt động của HĐQT, báo cáo kết quả và kế hoạch kinh doanh 2015 và 2016, báo cáo hoạt động của Ban kiếm soát; Trình cổ đông tờ trình về báo cáo tài chính hợp nhất 2015, tờ trình về kết quả kinh doanh và phân phối lợi nhuận 2015, tờ trình cổ đông về chấp thuận chủ trương triển khai nghiên cứu phương án tiền khả thi xây dựng trụ sở Eximbank tại số 7 Lê Thị Hồng Gấm, quận 1, TPHCM.
Đại hội cũng sẽ trình cổ đông tờ trình về thù lao HĐQT và Báo cáo kinh phí dự trù chi phí và thù lao của Ban Kiểm soát, miễn nhiệm tư cách thành viên HĐQT với ông Cao Xuân Ninh, thông qua quy chế ứng cử đề cử và bầu bổ sung ba thành viên HĐQT, báo cáo phương án khắc phục chỉnh sửa liên quan đến hồ sơ Eximland.
Ngân hàng cho biết hiện đã nhận được 8 hồ sơ của 8 ứng cử viên vào HĐQT và dự kiến bầu bổ sung 3 thành viên vào HĐQT Eximbank nhiệm kỳ VI (2015-2020).
Đại hội cũng trình cổ đông thông qua tờ trình miễn nhiệm thành viên HĐQT nhiệm kỳ VI với ông Cao Xuân Ninh (người của Ngân hàng Nhà nước). Ông Ninh được bầu làm thành viên HĐQT ngày 15-12-2015. Ngày 24-3 ông có đơn đề nghị từ nhiệm vì lý do cá nhân và HĐQT Eximbank đã có nghị quyết chấp thuận.
Kết quả kinh doanh thấp kỷ lục, không chia cổ tức
Về kết quả kinh doanh của ngân hàng, báo cáo của HĐQT cho biết: “Năm 2015 đã có những thông tin không tốt tạo nên làn sóng dư luận bất lợi cho hình ảnh ngân hàng cùng với những lý do khách quan khác làm cho kết quả hoạt động kinh doanh của ngân hàng như huy động cho vay giảm và nợ xấu gia tăng, dẫn tới việc bán 2.000 tỉ đồng cho Công ty quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) và trích lập dự phòng rủi ro cao”.
Báo cáo của Ban kiểm soát cho rằng: năm 2015 môi trường kinh doanh diễn biến phức tạp và cạnh tranh gay gắt giữa các ngân hàng nên Eximbank phải đối diện nhiều khó khăn trong công tác nhân sự cấp cao, công tác truyền thông nên tất cả các chỉ tiêu đều không đạt kết quả như kế hoạch được đại hội đồng cổ đông 2015 đã thông qua.
Kết thúc năm 2015, tổng tài sản ngân hàng giảm 22%, hoàn thành 69,4% kế hoạch. Vốn huy động giảm 3%, hoàn thành 78% kế hoạch. Tín dụng giảm 1,8%, hoàn thành 88% kế hoạch. Lợi nhuận trước thuế chỉ đạt 61 tỉ đồng, giảm tới 83% và chỉ đạt 6,1% kế hoạch. Nợ xấu 1,86% vào cuối năm 2015.
Ngân hàng đặt mục tiêu trong ba năm phải giải quyết cơ bản nợ tồn đọng, năm 2016 tập trung xử lý 2.000 tỉ đồng nợ xấu đã bán cho VAMC.
Ban Kiểm soát cũng cho biết, năm 2015 còn hai chỉ tiêu Eximbank chưa tuân thủ quy định của cơ quan quản lý là đầu tư vào cổ phần Sacombank 9,16% trong khi luật quy định là tối đa 5%; tỷ lệ dư nợ cho vay chứng khoán trên tổng dư nợ là 6,86% trong khi theo luật tối đa 5%.
Trong kết quả kinh doanh 2015 của ngân hàng, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trước thuế và chi phí dự phòng rủi ro tín dụng chiếm tới hơn 1.494,8 tỉ đồng. Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng lên tới gần 1.433,99 tỉ đồng. Lợi nhuận trước thuế 60,822 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế chỉ còn 39,994 tỉ đồng.
Mặc dù Nghị quyết đại hội đồng cổ đông năm 2015 đề ra mức cổ tức 4,8% nhưng theo các báo cáo trên, “do khoản lỗ lũy kế được hạch toán hồi tố cho năm 2014 liên quan đến điều chỉnh lợi nhuận từ năm 2010 đến 2013, Eximbank cần phải giữ lại lợi nhuận còn lại cho đến khi hết lỗ lũy kế nên sẽ không chia cổ tức 2015”.
HĐQT của ngân hàng cho biết, năm 2016 họ sẽ tập trung điều chỉnh lợi nhuận từ 2010-2013 mà chưa được ghi nhận cho đến thời điểm 2015 dẫn đến điều chỉnh hồi tố lợi nhuận chưa phân phối lũy kế tại 2014 và khoản lỗ lũy kế còn số dư tới cuối năm 2015 là 817,5 tỉ đồng. Những việc tồn đọng này cần tiếp tục xử lý sang năm 2016 song song với xử lý nợ xấu.
Giảm kế hoạch kinh doanh 2016
Tại đại hội đồng cổ đông lần này, HĐQT ngân hàng sẽ trình cổ đông thông qua việc điều chỉnh kế hoạch kinh doanh 2016 với sự điều chỉnh khá mạnh.
Tổng tài sản được đề nghị điều chỉnh từ 142.500 tỉ đồng xuống 134.000 tỉ đồng; huy động vốn từ 113.500 tỉ đồng xuống còn 108.000 tỉ đồng; dư nợ cấp tín dụng từ 105.805 tỉ đồng xuống còn 100.000 tỉ đồng; lợi nhuận trước thuế 720 tỉ đồng xuống còn 400 tỉ đồng; tỷ lệ nợ xấu vẫn dưới 3%.
HĐQT cũng trình cổ đông tờ trình đề nghị tổng mức thù lao của HĐQT năm 2016 là 10 tỉ đồng.
Bên cạnh đó, Trưởng Ban Kiểm soát cũng sẽ trình tờ trình yêu cầu cổ đông phê duyệt kinh phí hoạt động và thù lao của Ban Kiểm soát năm nay là 600 triệu đồng và đề nghị quỹ thù lao riêng cho Ban Kiểm soát là 4,5 tỉ đồng. Theo tờ trình, “Ban Kiểm soát nhận thấy mức thù lao này phù hợp với điều kiện khả năng của Eximbank hiện nay và có tham khảo mức thù lao của tổ chức tín dụng khác”.
Một điểm đáng lưu ý là tổng mức thù lao của HĐQT và Ban Kiểm soát ngân hàng năm 2015 đã chi vượt thù lao được đại hội đồng cổ đông năm 2015 thông qua là 19,3 tỉ đồng và các cổ đông đã lên tiếng gay gắt về việc này.
Xem thêm:
NHNN yêu cầu Eximbank giải quyết quyền lợi chính đáng của cổ đông
Eximbank lần đầu tiên phải hoãn họp đại hội đồng cổ đông