Chủ Nhật, 18/08/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

FAO: khủng hoảng lương thực có thể xảy ra lần nữa

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

FAO: khủng hoảng lương thực có thể xảy ra lần nữa

Phúc Minh

FAO: khủng hoảng lương thực có thể xảy ra lần nữa
FAO cho biết khủng hoảng lương thực như năm 2007-2008 có thể xảy ra lần nữa. Ảnh: AP

(TBKTSG Online) – Tổ chức lương nông Liên hiệp quốc (FAO) ngày 9-8 cảnh báo giá lương thực tăng cao do hạn hán tồi tệ nhất trong 56 năm qua tại miền trung tây Mỹ trong khi các nước khác hạn chế xuất khẩu ngũ cốc có thể khiến thế giới đối mặt với vòng mới của cuộc khủng hoảng lương thực, như năm 2007-2008 .

Cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu năm 2007-2008 do các yếu tố như giá dầu tăng cao, tăng cường sử dụng nhiên liệu sinh học, thời tiết xấu, giá ngũ cốc kỳ hạn tăng vọt và các chính sách cấm xuất khẩu ngũ cốc gây ra. Cuộc khủng hoảng này đã dẫn đến các cuộc biểu tình bạo lực tại Ai Cập, Cameroon và Haiti.

Hiện nay, do hạn hán nghiêm trọng tại miền trung tây Mỹ, giá bắp và đậu tương đã đạt mức cao kỷ lục vào tháng trước, đẩy giá tổng thể thực phẩm tăng lên. Điều này trái với tình hình mà FAO dự báo trước đó. Trong tháng 7-2012, giá bắp tăng 23% và giá lúa mì tăng 19%.

Chỉ số FPI tháng 7-2012 của FAO tăng 6 điểm phần trăm so với tháng 6-2012, chủ yếu do giá đường và giá lương thực tăng cao, trong khi giá thịt không thay đổi. Chỉ số FPI dùng để đo các thay đổi về giá hàng tháng của một rỗ các loại ngũ cốc gồm hạt có dầu, sản phẩm từ sữa, thịt và đường.

Mặc dù chỉ số FPI thấp hơn mức cao nhất hồi tháng 2-2011 là 238 điểm nhưng vẫn cao hơn mức trong cuộc khủng hoảng lương thực năm 2007-2008. Tháng 2-2011, giá lương thực tăng thúc đẩy sự xuất hiện của cuộc cách mạng mùa xuân Ả-rập cũng như nội chiến tại các nước Bắc Phi.

Các nước sản xuất lương thực có thể xem xét hạn chế xuất khẩu

Miền trung tây Mỹ xảy ra hạn hán tồi tệ nhất trong 56 năm qua. Ảnh: AP

Các nước sản xuất lương thực tại khu vực Biển Đen, đặc biệt là Nga, có thể xem xét hạn chế xuất khẩu ngũ cốc do hạn hán tại địa phương khiến giá ngũ cốc bắt đầu tăng lên. Các quan chức Nga ngày 8-8 cho biết năm nay, Nga không có lý do để hạn chế xuất khẩu ngũ cốc nhưng không loại trừ khả năng bắt đầu áp đặt thuế xuất khẩu ngũ cốc trong năm tiếp theo.

Chuyên gia phân tích cao cấp của FAO, ông Abdolreza Abbassian, cho biết: “Tình hình lương thực có khả năng tương tự như năm 2007-2008. Chúng tôi hy vọng lần này không phải dùng chính sách can thiệp thị trường để giải quyết cuộc khủng hoảng. Không thực hiện bất kỳ biện pháp gì sẽ tốt hơn lặp lại các chính sách của năm 2007-2008”.

Trong cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2007-2008, các nước sản xuất lương thực lớn đều áp dụng một loạt biện pháp để hạn chế xuất khẩu lương thực bao gồm lệnh cấm xuất khẩu hoàn toàn, hạn chế hạn ngạch xuất khẩu, đưa ra mức thuế cao… Những biện pháp này làm giảm nguồn cung cấp lương thực trên thị trường quốc tế, khiến giá lương thực càng cao.

Nguy cơ của nạn đói

Giá lương thực cao đồng nghĩa các nước nghèo phải trả nhiều tiền hơn cho lương thực. Ông Abbassian nói: “Giá đô la Mỹ và giá đường tăng là cú đánh đúp thực sự khủng khiếp với các nước đói nghèo”.

Tuy nhiên, ông Abbassian nói tình hình hiện nay không xấu như năm 2007-2008, khi giá dầu tăng cao và chi phí sản xuất nông nghiệp tăng. Hơn nữa, hiện nay, nguồn cung cấp lương thực đầy đủ và tăng trưởng kinh tế chậm lại, có thể giảm bớt áp lực tăng giá lương thực. Giá lương thực trong tương lai sẽ phụ thuộc nhiều vào tình hình giảm nhẹ hạn hán của Mỹ và thay đổi nhu cầu lương thực trong những tháng tới. Tất nhiên, giá lương thực năm nay không thể thấp hơn năm ngoái, thậm chí có thể rất cao.

Tổ chức từ thiện Oxfam cho biết giá lương thực tăng cao có thể khiến hàng triệu người trên toàn thế giới bị đói và suy dinh dưỡng, không bao gồm gần 1 tỉ người đang ở bờ vực của cái đói hiện nay. Phát ngôn viên của tổ chức Oxfam, ông Colin Roche, nói giá lương thực tăng cao không chỉ do mùa vụ thu hoạch kém bởi hạn hán ở Mỹ và các nơi khác mà cơ chế lương thực thiếu tính linh hoạt là nguyên nhân quan trọng. Các chính phủ cần hỗ trợ những nông dân canh tác quy mô nhỏ, xem xét lại chính sách nhiên liệu sinh học, nỗ lực nhiều hơn để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.

(theo WSJ)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới