(KTSG Online) – Hôm vừa rồi, tôi vô tình được xem phóng sự "Luồng sống" trên VTV1 ca ngợi sự dũng cảm, thông minh của những người chèo thuyền trên những dòng sông nước chảy xiết, lắm thác ghềnh, nhưng họ đã biết chọn luồng nước để chèo đưa con thuyền của mình cập đúng bến bờ đã chọn, thực hiện được mục tiêu đặt ra, mang lại niềm vui cùng hạnh phúc cho bao con người.
Một luồng sống nữa, theo suy nghĩ của tôi, đó là nguồn nước "trong hay đục", "sạch hay bẩn", vì nước bẩn vào cơ thể chúng ta chưa làm chúng ta chết ngay nhưng cơ thể ngấm bệnh từ từ, chẳng lúc nào khỏe, ốm đau mỏi mệt rồi phụ thuộc hoàn toàn vào điều kiện bên ngoài.
FDI – một trong những nguồn vốn đầu tư nước ngoài là "Đồng tiền hai mặt"(1) – không những đòi hỏi người chèo thuyền thu hút FDI phải biết chèo thuyền vượt qua thác ghềnh, mà còn biết chọn lựa đúng FDI sạch để cơ thể nền kinh tế khỏe mạnh, không bị phụ thuộc.
Là một trong số những cán bộ được tham gia vào quá trình mở cửa thu hút và quản lý về FDI từ những ngày đầu tiên ngay sau khi Luật Đầu tư nước ngoài được ban hành vào tháng 12-1987, và vẫn có đam mê, điều kiện tiếp tục nghiên cứu theo sát quá trình FDI tại Việt Nam đến nay, tôi cảm nhận sâu sắc rằng sau gần 35 năm thu hút FDI để xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội đất nước, Việt Nam đã rất thành công.
Con thuyền đưa FDI vào Việt Nam đã được Đảng và Chính phủ chèo lái không những khéo léo mà còn tài trí, vượt qua bao bão tố (bao vây cấm vận, chiến tranh biên giới, khủng hoảng tài chính khu vực châu Á, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, cạnh tranh thương mại, công nghệ... liên tục xảy ra dưới dạng này dạng khác). Nhìn vào tần suất sửa đổi và bổ sung Luật Đầu tư hiện nay qua nhiều lần từ 1987, 1990, 1992, 1996, 2000, 2005, 2014 và 2020 cho thấy rõ sự chèo lái tài trí đó.
Cụ thể, những kết quả thực tế FDI đã để lại dấu ấn ở Việt Nam đến thời điểm hiện nay sau gần 35 năm (12-1987 – 12-2021) là to lớn, đã góp phần làm "Thay da - Đổi thịt" của một nền kinh tế kém phát triển, bị tàn phá sau nhiều năm tiến hành các cuộc kháng chiến để bảo vệ chủ quyền quốc gia, độc lập dân tộc và hạnh phúc của người dân. Đảng và Chính phủ là những người định hướng và chèo lái con thuyền đưa dòng vốn ngoại FDI vào Việt Nam để cùng với các nguồn lực khác xây dựng nên một Việt Nam hôm nay có nền chính trị ổn định và nền kinh tế đang phát triển, đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Một bộ phận các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đã lớn mạnh đang dần làm chủ được thị trường nội địa, cùng một số doanh nghiệp nhà nước đã vươn ra biển lớn, đầu tư ra nước ngoài thành công. Việt Nam đã hội nhập sâu rộng vào kinh tế thế giới, là thành viên chính thức của nhiều tổ chức quốc tế. Công cuộc xóa đối giảm nghèo đang tiếp tục được thực hiện hướng tới mục tiêu "không để ai bị bỏ lại phía sau". Chưa bao giờ Việt Nam có vị thế cao trên trường quốc tế như hiện nay.
Thành công của Việt Nam trong thu hút FDI, như trên đã nêu, thực sự là đáng ghi nhận, do vậy trong quá trình phát triển nhanh và hiệu quả đó không thể không có các tồn tại, hạn chế. Các thành tích của FDI và các tồn tại của FDI, mỗi mặt thành tích và tồn tại đều đã được chỉ ra trong nhiều đợt tổng kết FDI vừa qua, mỗi mặt đều có tới 8 điểm(2) cần lưu ý để phát huy và khắc phục, nhưng đáng chú ý là các tồn tại đó tuy đã được nhận ra từ nhiều năm nhưng vẫn chưa giải quyết được tận gốc.
Câu hỏi đặt ra là: tại sao chưa khắc phục được? (mời xem thêm chú dẫn (2) và bài viết này cũng xin không đi sâu vào phân tích các nội dung này), chỉ biết đó là các tồn tại cần được khắc phục sớm, khi các hiện tượng chính trị, kinh tế bất thường ẩn chứa trong mọi hoạt động đầu tư đang diễn ra phức tạp hơn, không dễ nhận ra... hoặc đã được nhận ra, đã có định hướng giải pháp khắc phục ở tầm vĩ mô, nhưng khâu triển khai thực hiện cụ thể thì còn rất yếu.
Từ đó cho thấy, nếu cứ để “luồng nước FDI không sạch” vào Việt Nam thì các nhà quản lý sẽ chèo chống ra sao? Còn có khả năng để xây dựng được nền kinh tế tự cường - một mục tiêu nhất quán trong thu hút đầu tư nước ngoài? Đặc biệt trong bối cảnh quốc tế hiện nay đã bộc lộ rõ hơn những vấn đề cần được quan tâm để sử lý đối với đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong giai đoạn tới.
Trên thực tế, đã có các góp ý sau của bà con người Việt chúng ta ở nước ngoài như(3): "Trung Quốc không những trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới mà cách hội nhập, tiếp cận của họ đối với thế giới rất đặc biệt, gây lo ngại cho các nước.
Thứ nhất, các công ty của Trung Quốc trở thành đa quốc gia rất nhanh chóng, xâm nhập mạnh mẽ vào kinh tế, chính trị các nước. FDI ra nước ngoài của Trung Quốc mới chỉ 5 tỉ đô la Mỹ vào năm 2004 nhưng tăng lên trên 100 tỉ đô la từ năm 2013 và trở thành quốc gia có FDI lớn nhất thế giới vào năm 2020. Trung Quốc cũng chủ trương tích cực thâm nhập thị trường các nước bằng hình thái M&A. Trong đại dịch từ năm 2020, Nhật Bản lo ngại nhiều công ty nhỏ và vừa của họ đa số có công nghệ cao có nguy cơ bị Trung Quốc thâu tóm và sáp nhập nên đã bàn các biện pháp ngăn ngừa.
Thứ hai, từ thời ông Tập Cận Bình điều hành đất nước, Trung Quốc có phương châm mới, rất đặc biệt về doanh nghiệp, điển hình là chính sách "quân dân dung hợp" phát biểu năm 2015, và được cụ thể hóa bằng Luật Tình báo quốc gia tháng 6-2017 và được nhấn mạnh ở Đại hội toàn quốc lần thứ 19 (tháng 10-2017) của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Theo chính sách này, doanh nghiệp Trung Quốc, dù là quốc doanh hay tư nhân, đều có bổn phận cung cấp mọi thông tin về hoạt động của họ khi chính phủ yêu cầu. Theo đó, nhiều doanh nghiệp đã thay đổi điều lệ, ghi thêm sự chấp nhận để cho Đảng Cộng sản Trung Quốc can dự vào các quyết định kinh doanh. Do đó trong hoạt động đầu tư nước ngoài của doanh nghiệp Trung Quốc, có thể có nhiều trường hợp không chú trọng mục đích kinh tế mà để phục vụ cho các mục tiêu khác do Đảng hoặc nhà nước Trung Quốc chủ trương".
Cá nhân tôi rất cám ơn GS. Trần Văn Thọ, một chuyên gia gốc Việt tại Nhật Bản đã đưa ra các thông tin quan trọng trong bài viết của ông (được trích dẫn bên trên), qua đó gợi ý cho các nền kinh tế còn bị phụ thuộc nhiều vào bên ngoài, trong đó có Việt Nam, có các dữ liệu và từ đó có thể có các giải pháp ứng phó thích hợp.
Từ góc nhìn của cá nhân, tôi cho rằng định hướng "thu hút FDI để vừa phát triển kinh tế-xã hội đất nước, vừa nhanh chóng xây dựng được nền kinh tế tự cường, vừa giữ gìn được an ninh, quốc phòng của đất nước”(4) là mục tiêu hết sức đúng đắn và phù hợp với điều kiện địa chính trị và sức khỏe của nền kinh tế Việt Nam hiện nay. Định hướng này cần được cụ thể hóa bằng các giải pháp cụ thể và được tuyên truyền sâu rộng để các cấp quản lý FDI ở trung ương và địa phương, đến các ngành, doanh nghiệp và người dân trong cả nước hiểu rõ mối nguy hại trong thu hút đầu tư nước ngoài hiện nay để chính các doanh nghiệp tìm kiếm, lựa chọn ra được các đối tác, dự án thích hợp.
Người dân ở mọi khu vực, người lao động trực tiếp trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài giúp phát hiện ra các dự án sai, cách làm sai của những nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Tạo điều kiện thuận lợi, sự cạnh tranh công bằng cho các nhà đầu tư nước ngoài – có luồng vốn FDI sạch phát triển thuận lợi hiệu quả tại Việt Nam.
Theo quan điểm của người viết, trong quản lý nhà nước về thu hút đầu tư nước ngoài nói chung và FDI nói riêng trong giai đoạn tới, để xây dựng được nền kinh tế tự cường, đảm bảo được an ninh quốc phòng, thu hút đầu tư nước ngoài cần chú ý đến các vấn đề sau đây:
Các vấn đề xâm lấn lãnh hải trên biển Đông nếu nền kinh tế bị đầu tư nước ngoài của một đối tác chi phối; vấn đề ngăn chặn hàng nhập lậu; vấn đề xuất khẩu hàng hóa, nhất là hàng nông sản của Việt Nam tại các cửa khẩu; vấn đề tỷ trọng đầu tư cao của Trung Quốc so với các nước khác hiện nay; vấn đề đầu tư thông qua hình thức M&A.
Mỗi vấn đề nêu trên đều có thể là các đề tài nghiên cứu chuyên sâu, nên cần được tổ chức nghiên cứu một cách khoa học, lấy thực tiễn để chứng minh. Làm sao trong giai đoạn tới – một giai đoạn cần có các bước đột phá về tư duy thu hút và quản lý FDI, sớm có được các giải pháp khắc phục các tồn tại nêu trên, tạo thuận lợi hơn nữa cho FDI chất lựợng cao, không mang ý đồ chính trị xâm nhập vào Việt Nam, vừa bảo đảm được an ninh kinh tế – vừa sớm xây dựng được nền kinh tế tự cường, Việt Nam mới có thể vững vàng đạt được các mục tiêu đặt ra(5).
(*) TS. Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư
---------------------------
(1) TS. Phan Hữu Thắng, "FDI - Đồng tiền hai mặt", NXB Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội - 2018
(2)
Tám thành tích của FDI : 1- Bổ sung nguồn vốn quan trọng cho tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội; 2- Động lực thúc đẩy tăng trưởng;3- Thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế; 4- Góp phần quan trọng túc đẩy,mở rộng thị trường xuất nhập khẩu;5- Thực hiện chuyển giao công nghệ và nghiên cứu phát triển (R&D) trong một số ngành, có hiệu ứng lan tỏa năng suất và công nghệ sang các khu vực trong nước; 6- Tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước, hỗ trợ cán cân thanh toán và góp phần ổn định kinh tế vĩ mô;7-Tạo việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động, phát triển nguồn nhân lực và nâng cao năng suất lao động của nền kinh tế; 8- Góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế, nâng cao vai trò và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Tám tồn tại, hạn chế của FDI tại Việt Nam:1- Quản lý nhà nước còn thiếu sự chặt chẽ; 2- Thiếu liên kết giữa doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp trong nước; 3- Thu hút và chuyển giao công nghệ từ khu vực FDI chưa đạt hiệu quả; 4- Chưa có giải pháp hữu hiệu ngăn chặn hiện tượng chuyển giá, trốn thuế; 5- Gian lận thương mại; 6- Quản lý nhà nước về môi trường còn nhiều bất cập; 7- Mất cân đối về hình thức đầu tư; 8- Còn nhiều dự án quy mô nhỏ.
(3) GS. Trần Văn Thọ, "An ninh kinh tế cho Việt Nam" https://theleader.vn/an-ninh-kinh-te-cho-viet-nam-1643431197416.htm
(4) Nghị quyết 50- NQ/TW ngày 20-8-2019 của Bộ Chính trị BCH TW Đảng Cộng sản Việt Nam "Về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030" (NQ50-BCT).
(5) Mục tiêu của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài sẽ gắn chặt với mục tiêu phát triển cụ thể của đất nước trong giai đoạn tới: Đến năm 2025 là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt mức thu nhập trung bình thấp; Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao (NQ50-BCT); Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm ngày thành lập nước trở thành nước phát triển có thu nhập cao (Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII).