Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

FDI và cơ hội phân phối

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

FDI và cơ hội phân phối

Ngọc Lan

FDI và cơ hội phân phối
Doanh nghiệp FDI cũng sẽ được phân phối lúa gạo, hạn chế tình trạng độc quyền xuất khẩu gạo như hiện nay. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

(TBKTSG) – Dự kiến lộ trình cho phép các  doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được quyền phân phối hàng hóa ở các lĩnh vực mà lâu nay họ không được tham gia như lúa gạo, xăng dầu… sẽ được mở rộng đáng kể từ năm 2014. Đó có phải thực sự là cơ hội cho doanh nghiệp FDI và người tiêu dùng?

Tại các Diễn đàn doanh nghiệp hàng năm, không có lần nào mà các nhà đầu tư FDI không than phiền với Chính phủ về các rào cản trong lĩnh vực thương mại, nhất là phân phối hàng hóa tại Việt Nam.

Theo cam kết với Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), kể từ ngày 1-1-2009, Việt Nam mở cửa hoàn toàn cho các doanh nghiệp nước ngoài được lập các công ty phân phối tại thị trường nội địa. Song trên thực tế, rào cản mang tên “thẩm định nhu cầu kinh tế” mà Bộ Công Thương đặt ra trong lĩnh vực bán lẻ (tức là bộ và địa phương xem xét các điều kiện để quyết định địa điểm doanh nghiệp xin phép có thực sự cần mở thêm điểm bán lẻ không) khiến các nhà phân phối nước ngoài phải lách việc mở thêm điểm phân phối dưới các hình thức khác nhau.

Mới đây, điều kiện thẩm định này đã chính thức bị loại bỏ. Bởi cho dù Bộ Công Thương có muốn giữ quy định này, thì bằng cách này hay cách khác, thực tế các doanh nghiệp FDI vẫn mở rộng được các điểm bán lẻ.

Tương tự như vậy, theo lộ trình cam kết WTO, Bộ Công Thương ban hành Quyết định 10/2007 vốn không cho phép các doanh nghiệp FDI được trực tiếp phân phối các mặt hàng: lúa gạo, mía đường, dược phẩm, thuốc lá, dầu thô, sách báo, kim loại quý… Tuy nhiên, danh mục này có nhiều điểm không hợp lý, nhất là trong lĩnh vực phân phối dược phẩm hoặc lúa gạo (thực tế từ đầu năm 2011, doanh nghiệp FDI đã được tham gia xuất khẩu gạo và trước đó đã được tham gia phân phối theo văn bản của Chính phủ). Với những lý do như vậy, quyết định trên đến thời điểm phải sửa đổi.

Một dự thảo thông tư thay thế cho quyết định nêu trên nhằm mục đích nới rộng quyền phân phối cho doanh nghiệp FDI, dự kiến sẽ được ban hành đầu năm 2014, cho phép các doanh nghiệp FDI phân phối các mặt hàng mà lâu nay họ bị cấm tham gia.

Nhưng thực sự, việc mở rộng cánh cửa phân phối này có khiến cho các doanh nghiệp FDI ở các lĩnh vực trên “đổ bộ” vào thị trường Việt Nam và có cơ hội lấn sân các nhà phân phối trong nước như lĩnh vực bán lẻ không?

Về mặt lý thì có thể. Song thực tế, ngay cả khi được mở cửa rồi thì các doanh nghiệp FDI vẫn phải đối diện với hàng loạt quy định khác để có thể thực sự mở rộng thị phần tại Việt Nam. Ngay cả trong lĩnh vực bán lẻ, các doanh nghiệp FDI vẫn lo việc chưa được triển khai cơ chế “một cửa” trong cấp phép đầu tư và chưa có quy trình minh bạch trong xin giấy phép kinh doanh. Bởi họ vẫn bị yêu cầu phải sửa đổi giấy chứng nhận đầu tư đối với các thay đổi thông thường trong hoạt động kinh doanh. Song, chuyện đó chưa phải là lớn so với hàng loạt “rào cản” quy định khác là điều kiện cần để bất cứ doanh nghiệp nước ngoài nào tham gia thị trường phân phối cũng phải cân nhắc kỹ.

Ví dụ tại dự thảo thông tư mới đã cho phép doanh nghiệp FDI được phân phối dược phẩm (không bao gồm các sản phảm bổ dưỡng phi dược phẩm).  Tuy nhiên, danh mục được phân phối đã loại trừ các mặt hàng thuốc thuộc các nhóm 3002, 3005, 3006 là nhóm các thuốc vaccin đặc trị, các trang thiết bị, dụng cụ y tế… vốn là thế mạnh của các nhà sản xuất nước ngoài và càng mạnh hơn qua nhiều kênh phân phối ở các quốc gia. Trong nhóm các loại thuốc bị loại trừ, tức là doanh nghiệp FDI chưa được phân phối, còn có cả nhóm thuốc thú y, sinh phẩm và nguyên liệu để pha trộn chế biến thức ăn chăn nuôi gia súc, thủy hải sản… Chỉ khi nào danh mục các loại được phân phối và chưa được phân phối tách bạch hơn thì quyền chủ động của nhà phân phối mới dễ dàng.

Trong lĩnh vực phân phối, kinh doanh xăng dầu, suy nghĩ của nhiều doanh nghiệp đầu mối lớn về sự cạnh tranh của các doanh nghiệp FDI là không lo lắng. Đến thời điểm này, có 17 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối trong nước (chín tháng đầu năm 2013 cấp phép cho sáu doanh nghiệp cộng với 11 doanh nghiệp hiện có). Tất cả đang chờ sự điều chỉnh của Nghị định 84 (sửa đổi) để có thể chủ động hơn nữa trong hoạt động xuất nhập khẩu và phân phối xăng dầu.

Nguyên nhân khiến các nhà phân phối xăng dầu “bình chân như vại” trước quyết định cho phép doanh nghiệp FDI cùng tham gia phân phối là bởi Nghị định 84 dù có sửa đổi, thông thoáng hơn trước thì cơ chế kinh doanh xăng dầu vẫn “theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước”. Trường hợp giá cơ sở biến động so với giá bán lẻ 10%, doanh nghiệp không được tự ý tăng giá mà phải chờ các quyết định bình ổn giá của Nhà nước. Hay nói khác đi, để được cấp phép làm đầu mối phân phối xăng dầu tại thị trường nội địa, các doanh nghiệp FDI phải đối mặt với hàng loạt vấn đề khó, từ cơ chế kinh doanh xăng dầu không hoàn toàn theo thị trường, đến việc phải đầu tư hệ thống kho bãi, đại lý và dự trữ lưu thông 30 ngày… Đây là bài toán khó về lợi nhuận mà doanh nghiệp FDI phải giải, vì hiện nay các doanh nghiệp trong nước đang có nhiều lợi thế trong việc sử dụng vốn, tài sản nhà nước để kinh doanh mặt hàng này.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới