Thứ sáu, 22/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Fed báo hiệu duy trì lãi suất cao trong thời gian dài

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Sau khi quyết định giữ nguyên lãi suất đúng như dự báo, các quan chức của Fed báo hiệu rằng chi phí vay cần phải duy trì ở mức cao hơn trong thời gian dài trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ vẫn mạnh mẽ.

Chủ tịch Fed, Jerome Powell phát biểu tại cuộc họp báo ở Washington, D.C hôm 20-3. Ảnh: Getty

Sau cuộc họp kéo dài hai ngày, Ủy ban Thị trường mở liên bang (FOMC), cơ quan hoạch định chính sách của Fed, bỏ phiếu nhất trí giữ nguyên lãi suất liên bang ở biên độ 5,25-5,5%. Quyết định này phù hợp với chiến lược của Fed là hành động cẩn trọng hơn trong giai đoạn sau của cuộc chiến chống lạm phát.

Kể từ tháng 3-2022, Fed đã phát động một chiến dịch thắt chặt tiền tệ quyết liệt nhất trong nhiều thập niên trong cuộc chiến chống lại áp lực giá cả đã được chứng minh là dai dẳng hơn nhiều so với dự kiến.

Trong tuyên bố sau cuộc họp, FOMC cho biết vẫn rất chú ý đến rủi ro lạm phát khi hoạt động kinh tế đang tăng trưởng vững chắc và tốc độ tăng trưởng việc làm tuy chậm hơn nhưng vẫn còn mạnh.

Các nhà hoạch định chính sách của Fed dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ mạnh hơn dự báo trong năm nay và triển vọng lạm phát ít nghiêm trọng hơn so với ước tính hồi tháng 6.

Các dự báo của họ cũng báo hiệu sự ủng hộ để đưa lãi suất lên mức đỉnh 5,5-5,75%. Điều này nghĩa là Fed có thể tiến hành thêm một đợt tăng lãi suất 25 điểm cơ bản trong năm nay. Đồng thời, họ dự báo cắt giảm lãi suất ít hơn so với kỳ vọng vào năm 2024 và 2025.

Hầu hết các nhà hoạch định chính sách dự đoán lãi suất liên bang sẽ dao động trong biên độ 5-5,25% vào cuối năm 2024, tăng từ mức dự báo 4,6% đưa ra hồi tháng 6. Họ kỳ vọng sẽ có ít đợt cắt giảm lãi suất hơn vào năm 2025, với ước tính trung bình của họ về lãi suất  tăng từ 3,4% trong dự báo hồi tháng 6 lên 3,9%. Họ dự báo lãi suất sẽ ở biên độ 2,75-3% vào cuối năm 2026.

Các dự báo cũng cho thấy họ kỳ vọng lạm phát sẽ giảm xuống dưới 3% trong năm tới và quay trở lại mục tiêu 2% vào năm 2026. Nói cách khác, triển vọng “hạ cánh mềm” của nền kinh tế Mỹ tưởng chừng còn xa vời cách đây ba tháng, giờ đây dường như đã nằm trong tầm tay.

“Về cơ bản, họ (các quan chức Fed) đang nói rằng kịch bản hạ cánh mềm sẽ đi kèm với chính sách tiền tệ thắt chặt hơn dự kiến”, Brett Ryan, chuyên gia kinh tế cấp cao của ngân hàng Deutsche, nhận xét khi đề cập đến triển vọng Fed duy trì lãi suất cao trong thời gian dài hơn dự tính trước đây.

Cho đến nay, nền kinh tế Mỹ vẫn kiên cường trước chiến dịch thắt chặt tiền tệ lịch sử của Fed. Chi tiêu tiêu dùng vẫn mạnh và thị trường lao động ổn định, dù tốc độ tăng trưởng việc làm đang bắt đầu chậm lại.

Sức mạnh đó là tín hiệu tốt cho những nỗ lực của Fed nhằm hạ nhiệt lạm phát mà không khiến nền kinh tế rơi vào suy thoái. Nhưng điều này cũng làm dấy lên lo ngại Fed sẽ đương đầu với cuộc chiến lạm phát có thể kéo dài.

Trong cuộc họp báo ở Washington, Chủ tịch Fed, Jerome Powell nhấn mạnh rằng các nhà hoạch định chính sách đang phải đối mặt với mức độ bất ổn cao. Người đứng đầu Fed cũng cảnh báo kịch bản hạ cánh mềm vẫn chưa được đảm bảo, đồng thời cho biết đó không phải là kỳ vọng cơ bản của Fed.

Art Hogan, giám đốc chiến lược thị trường của B. Riley Wealth, cho rằng tin xấu từ cuộc họp của Fed không phải là lãi suất có thể còn tăng thêm một đợt nữa mà là duy trì ở mức cao trong thời gian dài hơn.

Theo Anna Wong, nhà kinh tế trưởng Mỹ của Bloomberg Economics, dù các quan chức Fed dự báo một đợt tăng lãi suất khác trước cuối năm nay nhưng “chúng tôi thấy một số cú sốc bất lợi tiềm ẩn đối với tăng trưởng từ nay đến cuối năm có thể làm hỏng kế hoạch đó”.

Bà chỉ ra rằng, bất ổn về triển vọng kinh tế, tình trạng gián đoạn sản xuất ở ba hãng xe General Motors, Ford Motor và Stellantis do các cuộc đình công đòi tăng lương và rủi ro chính phủ đóng cửa nếu Quốc hội không thông qua được các dự luật chi tiêu mới, có thể khiến Fed phải hoãn tăng lãi suất đến năm 2024 hoặc thậm chí hủy bỏ kế hoạch này.

Với một loạt các trở ngại kinh tế tiềm tàng sắp xảy ra, bao gồm giá xăng tăng, cuộc đình công của công nhân ngành ô tô và nguy cơ chính phủ đóng cửa, các nhà đầu tư vẫn hoài nghi về khả năng Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong năm nay.

Lou Crandall, nhà kinh tế trưởng tại Wrightson, nhận định bức tranh kinh tế có thể kém thuận lợi hơn những gì các nhà hoạch định chính sách mong đợi trong những tháng tới.

“Có khả năng khá cao là tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ trong quí 4 sẽ cao hơn mức họ dự đoán và lạm phát cơ bản sẽ thấp hơn. Xác suất tăng lãi suất lần nữa là khá thấp”, ông nói.

Theo Bloomberg, Financial Times

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới