Thứ sáu, 3/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Fed dự tính tăng lãi suất 3 đợt trong năm 2022 để hạ nhiệt lạm phát

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cho biết sẽ đẩy nhanh tốc độ giảm mua tài sản đồng thời báo hiệu rằng Fed có thể tăng lãi suất 3 đợt vào năm tới để hạ nhiệt lạm phát. Động thái này sẽ chính thức chấm dứt các nỗ lực kích thích kinh tế chưa có tiền lệ của chính phủ Mỹ nhằm vực dậy nền kinh tế sau sau cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19.

Chủ tịch Fed Jerome Powell phát biểu tại cuộc họp báo hôm 15-12 sau cuộc họp chính sách của Fed. Ảnh: CNBC

Kết thúc cuộc họp chính sách kéo dài hai ngày hôm 15-12, Ủy ban thị trường liên bang mở (FOMC), cơ quan hoạch định chính sách của Fed, thông báo Fed sẽ thu hẹp nhanh hơn đối với chương trình mua tài sản hàng tháng được triển khai trong suốt thời kỳ dịch bệnh để duy trì dòng tiền chảy trên các thị trường và hỗ trợ kinh tế phục hồi nhanh hơn. Bắt đầu từ tháng 1-2022, Fed sẽ mua 60 tỉ đô la trái phiếu chính phủ Mỹ và chứng khoán bảo đảm bằng thế chấp mỗi tháng, giảm 30 tỉ đô la so với mức mua trong tháng 12 này. Điều này đồng nghĩa với việc Fed sẽ tiến đến chấm dứt chương trình mua tài sản vào tháng 3 thay vì tháng 6-2022 như dự tính trước đây.

Thông báo của FOMC giải thích quyết định này được đưa ra trong bối cảnh áp lực lạm phát vẫn dai dẳng và thị trường lao động Mỹ đã ngày càng cải thiện. Việc đẩy nhanh tiến độ chấm dứt mua tài sản sẽ khiến Fed nhanh chóng tăng lãi suất cơ bản, vốn đang ở mức thấp kỷ lục, nếu các quan chức Fed cho rằng đó là điều cần thiết để kiểm soát lạm phát. Thông thường, Fed sẽ chấm dứt chương trình mua tài sản trước khi tăng lãi suất.

Các dự báo kinh tế của Fed cho thấy các quan chức Fed dự kiến ​​sẽ thực hiện 3 đợt tăng lãi suất trong năm tới và 2 đợt tăng nữa trong năm 2023.

FOMC cũng hạ dự báo tăng trưởng của Mỹ trong năm nay về mức 5,5% so với mức 5,9% được đưa ra hồi tháng 9, nhưng nâng dự báo tăng trưởng trong năm 2022 lên mức 4% so với mức trước đây là 3,8%. FOMC cũng lưu ý rằng diễn tiến của đại dịch Covid, đặc biệt là sự xuất hiện của các biến thể mới, đang gây ra rủi ro cho triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Fed đã dành phần lớn thời gian trong năm qua để vạch ra một lộ trình giảm từ từ các nỗ lực hỗ trợ nền kinh tế trong thời kỳ dịch bệnh. Tuy nhiên, trong những tuần gần đây, các quan chức đã chủ động giảm các nỗ lực này vì lo mức lạm phát tăng bùng nổ trong năm nay có thể kéo dài.

Fed muốn ổn định giá cả tiêu dùng trong khi thúc đẩy thị trường lao động phát triển mạnh mẽ và hai mục tiêu đó đang ngày càng trở nên khó khăn hơn. Trong tháng 11, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 6,8% so với cùng kỳ năm ngoái, tốc độ tăng nhanh nhất kể từ năm 1982. Tuy nhiên, tình trạng gián đoạn của các chuỗi cung ứng trên toàn cầu vẫn chưa dịu lại. “Tình trạng mất cân đối cung cầu trong đại dịch Covid-19 và tiến trình tái mở cửa kinh tế tiếp tục kích thích lạm phát tăng cao”, thông báo của FOMC cho biết.

FOMC dự báo lạm phát của Mỹ sẽ tăng lên mức 5,3% trong năm 2021 trước khi giảm về mức 2,6% trong năm 2022.

Trong khi đó, lương của người lao động Mỹ đang tăng, có thể gia tăng thêm sức ép cho lạm phát. Tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ đã giảm về mức 4,2%, thấp hơn rất nhiều so với mức hai con số trong thời kỳ đầu của đại dịch Covid-19. Song nhiều người dân Mỹ vẫn chưa đi làm trở lại do lo sợ lây nhiễm Covid-19 hoặc phải ở nhà chăm con nhỏ do thiếu bảo mẫu và vú nuôi.

Chủ tịch Fed Jerome Powell kỳ vọng thị trường lao động Mỹ sẽ tối đa hóa việc làm vào năm tới nhưng đồng thời ông cũng bày tỏ rằng ông không chắc chắn về điều này. Phát biểu tại cuộc họp báo hôm 15-12, ông Powell nhấn mạnh rằng lạm phát và đại dịch Covid-19 là hai mối đe dọa lớn nhất đối với các nỗ lực tối đa hóa việc làm.

Một số nhà kinh tế hoài nghi khả năng của Fed trong việc duy trì tăng trưởng cho nền kinh tế vì họ cho rằng Fed đã chậm chuyển dịch trọng tâm vào các nỗ lực kiểm soát mối đe dọa của lạm phát vốn tăng bền bỉ trong suốt năm qua.

Mark Vitner, nhà kinh tế cấp cao tại Ngân hàng Wells Fargo, nói: “Fed đã chậm đưa ra các phát ngôn và hành động mạnh mẽ để ngăn chặn mối đe dọa từ lạm phát. Trước đây, rất khó để ghìm lạm phát khi nền kinh tế Mỹ đã tối đa hóa việc làm và khi GDP thực tế của Mỹ đang tăng nhanh hơn so với tiềm năng của nó”.

Theo NY Times, CNBC

1 BÌNH LUẬN

  1. FED vẫn sử dụng “bài tủ” là điều tiết tiền tệ thông qua tăng/ giảm các gói kích thích + thay đổi lãi suất điều hành, chứ không có gì mới. Lạm phát hiện nay là tổng hợp của một loạt nhân tố ảnh hưởng vì đại dịch covid. Việc nhận diện đúng tình hình không thể căn cứ mãi vào bài vở cũ kỷ trước đây. FED bây giờ cũng không còn là người phát tín hiệu đại diện duy nhất cho thế giới nữa.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới