Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Fed giảm mạnh dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Fed giảm mạnh dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ

Phúc Minh

Fed giảm mạnh dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ
Trụ sở Fed tại Washington. Ảnh: THX

(TBKTSG Online) – Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) ngày 17-6 đã giảm mạnh dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2015 của Mỹ từ mức 2,3-2,7% dự báo trước đó xuống còn 1,8-2%. Tuy nhiên, nhiều khả năng Fed vẫn tăng lãi suất cơ bản trong năm 2015.

Đây là lần thứ hai kể từ tháng 12-2014, Fed hạ dự báo tăng trưởng của nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Báo cáo chính sách công bố ngày 17-6 của Fed cho biết sau ba tháng đầu năm tăng trưởng âm (giảm 0,7% so với cùng kỳ năm ngoái), nền kinh tế Mỹ đang trở lại đà phát triển ở mức khiêm tốn.

Về khả năng tăng lãi suất cơ bản từ mức gần bằng 0%, được áp dụng từ tháng 12-2008 đến nay, Fed cho biết quyết định cuối cùng tùy thuộc vào hai yếu tố chính là: sự cải thiện của thị trường lao động và lạm phát tăng dần lên mức mà Fed mong muốn.

Theo báo cáo, thị trường lao động Mỹ tiếp tục duy trì đà cải thiện nhưng tỷ lệ thất nghiệp đến cuối năm 2015 có thể vẫn ở mức 5,3% – cao hơn so với dự báo trước đó là 5,1%.

Tỷ lệ lạm phát tại Mỹ hiện vẫn ở mức thấp nhưng dự báo sẽ tăng dần lên mức 2% như mục tiêu trung hạn mà Fed nhắm tới.

Hiện, 15/17 quan chức trong ban lãnh đạo Fed vẫn giữ nguyên chủ trương tăng lãi suất cơ bản trong năm 2015, nhiều khả năng sẽ tăng vào cuối năm. Một số chuyên gia dự báo thời điểm thích hợp nhất để Fed tăng lãi suất cơ bản là vào tháng 9-2015.

Kinh tế châu Á khó khởi sắc trong sáu tháng cuối năm

Trong bối cảnh Fed có nhiều khả năng tăng lãi suất cơ bản vào cuối năm nay và nhu cầu nội địa tại phần lớn các nước châu Á đình trệ, giới phân tích dự báo các nền kinh tế châu Á không thể đạt mức tăng trưởng cao trong sáu tháng cuối năm 2015.

Sức tiêu thụ và đầu tư tại châu Á yếu do giá hàng hóa lao dốc. Trong khi đó, số liệu xuất khẩu của các nước châu Á trong thời gian từ tháng 1 đến tháng 4-2015 cho thấy hoạt động này đang ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế khu vực.

Nomura Equity Research cho rằng nguyên nhân xuất khẩu yếu một phần do hoạt động xuất khẩu của châu Á ngày càng phụ thuộc vào nhu cầu tại các thị trường mới nổi (trong đó có Trung Quốc) và hiện nhu cầu này đang yếu đi.

Trong khi đó, ngân hàng HSBC nhận định sức tăng trưởng của các nước mới nổi ở châu Á, kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, phần lớn đến từ sự gia tăng của các khoản nợ.

Xuất khẩu chậm đè nặng triển vọng tăng trưởng kinh tế Nhật

Ngày 17-6, Bộ Tài chính Nhật Bản (MOF) cho biết xuất khẩu tháng 5-2015 của nước này tăng trưởng chậm lại tháng thứ hai liên tiếp, chủ yếu do nhu cầu tiêu thụ hàng hóa từ nước ngoài yếu. Điều này đang đe dọa tới sức tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản trong quí 2-2015.

Theo báo cáo của MOF, hoạt động xuất khẩu của Nhật Bản trong tháng 5-2015 chỉ tăng 2,4% so với cùng kỳ năm ngoái – thấp hơn dự báo tăng 3,5% của các chuyên gia kinh tế và thua xa mức tăng 8% của tháng trước đó.

Dự báo tăng trưởng kinh tế Thụy Sĩ bị hạ xuống còn 0,8%

Ban Thư ký Nhà nước phụ trách các vấn đề kinh tế Thụy Sỹ (SECO) ngày 16-6 giảm dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2015 của Thụy Sĩ từ mức 0,9% dự báo trước đó xuống còn 0,8%.

Đồng franc mạnh cùng với tình trạng không chắc chắn về cuộc khủng hoảng tín dụng của Hy Lạp khiến SECO phải hạ thấp dự báo tăng trưởng năm 2015.

Cuộc khủng hoảng đồng rúp của Nga liên quan đến tình trạng bất ổn tại Ukraine và sự bất ổn trong khu vực đồng euro (eurozone) do vấn đề nợ Hy Lạp đã thúc đẩy đồng franc mạnh lên – theo truyền thống được coi là đồng tiền an toàn trong thời điểm khó khăn.

Các chuyên gia cho rằng các vấn đề bên ngoài vẫn đáng lo ngại và có thể tác động đáng kể đến dự báo tăng trưởng kinh tế Thụy Sĩ. Nếu Hy Lạp không thể tìm được giải pháp để được giải ngân khoản tiền cứu trợ còn lại thì đồng franc sẽ tiếp tục tăng giá so với euro.

Tuần trước, Viện nghiên cứu kinh tế Thụy Sĩ (KOF) cũng đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2015 của Thụy Sĩ còn 0,4%.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới