Thứ tư, 29/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Fed lo ngại khi thị trường lao động Mỹ còn ‘nóng’

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Sau khi thở phào nhẹ nhõm với tình hình lạm phát của Mỹ dịu lại, giới đầu tư lại bất an khi dữ liệu mới nhất cho thấy doanh nghiệp Mỹ tiếp tục tăng tốc tuyển dụng và tăng lương. Sức mạnh bền bỉ của thị trường lao động ở nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể khiến các quan chức Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) không vui vì họ lo ngại “điệp khúc” lương tăng, giá tăng sẽ phá hỏng thành quả chống lạm phát.

Trong tháng 11, số việc làm và tiền lương theo giờ ở Mỹ tăng lần lượt 263.000 và 0,6%, trong khi đó, mức dự báo chỉ là 200.000 và 0,3%. Ảnh: Bloomberg

Thị trường lao động Mỹ vẫn nóng ran, với nhiều doanh nghiệp đang tìm cách tuyển dụng và tăng lương bất chấp triển vọng kinh tế không chắc chắn.

Hôm 2-12, Bộ Lao động Mỹ cho biết nền kinh tế Mỹ đã tạo thêm 263.000 việc làm trong tháng 11, gần bằng mức tăng trung bình 282.000 của 3 tháng trước đó. Tăng trưởng việc làm tiếp tục vượt quá mức trung bình hàng tháng là 164.000 của năm 2019, dù một số tập đoàn công nghệ lớn gần đây đã tuyên bố sa thải hàng loạt nhân viên.

Tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ vẫn ở mức 3,7% trong tháng trước, mức thấp trong lịch sử và điều này đang đẩy tiền lương lên cao. Thu nhập trung bình mỗi giờ tăng 5,1% trong tháng 11 so với một năm trước đó, cao hơn nhiều so với tốc độ tăng khoảng 3% trước đại dịch Covid-19.

Tiền lương tăng mạnh nhất trong gần một năm khi các công ty cạnh tranh để thuê những tài năng khan hiếm. Một lý do lớn khiến doanh nghiệp Mỹ có thể tiếp tục tăng lương nhanh chóng là tỷ lệ tham gia lực lượng lao động vẫn ở dưới mức trước đại dịch và đã giảm thêm vào tháng trước.

Tình trạng thiếu hụt lao động thậm chí còn trở nên trầm trọng hơn vào tháng 11 khi ngày càng có nhiều người Mỹ rời bỏ lực lượng lao động.

Theo lập luận của Fed, lương của của người lao động tăng đồng nghĩa với khả năng chi tiêu nhiều hơn, dẫn đến lạm phát cao hơn, vì vậy Fed có thể sẽ đi đến quyết định rằng họ cần hành động quyết liệt hơn nữa để kìm hãm nhu cầu.

Beth Ann Bovino, nhà kinh tế trưởng tại S&P Global Ratings, nói: “Chúng ta đang có ít hơn khoảng 4 triệu người lao động so với xu hướng trước đại dịch, vì vậy chúng ta đang bị tụt lại rất xa. Fed không thể ép buộc mọi người đi làm. Tất cả những gì họ có thể làm là làm suy yếu nền kinh tế để cân bằng lại mọi thứ”.

Dù đã tăng chậm lại nhưng lạm phát của Mỹ vẫn ở mức gần mức cao nhất trong bốn thập niên. Các quan chức Fed đã nhiều lần nói rằng họ có thể nâng lãi suất lên và giữ chúng ở mức đủ cao để làm chậm hoạt động kinh tế và tuyển dụng, từ đó giúp giảm lạm phát.

Trong phiên giao dịch cuối tuần, các chỉ số chứng khoán Mỹ đã chùng xuống khi giới đầu tư đặt cược rằng mức đỉnh lãi suất trong chu kỳ siết chặt tiền tệ của Fed hiện nay sẽ tăng cao hơn dự kiến nhằm hạ nhiệt nền kinh tế. Chỉ số S&P 500 giảm khoảng 1,2% trước khi phục hồi và lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn hai năm tăng mạnh.

Trong khi con số 263.000 việc làm tạo ra trong tháng 11 gây bất ngờ vì các nhà kinh tế dự báo con số này chỉ khoảng 200.000, thì tốc độ tăng lương thậm chí còn gây ngạc nhiên nhiều hơn. Thu nhập trung bình mỗi giờ của người lao động Mỹ trong tháng trước tăng 0,6% so với tháng 10, cao hơn gấp đôi so với dự báo.

Mức tăng lương nhanh hơn nhiều so với kỳ vọng là do nguồn cung tài năng sẵn có đang bị thu hẹp. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động, về cơ bản là tỷ lệ người Mỹ đang làm việc hoặc tích cực tìm kiếm việc làm, giảm trong tháng thứ ba liên tiếp, điều chưa từng xảy ra trong hơn một thập niên. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động ở mức 62,1% trong tháng 11, thấp hơn đáng kể so với mức trước đại dịch Covid-19.

Chủ tịch Fed Jerome Powell phát biểu tại cuộc hội thảo về chủ đề lạm phát và thị trường lao động tại Viện Brookings ở Washington, Mỹ hôm 30-11. Ảnh: Getty

Khó khăn trong việc tìm kiếm dịch vụ chăm sóc trẻ em, tình trạng nghỉ hưu sớm và tỷ lệ nhập cư thấp hơn bình thường, tất cả đều góp phần khiến quy mô lực lượng lao động của Mỹ giảm so với trước đây. Fed đã hy vọng rằng khi nền kinh tế hạ nhiệt, nhiều người trong số những lao động đã nghỉ việc sẽ chịu áp lực phải đi làm trở lại, nhưng điều đó đã không xảy ra.

Thay vào đó, các công ty đang phải trả lương nhiều hơn để thu hút lao động và đó là một dấu hiệu cảnh báo đối với Fed. Kể từ khi giá cả ở Mỹ bắt đầu tăng mạnh vào năm ngoái, thu nhập của hầu hết người lao động đã tụt lại so với lạm phát. Nhưng các quan chức Fed vẫn lo ngại lương tăng sẽ kéo theo giá cả tăng và ngược lại trong một hiện tượng được gọi là vòng xoáy tiền lương-giá cả.

Điều đó vẫn chưa thành hiện thực nhưng là một mối nguy hiểm, Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết trong một cuộc hội thảo ở Viện Brookings ở Washington trong tuần này.

Ông Powell nói: “Lạm phát mà chúng ta đang thấy hiện nay không liên quan nhiều đến tiền lương. Nhưng chúng tôi nghĩ rằng việc tăng lương có lẽ sẽ là một phần rất quan trọng của câu chuyện sắp tới”.

Mặc dù các con số tiêu đề trong báo cáo của Bộ lao động Mỹ hôm 2-12 chỉ ra một thị trường việc làm đang phát triển mạnh mẽ, nhưng ẩn sâu trong các chi tiết là một vài dấu hiệu cho thấy mọi thứ có thể sẵn sàng hạ nhiệt.

Ví dụ, nhiều công việc mới được tạo ra tập trung ở các lĩnh vực như giải trí, du lịch, khách sạn, nhà hàng hoặc chính quyền địa phương sau khi chúng đã bị cắt giảm mạnh trong thời kỳ dịch bệnh và cho đến nay vẫn chưa phục hồi hoàn toàn. Trong khi đó, các ngành công nghiệp chính, bao gồm bán lẻ cũng như vận tải và kho bãi, đang cắt giảm nhân sự.

Các dữ liệu khác trong thời gian gần đây cũng cho thấy tăng trưởng việc làm có thể chậm lại trong thời gian tới. Các cơ hội việc làm đã giảm xuống, lượng đơn yêu cầu trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp tăng đều đặn trong những tuần qua và một cuộc khảo sát mới đây cho thấy ít hơn 20% chủ doanh nghiệp nhỏ dự định thuê nhân viên trong ngắn hạn.

Tuy nhiên, những tín hiệu đó đã bị lu mờ trước các con số việc làm và tiền lương đang tăng trưởng mạnh mẽ. Điều đáng chú ý là ngay cả những ngành đang gặp khó khăn như bất động sản hay công nghệ thông tin nhìn chung vẫn đang bổ sung thêm nhân viên.

Beth Ann Bovino, nhà kinh tế trưởng tại S&P Global Ratings, nói: “Thật tốt khi mọi người đang có việc làm và mọi người đang nhận được mức lương cao hơn. Nhưng nếu người lao động tiếp tục đòi hỏi tiền lương cao hơn để theo kịp với chi phí sinh hoạt tổng thể ngày càng tăng, thì cuối cùng, bạn sẽ chứng kiến vòng xoáy tiền lương- giá cả, điều mà Fed lo sợ nhất”.

Theo Bloomberg, WSJ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới