Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Fed “phát tín hiệu” đẩy nhanh việc tăng lãi suất?

Lạc Diệp

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) Sau khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) phát đi tín hiệu về việc đẩy nhanh tốc độ thắt chặt chính sách tiền tệ, nhiều ngân hàng trung ương cũng đã bắt đầu tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát đang ở mức cao kỷ lục. Xu thế này liệu có nhanh chóng mở rộng ra khắp thế giới?

Nhiều ngân hàng trung ương tiếp tục nâng lãi suất

Hôm 17-12, Ngân hàng trung ương Nga (CBR) đã nâng lãi suất chủ chốt thêm 100 điểm cơ bản, lên mức 8,5%. Đây đã là lần tăng lãi suất thứ bảy của CBR trong năm nay, từ mức thấp kỷ lục là 4,25% hồi tháng 3.

Việc CBR liên tục tăng lãi suất diễn ra trong bối cảnh lạm phát tại nước này đã tăng lên gần mức cao nhất trong vòng sáu năm qua, ảnh hưởng lớn lên đời sống của các hộ gia đình.

Trước đó một ngày, hôm 16-12 Ngân hàng trung ương Mexico (CBM), cũng tuyên bố tăng lãi suất chủ chốt thêm 50 điểm cơ bản, lên 5,5%, cao hơn so với dự đoán của giới chuyên gia. Quyết định nâng lãi suất tháng thứ năm liên tiếp của CBM là nhằm để ứng phó với mức lạm phát đang ở mức cao nhất trong vòng hai thập kỷ qua. Các số liệu mới nhất cho thấy, lạm phát tại quốc gia Trung Mỹ này trong tháng 11 đã tăng nhanh hơn dự kiến, đạt 7,37% – mức cao nhất kể từ đầu năm 2001.

Ngoài Nga và Mexico, nhiều ngân hàng trung ương khác cũng đã đưa ra các quyết định tương tự trong các cuộc họp chính sách diễn ra tuần trước, bao gồm Chile, Costa Rica, Pakistan, Hungary và Armenia công bố trong tuần này. Nhiều ngân hàng thừa nhận sẽ tiếp tục tiến hành các đợt tăng lãi suất khác trong năm tới.

Theo các chuyên gia, đây là xu thế khó tránh khỏi bởi các nước đang phát triển thường chịu nhiều tác động từ các quyết định chính sách của Fed. Với việc Fed đã tuyên bố đẩy nhanh việc rút các biện pháp kích thích kinh tế, mở đường cho các đợt tăng lãi suất trong năm 2022, các ngân hàng trung ương không thay đổi lãi suất, sẽ đối mặt với nguy cơ đồng nội tệ lao dốc mạnh, làm gia tăng lạm phát do chi phí nhập khẩu đắt đỏ hơn.

Các ngân hàng trung ương lớn thận trọng

Trong khi các quốc gia nghèo hơn đang phải phản ứng nhanh chóng và quyết liệt trước sự gia tăng phi mã của lạm phát, các quốc gia giàu có hơn, lại đang giữ thái độ thận trọng khi mới chỉ dự tính, hoặc thực hiện việc tăng lãi suất một cách cầm chừng.

Hôm 16-12, Ngân hàng trung ương Anh (BOE) đã trở thành ngân hàng trung ương lớn đầu tiên trên thế giới tăng lãi suất kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát hồi năm ngoái. Cụ thể, BOE đã tăng lãi suất chủ chốt thêm 15 điểm cơ bản, từ mức thấp kỷ lục 0,1% lên 0,25%.

Lạm phát tăng nhanh hơn dự báo và thị trường lao động tại Anh có vẻ khởi sắc là hai yếu tố khiến BOE quyết định tăng lãi suất. Giới chức ngân hàng này tin rằng, áp lực từ lạm phát gia tăng sẽ gây rủi ro với nền kinh tế nhiều hơn là biến thể Omicron gây dịch Covid-19.

Tuy nhiên, ngoài BOE, các ngân hàng trung ương lớn khác đều đang cân nhắc kỹ lưỡng giữa mối đe dọa từ lạm phát và nhu cầu phải hỗ trợ đà phục hồi kinh tế vẫn còn mong manh. Thậm chí, Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) đã quyết định vẫn tiếp tục duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ để hỗ trợ nền kinh tế và sẽ chỉ dừng chương trình mua trái phiếu vào cuối tháng 3-2022, bất chấp việc lạm phát tại khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã lên tới 4,9%. Trên cơ sở tin tưởng rằng lạm phát cao sẽ không thể kéo dài mãi, ECB đã phát đi tín hiệu về việc sẽ giữ nguyên lãi suất cơ bản trong năm 2022.

Theo các chuyên gia, nhìn chung các ngân hàng trung ương lớn có xu hướng hành động muộn hơn so với các nước đang phát triển vì hai lý do. Đầu tiên, họ tin rằng các hộ gia đình sẽ duy trì sự tín nhiệm đối với khả năng ngân hàng trung ương có thể giữ cho lạm phát không tăng quá cao – điều mà các cơ quan quản lý tiền tệ ở các nước đang phát triển không chắc chắn có được. Thứ hai, các hộ gia đình ở các quốc gia đang phát triển thường dành phần lớn thu nhập để mua những mặt hàng thiết yếu như thực phẩm và năng lượng – vốn đang có mức tăng giá mạnh nhất. Điều này buộc các nhà hoạch định chính sách phải hành động nhanh hơn để giảm lạm phát.

Các nước châu Á liệu có “nối gót” Fed?

Sự khác biệt lớn trong cách nhìn nhận vấn đề cũng xảy ra giữa các nước đang phát triển. Trong khi các ngân hàng trung ương tại Đông Âu và Mỹ Latinh đã tăng lãi suất chủ chốt, nhiều ngân hàng trung ương tại châu Á vẫn đang tiếp tục hành động thận trọng. Trong các cuộc họp chính sách vừa diễn ra tuần qua, các ngân hàng trung ương Indonesia, Philippines, Ai Cập, Mauritius và Đài Loan đã quyết định giữ nguyên lãi suất chính sách.

Theo Wall Street Journal, các nhà hoạch định chính sách ở khu vực châu Á ít phải lo ngại về nguy cơ lạm phát tăng cao hơn so với châu Âu và Bắc Mỹ, bởi khu vực này không phải đối mặt với tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng quá trầm trọng. Bên cạnh đó, các nước châu Á cũng không cần quá bận tâm về việc tình trạng thiếu hụt nhân công sẽ đẩy chi phí tiền lương lên mức cao hơn.

Trong khi đó, mối bận tâm của các ngân hàng trung ương châu Á lại đang dồn vào những rủi ro mà làn sóng lây nhiễm Covid-19 có thể gây ra cho đà phục hồi kinh tế vốn còn rất mong manh. Đối với các nền kinh tế này, rõ ràng biến thể Omicron là một mối đe dọa nghiêm trọng hơn nhiều so với lạm phát.

“Đà phục hồi kinh tế đang đối mặt với rủi ro suy giảm do sự xuất hiện của các biến thể Covid-19 mới cũng như khả năng các nước ngày càng thắt chặt chính sách tài chính tiền tệ”, Ngân hàng trung ương Philippines cho biết hôm thứ Năm tuần trước. “Do vậy, việc duy trì chính sách tiền tệ hiện hành để hỗ trợ nền kinh tế sẽ giúp duy trì đà tăng trưởng trong vài quí tới”.

Chia sẻ quan điểm này, chuyên gia kinh tế học Freya Beamish tại tổ chức tư vấn TS. Lombard cho biết: “Omicron cho thấy một sự bất ổn lớn hơn đối với nền kinh tế. Chúng tôi cho rằng, tác động lạm phát ở giai đoạn này khi chuỗi cung ứng đang dần thích nghi với điều kiện mới, có thể sẽ ít hơn nhiều so với các làn sóng dịch Covid-19 trước đây. Hiện tại, các ngân hàng trung ương dường như đang xem xét kỹ lưỡng các mối đe dọa thực sự đối với tăng trưởng”.

Tuy nhiên, xu hướng này được dự báo có thể dần thay đổi kể từ năm 2022. Một số chuyên gia kinh tế kỳ vọng, nhiều ngân hàng trung ương châu Á – ngoại trừ Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) và Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) sẽ tăng lãi suất trong năm 2022, vì lo ngại dòng vốn chạy sang Mỹ – nơi Fed sẽ tăng lãi suất. Kinh nghiệm gần đây của Thổ Nhĩ Kỳ – quốc gia đã liên tục cắt giảm lãi suất là một lời cảnh báo đáng chú ý, khi đồng lira của nước này đã lao dốc không phanh so với đô la Mỹ và lạm phát đang gia tăng mạnh.

Đối với Đông Nam Á, các chuyên gia tại Oxford Economics nhận định, các ngân hàng trung ương tại khu vực này có thể sẽ tiếp tục duy trì lãi suất chính sách cho tới đầu năm 2023, và không quá vội vàng với việc nâng lãi suất, trong bối cảnh nền kinh tế vẫn chưa hồi phục mức trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của khu vực hiện vẫn còn ít hơn 4-6% so với năm 2019.

Chuyên gia Sian Fenner – nhà kinh tế hàng đầu về châu Á của Oxford Economics dự báo Ngân hàng trung ương Indonesia sẽ chỉ xem xét đến sự thay đổi sau khi Fed bắt đầu tăng lãi suất, với thời điểm dự kiến có thể vào giai đoạn nửa cuối năm 2022. “Chúng tôi cũng kỳ vọng Malaysia, Thái Lan và Philippines sẽ giữ nguyên lãi suất ít nhất là tới hết quí 1-2023”.

Mức độ tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương châu Á cũng sẽ là một vấn đề được các chuyên gia chú ý. Các chuyên gia kinh tế tại Deutsche Bank (Đức) cho rằng, các ngân hàng trung ương châu Á – ngoại trừ PBoC, sẽ tăng lãi suất trong năm 2022 với mức độ tương tự như Fed. Đây không phải là điều ngẫu nhiên, bởi ổn định tiền tệ là một ưu tiên chính sách quan trọng.

Trước đó, Fed từng thông báo sẽ thực hiện ba đợt tăng lãi suất trong năm 2022 để đưa lãi suất từ mức 0-0,25% hiện nay lên quanh ngưỡng 0,75-1%, sau đó sẽ thực hiện tiếp thêm hai đợt tăng lãi suất trong năm 2023.

Nguồn: WSJ, Reuters, Inquirer, Financial Times, Bloomberg

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới