Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

FED và cuộc cách mạng bất đắc dĩ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

FED và cuộc cách mạng bất đắc dĩ

Chủ tịch Cục dự trữ liên bang Mỹ, ông Ben Bernanke -Ảnh: Reuters

(TBKTSG Online)- Cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay, mà nhiều người cho là có quy mô lớn nhất từ sau thời kỳ đại suy thoái, đã khiến Chủ tịch Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED), Ben Bernanke, buộc phải có những bước đi táo bạo.

Người khổng lồ lâm bệnh

Hiện nay, mức chi tiêu trong khu vực cá nhân và hộ gia đình ở Mỹ đang chững lại đáng kể. Điều đó có thể dẫn đến tiếp tục cắt giảm việc làm trong những tháng tới và làm trầm trọng hơn tình trạng suy thoái.

Từ năm 2000 đến nay, người tiêu dùng Mỹ đang gánh trên vai khoản nợ khổng lồ, nhiều hơn cùng kỳ của thập kỷ trước đến 3.000 tỉ đô la Mỹ, theo tính toán của tờ BusinessWeek. Nếu chính quyền không có kế hoạch hỗ trợ, họ cần ít nhất 4-5 năm nữa để “kéo cày” trả nợ.

Điều đáng quan tâm là nhiều tổ chức cho vay không còn là một công ty độc lập như trước. Chẳng hạn, Công ty Countrywide Financial đã cho cá nhân vay mua nhà đến 2.000 tỉ đô la Mỹ từ năm 2000 đến 2006, đang được Ngân hàng trung ương Mỹ thương thảo mua lại. Điều này có thể gây ra những khó khăn đáng kể trong quá trình thu hồi nợ.

Mặt khác, trong mấy năm qua, giá trị đồng đô la Mỹ so với đồng tiền các đối tác thương mại chính của Mỹ đã giảm khoảng 10%. Điều đó kích thích xuất khẩu của Mỹ tăng đến 8%, trong lúc nhập khẩu chỉ tăng 2% trong năm qua. Tuy nhiên, nếu đồng đô la Mỹ trượt giá lâu dài, những nhà đầu tư nước ngoài sẽ thấy giá trị đầu tư của họ ở Mỹ giảm nhanh. Họ sẽ tìm cách rút tiền ra khỏi nước Mỹ và góp phần đẩy giá trị đồng đô la rớt giá nhanh hơn.

Trong tình hình như vậy, vũ khí của Mỹ chỉ có thể là in thêm tiền, và càng làm như thế thì đồng đô la càng tụt dốc nhanh hơn. Dĩ nhiên, các nhà kinh tế không tin một kịch bản như thế sẽ xảy ra.

Do đây vẫn là đồng tiền quan trọng nhất thế giới, một cuộc khủng hoảng nội bộ ở nước Mỹ có thể nhanh chóng lan ra toàn cầu. Các hệ thống tài chính trên thế giới biết tự điều chỉnh, ngân hàng trung ương các nước bắt tay phối hợp cắt giảm lãi suất. Nhưng trước khi điều đó xảy ra, FED đã chứng tỏ rằng, tuy lâm bệnh nhưng nền kinh tế Mỹ không dễ bị quật ngã.

Những động thái kiên quyết

Từ một nhà kinh tế hàn lâm, không quan tâm nhiều đến những “ánh hào quang” quanh chiếc ghế Chủ tịch FED, Bernanke đang buộc phải tiến hành các giải pháp tăng cường mạnh mẽ vai trò của Ngân hàng trung ương Mỹ. Ông đang tạo tiền đề cho những thay đổi lớn sắp tới, dù người ta chưa khẳng định được đó là bùng nổ thực sự hay bùng nổ theo kiểu bong bóng. Trước mắt, Bernanke đang tiến hành một “cuộc chiến” nhằm giữ cho thị trường tài chính Mỹ khỏi sụp đổ.

Động thái lớn nhất và mới nhất của FED là đứng ra làm trung gian môi giới cho vụ JP Morgan Chase mua lại ngân hàng đầu tư Bear Stearns đang rơi vào tình trạng khó khăn, vào ngày 16-3 vừa qua. FED cũng thông báo sẵn sàng cho các công ty môi giới chứng khoán vay trực tiếp, chuyện chưa từng xảy ra trước đây.

Những bước đi đó cho thấy mức độ can thiệp trực tiếp vào thị trường tài chính của FED đang thay đổi và chứng tỏ ông Bernanke sẵn sàng đưa ra bất kỳ biện pháp cần thiết nào để ngăn chặn một thảm họa về mặt tài chính.

Đồng thời, Bernanke cũng tỏ ra khá kiên quyết khi quyết định “bơm” một lượng tiền lớn vào hệ thống tài chính. Dĩ nhiên, rất khó cảm nhận ngay hiệu quả trọn vẹn của việc này, do các ngân hàng đang miễn cưỡng cho vay và người tiêu dùng cũng đang ngại đi vay.

Đi xa hơn người tiền nhiệm

Nhìn chung, Bernanke đang theo đuổi đường lối của cựu chủ tịch FED Alan Greenspan, người từng cho rằng vai trò thích hợp của FED là làm dịu các tác động vào giai đoạn cuối của một quá trình bùng phát chứ không phải cố làm nổ tung “bong bóng” trước. Nhưng có vẻ như Bernanke đang đi xa hơn người tiền nhiệm trong việc đối phó với thời kỳ bong bóng kinh tế đang muốn nổ tung ở Mỹ.

Ông đã sáng tạo ra các phương thức bơm tiền mới vào một hệ thống tài chính còn “sức đề kháng”. Chẳng hạn, theo quy chế tín dụng giao dịch cơ bản được công bố hôm 16-3 vừa qua, FED có thể cho những công ty môi giới như Lehman Brothers vay hàng trăm tỉ đô la Mỹ để giúp những công ty này thoát khỏi tình trạng hoảng loạn như Bear Stearns từng gặp phải. Những giải pháp như vậy được cho là khá “mạnh tay”.

Công ty nghiên cứu Capital Economics, có cơ sở ở London, đã tính toán chỉ số M3 (chỉ số đo lường quy mô khối tiền tệ trong nền kinh tế, bao gồm tiền mặt, các khoản tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn, tiền gửi tiết kiệm, tiền gửi định kỳ có số dư lớn của cá nhân và tổ chức) ở Mỹ đã tăng lên 15% so với một năm trước, mức tăng cao nhất trong vòng 37 năm qua. Với chính sách tiền tệ như vậy, toa thuốc cắt giảm lãi suất càng lúc càng lớn là hệ quả tất nhiên.

Trong quá khứ, đợt suy thoái năm 2001 đã thực sự kết thúc vào tháng 11 năm đó, nhưng ông Greenspan phải duy trì việc cắt giảm lãi suất cho đến hơn hai năm sau đó để tránh giảm phát. Đợt FED cắt giảm lãi suất cuối cùng xuống còn 1% rơi vào tháng 6-2003 và mức lãi suất đó được duy trì cho đến năm 2004.

Sắp tới, Bernanke sẽ phải cân nhắc thận trọng việc thu hồi các nguồn vốn cho vay. Các nhà phân tích cho rằng ông không thể ngưng quá trình kích thích tài chính cho đến khi tổng thống Bush hay người kế nhiệm đưa ra được một kế hoạch giảm gánh nặng của nợ xấu đang tràn lan ở Mỹ.

Kế hoạch đó có thể buộc những tổ chức cho vay giảm mức thế chấp hoặc đưa ra những chương trình loại bỏ nợ xấu trong sổ sách của các định chế tài chính hay các nhà đầu tư. Những chương trình như vậy không thể triển khai trong ngày một ngày hai. Vấn đề lớn cần giải quyết là phân chia những khoản thiệt hại lớn cho các chủ nhà, nhà đầu tư hay người nộp thuế như thế nào.

DANH VĂN (Theo BusinessWeek)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới