Thứ Sáu, 26/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Fintech, blockchain, ESG – điểm đến của dòng tiền đầu tư mạo hiểm

Dũng Nguyễn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Làn sóng khởi nghiệp công nghệ tăng nhanh đã “kích hoạt” dòng vốn đầu tư mạnh mẽ vào nhiều lĩnh vực liên quan, trong số này các “kỳ lân tiềm năng” còn “ẩn nấp” ở nhóm fintech, blockchain và ESG (Environmental, Social and corporate Governance/Môi trường, Xã hội và Quản trị).

Theo báo cáo “Những người khổng lồ mới nổi ở châu Á – Thái Bình Dương” do KPMG và HSBC công bố mới đây, dòng vốn đầu tư đạt mức kỷ lục trong năm 2021, dự kiến tiếp tục duy trì trong năm 2022.

Đây là nghiên cứu dựa trên 6.472 công ty khởi nghiệp chuyên về công nghệ được định giá lên tới 500 triệu đô la Mỹ tại 12 thị trường, trong đó có nhóm 10 công ty được đánh giá là “Những người khổng lồ mới nổi” đứng đầu mỗi thị trường.

Theo báo cáo, sự nổi lên của nhóm “dịch vụ dọc” mới đang thu hút lượng đầu tư cao “chưa từng thấy”, kéo theo đó là hàng loạt công ty khởi nghiệp có cả quy mô lẫn giá trị lớn hơn xuất hiện với tốc độ rất nhanh chóng trong khu vực.

“Các doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ tăng trưởng nhanh trở thành làn sóng doanh nghiệp vừa và nhỏ mới đóng góp cho tăng trưởng kinh tế và nhiều mặt khác”, ông Honson To, Chủ tịch KPMG châu Á-Thái Bình Dương và KPMG Trung Quốc nhận định.

Dòng tiền đầu tư mạo hiểm tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương năm 2021 đạt kỷ lục cả về số lượng và giá trị thương vụ.

Thống kê cho thấy tổng số kỳ lân trong khu vực trong năm 2021 tăng hơn 25% lên 450 công ty. Tổng giá trị đầu tư từ các quỹ mạo hiểm tư nhân trên châu Á – Thái Bình Dương chiếm hơn 25%, tương đương 67% so với năm 2020 và hơn gấp đôi năm 2018.

Dự báo trong năm nay, dịch vụ số vẫn tiếp tục phát triển mạnh mẽ dù quy mô vốn mạo hiểm ít khả năng vượt mức kỷ lục năm 2021, dẫn đầu bởi Trung Quốc, Ấn Độ và Đông Nam Á.

Dòng vốn này được kỳ vọng sẽ tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng cho những lĩnh vực kinh doanh liên quan đến công nghệ. Ngoài những ngành truyền thống gắn liền với các doanh nghiệp trong lĩnh vực kinh tế mới như công nghệ tài chính (fintech) hay phần mềm dịch vụ (software-as-a-service-SaaS), báo cáo cũng chỉ ra có khoảng 120 lĩnh vực liên quan đến công nghệ trong số các doanh nghiệp này.

Lĩnh vực fintech tăng nóng nhờ làn sóng phổ cập thanh toán số ở ASEAN ngày càng mạnh mẽ. Ảnh: Theasianbanker

Ứng dụng công nghệ tài chính tăng trưởng nhanh

Khu vực châu Á – Thái Bình Dương đang trải qua thời kỳ bùng nổ về chuyển đổi dịch vụ tài chính trong vòng hai năm qua, khi người dùng nhiệt tình đón nhận ứng dụng fintech. Trong đó, đại dịch Covid-19 đã góp phần đẩy nhanh xu hướng này.

“Những gì diễn ra trong vòng hai năm qua có lẽ tương đương với tốc độ ứng dụng công nghệ của năm năm trước cộng lại, với quy mô chuyển đổi trong dịch vụ tài chính diễn ra nhanh hơn hẳn các ngành khác”, báo cáo nhận định.

Nhiều ứng dụng công nghệ tài chính phức tạp đã xuất hiện, tiếp cận đến khái niệm “siêu ứng dụng”. Ví dụ như tại Indonesia, chính phủ cho biết 90% người dùng internet trên 18 tuổi đều đã từng mua hàng trực tuyến.

Trong báo cáo về đầu tư nửa đầu năm 2022, hãng kiểm toán và tư vấn PwC cũng đánh giá dịch vụ tài chính chỉ đứng sau nhóm công nghệ thông tin về số lượng thương vụ M&A, chiếm gần 1/4 giá trị thương vụ trong nửa đầu năm 2022. “Việc tiếp tục tập trung vào công nghệ, nhu cầu đầu tư bền vững và định giá thấp hơn sẽ giữ cho hoạt động M&A sôi động hơn trong nửa cuối năm”, báo cáo nhận định.

Quan tâm tiền mã hóa, chuỗi khối nhiều hơn

Thống kê cho thấy tỷ lệ sử dụng tiền mã hóa ở khu vực Hong Kong và Singapore đang gia tăng, tương tự như một số thị trường mới nổi khác như Ấn Độ và Việt Nam.

Tính chung cả khu vực, giao dịch mã hóa trong năm 2021 tăng tám lần so với năm trước, chiếm 14% tổng giao dịch của cả thế giới, theo Chainalysis Global Crypto Adoption Index năm 2021 (Chỉ số mức độ phổ biến tiền mã hóa toàn cầu năm).

Mức độ quan tâm đến tiền mã hóa tương đối lớn cũng kéo theo sự xuất hiện của nhiều nhà cung cấp dịch vụ tài chính mã hóa và người chơi chuỗi khối (blockchain).

Nghiên cứu của KPMG và HSBC cũng chỉ ra rất nhiều khoản đầu tư chạy vào các nhánh nhỏ hơn liên quan đến chuỗi khối như tài sản mã hóa NFT (non-fungible token) và tài chính phi tập trung, chiếm hơn 25% “người khổng lồ mới nổi” liên quan đến những dịch vụ ngành dọc này. Tương tự, dòng tiền cũng chảy mạnh vào những khái niệm khác trong tài sản số như vũ trụ ảo và web 3.0.

Trong thời gian qua, nhiều kỳ lân liên quan đến blockchain ra đời. Chẳng hạn như hai kỳ lân Amber Group ở Hong Kong và Matrixport đều là nhà cung cấp dịch vụ tài chính mã hóa. Các công ty chuỗi khối mới nổi có thể kể đến Sky Mavis (trò chơi ứng dụng NFT của Việt Nam), Dunamu (chủ sở hữu sàn giao dịch tài sản số của Hàn Quốc) và Hyperchain (công ty quản lý tài sản số phi tập trung của Trung Quốc).

ESG trở thành trọng tâm đầu tư

Trên khắp thế giới, áp lực đặt các yếu tố môi trường, xã hội và quản trị – ESG (environmental, social and governance/Môi trường, Xã hội và Quản trị) làm trọng tâm trong chiến lược kinh doanh và đầu tư ngày càng gia tăng, khu vực châu Á – Thái Bình Dương cũng không phải ngoại lệ. Mặt khác, chính phủ và các doanh nghiệp trong lĩnh vực kinh tế mới cũng sẽ cần hợp tác nhằm đối phó với thử thách về biến đổi khí hậu.

Do đó, nhiều doanh nghiệp đang lồng ghép yếu tố bền vững và ESG vào dịch vụ và sản phẩm của mình. Một số khác đang tận dụng việc phân tích dữ liệu để đi trước đối thủ cạnh tranh trong việc thấu hiểu khách hàng.

Chiến lược chuyển dịch này cùng các mục tiêu môi trường khác, sẽ đòi hỏi rất nhiều sáng tạo trong hầu hết mọi ngành, từ sản xuất và giao thông đến phân tích dữ liệu và tài chính. Ví dụ như ở Hong Kong và Singapore, ngành tài chính ngày càng cần các doanh nghiệp cung cấp và phân tích dữ liệu ESG phục vụ đầu tư cần thiết, đảm bảo tuân thủ các yêu cầu về báo cáo.

20 lĩnh vực đầu tư trọng yếu của nhóm “Những người khổng lồ mới nổi”.

Thách thức cũng không nhỏ

Thách thức trong dòng chảy mới hiện nay là sự phức tạp về luật pháp, đặc biệt là sự điều chỉnh liên tục các quy định nhà nước nhằm phù hợp với sự phát triển của các doanh nghiệp số.

Một yếu tố ảnh hưởng đến những nơi các công ty đa quốc gia đặt cơ sở hoạt động là mức thuế toàn cầu. Hiện các biện pháp chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển lợi nhuận toàn cầu (BEPS) sẽ định hình mức thuế doanh nghiệp tối thiểu tại các thị trường liên quan.

Thách thức tiếp theo là về vốn. Chẳng hạn, để đạt các “mục tiêu phát triển bền vững” của Liên hợp quốc vào năm 2030, khu vực này sẽ cần đầu tư 1,5 tỉ đô la Mỹ mỗi năm, tương đương 5% GDP, theo ước tính của Ủy ban Kinh tế và Xã hội của Liên hợp quốc về châu Á và Thái Bình Dương.

Thách thức khác là thiếu hụt nhân tài và lao động. Đây được đánh giá là một trong những thách thức gây áp lực nhất cho nhiều doanh nghiệp tại mọi nơi ở châu Á – Thái Bình Dương, đặc biệt là trong bối cảnh nhu cầu nhân tài công nghệ tăng cao, đặc biệt ở nhóm doanh nghiệp khởi nghiệp trong khu vực.

“Công nghệ không thể đem lại năng suất tốt nếu thiếu đi nhân tố con người với kỹ năng cần thiết để tạo ra điều đó. Trong tương lai, vấn đề lớn sẽ là làm cách nào giữ chân được nhân tài trọng yếu”, báo cáo nhận định.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới