Thứ Năm, 28/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

FinTech đâu chỉ có thế!

Phan Minh Ngọc

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang dự thảo nghị định quy định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính (FinTech) trong lĩnh vực ngân hàng. Bài viết nêu ra một số vấn đề góp ý cho dự thảo này.

Công ty FinTech không chỉ hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng

Khoản 1 điều 3 của dự thảo có giải thích khái niệm “giải pháp công nghệ tài chính (giải pháp FinTech)” nhưng chỉ bó hẹp phạm vi trong lĩnh vực ngân hàng. Trong khi đó, khoản 2 của điều này giải thích về “công ty công nghệ tài chính (công ty FinTech)” là tổ chức phi ngân hàng cung ứng “giải pháp FinTech” ra thị trường.

Do cụm từ “giải pháp FinTech” được dùng chung trong cả hai khoản mục, vô hình trung dự thảo đã đánh đồng các công ty FinTech nói chung thành công ty FinTech hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng, cung cấp các giải pháp FinTech chỉ trong lĩnh vực ngân hàng. Hậu quả của việc này là sự có thể đặt ra ngoài vòng pháp luật hoặc không công nhận các giải pháp FinTech và công ty FinTech không trong lĩnh vực ngân hàng, sau khi cơ chế thử nghiệm đã hoàn thành và FinTech ngân hàng được cấp phép triển khai cả nước.

Danh sách các giải pháp FinTech trong lĩnh vực ngân hàng quá hạn hẹp

Tương tự vấn đề nêu trên ở khía cạnh phạm vi quy định hạn hẹp. Điều 7 liệt kê sáu giải pháp FinTech trong lĩnh vực ngân hàng được phép thử nghiệm tại cơ chế thử nghiệm. Tuy nhiên, giải pháp FinTech trong lĩnh vực ngân hàng không chỉ có vậy, mà còn có thêm, chẳng hạn, giải pháp FinTech trong lĩnh vực thanh toán nội địa/quốc tế (qua hoặc không qua tài khoản ngân hàng), là giải pháp không nằm trong sáu giải pháp FinTech được phép thử nghiệm trong dự thảo.

Nên khuyến khích gián tiếp sự tham gia thử nghiệm thông qua quy định siết chặt hoạt động của các công ty FinTech không (được) tham gia, chẳng hạn chỉ được phép hoạt động trong một số lĩnh vực, trong một phạm vi và với đối tượng rất hạn hẹp…

Nếu chỉ giới hạn ở danh sách được phép như trên thì đến khi nhà làm chính sách gặp sức ép từ nhu cầu của thị trường phải xem xét cấp phép bổ sung các giải pháp FinTech (mới) khác thì họ sẽ lại phải ra một nghị định mới quy định về một cơ chế thử nghiệm mới.

Họ cũng sẽ lại phải sửa lại các luật có liên quan, như nói thêm dưới đây. Các quá trình này sẽ kéo dài hàng năm, ảnh hưởng tiêu cực đến sự phổ cập các công nghệ tài chính mới có ích lợi cho quốc dân.

Thiếu khuyến khích tham gia thử nghiệm

Điều 6 dự thảo quy định, đối với tổ chức tín dụng, công ty FinTech không có nhu cầu tham gia cơ chế thử nghiệm hoặc không được tham gia cơ chế thử nghiệm do không đáp ứng đầy đủ các tiêu chí tham gia cơ chế thử nghiệm theo quy định tại nghị định này, các tổ chức này hoạt động và tuân thủ theo các quy định của pháp luật hiện hành.

Trong khi đó, trong toàn bộ dự thảo không thấy đề cập đến quyền lợi của các công ty FinTech tham gia cơ chế thử nghiệm, nhất là so với các công ty FinTech không (được) tham gia, như một hình thức khuyến khích hay tưởng thưởng cho sự tình nguyện làm “vật thí nghiệm” cho cơ chế thử nghiệm.

Điều này càng được thể hiện rõ khi xem xét vế ngược lại, về trách nhiệm, nghĩa vụ. Các công ty tham gia thử nghiệm lại bị ràng buộc, hạn chế và chế tài bởi nhiều nghĩa vụ và trách nhiệm trong dự thảo, trong khi các công ty không tham gia thì đương nhiên là không bị, bởi… không tham gia cơ chế thử nghiệm.

Một trong những gợi ý chính sách ở đây là khuyến khích gián tiếp sự tham gia thử nghiệm thông qua quy định siết chặt hoạt động của các công ty FinTech không (được) tham gia, chẳng hạn chỉ được phép hoạt động trong một số lĩnh vực, trong một phạm vi và với đối tượng rất hạn hẹp, ít nhất cho đến khi khuôn khổ pháp lý về dịch vụ và công ty FinTech được xây dựng hoàn chỉnh.

Hoặc việc xin giấy phép hoạt động chính thức hoặc giải pháp FinTech của các công ty FinTech không (được) tham gia thử nghiệm sẽ bị kéo dài và/hoặc xem xét khắt khe hơn, xếp hàng ưu tiên dưới các công ty có tham gia sau khi cơ chế thử nghiệm hoàn tất và các quy định pháp luật liên quan được xây dựng và ban hành.

Mâu thuẫn về quy định pháp lý

Cần lưu ý rằng giải pháp cho vay ngang hàng, một trong những giải pháp được phép thử nghiệm trong dự thảo, theo đúng nghĩa thì chính là một hoạt động ngân hàng (hoạt động cho vay, cấp tín dụng). Trong khi đó, điều 8 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 “nghiêm cấm cá nhân, tổ chức không phải là tổ chức tín dụng thực hiện hoạt động ngân hàng, trừ giao dịch ký quỹ, giao dịch mua, bán lại chứng khoán của công ty chứng khoán”. Vì, cũng như dự thảo nêu rõ, công ty FinTech không phải là tổ chức tín dụng nên đương nhiên chúng bị cấm cho vay ngang hàng theo Luật Các tổ chức tín dụng.

Nay, theo dự thảo, hoạt động cho vay (ngang hàng) của công ty FinTech lại được phép và công nhận (dù chỉ là trong giai đoạn thử nghiệm). Điều này mâu thuẫn/trái với quy định liên quan trong Luật Các tổ chức tín dụng (cấm hoạt động này). Vì nghị định là văn bản dưới luật nên để dự thảo nghị định được hoàn thiện và ban hành thành nghị định mà không trái luật thì phải sửa Luật Các tổ chức tín dụng, bổ sung thêm điều khoản về FinTech và công ty FinTech (và sự thử nghiệm của chúng, sự trao quyền cho NHNN tiến hành thử nghiệm…).

Sự cho phép công ty FinTech được thử nghiệm hoạt động cho vay ngang hàng như theo dự thảo còn mâu thuẫn/trái với chính nó. Điều 9 quy định về điều kiện và tiêu chí tham gia cơ chế thử nghiệm. Theo đó, một trong các tiêu chí để giải pháp FinTech được tham gia thử nghiệm phải là “giải pháp mà nội dung kỹ thuật và nghiệp vụ hoàn toàn chưa được quy định tại bất kỳ văn bản quy phạm pháp luật nào hoặc quy định pháp lý hiện hành chưa có hướng dẫn cụ thể, rõ ràng cho việc triển khai, áp dụng” (khoản 3, mục a).

Chiếu theo điều khoản này thì thực ra hoạt động cho vay, cấp tín dụng dưới hình thức cho vay ngang hàng không được phép đưa ra thử nghiệm vì nó đã được quy định rõ tại Luật Các tổ chức tín dụng (bị cấm bởi luật này, bởi công ty FinTech không phải là tổ chức tín dụng). Do đó, một lần nữa có thể thấy để ban hành nghị định về cơ chế thử nghiệm này thì cần trước hết phải sửa Luật các tổ chức tín dụng.

Các giải pháp FinTech trong lĩnh vực ngân hàng được phép thử nghiệm tại cơ chế thử nghiệm:
1. Cấp tín dụng trên nền tảng công nghệ.
2. Chấm điểm tín dụng.
3. Chia sẻ dữ liệu qua giao diện lập trình ứng dụng (API).
4. Cho vay ngang hàng (P2P Lending).
5. Ứng dụng công nghệ chuỗi khối, sổ cái phân tán (Blockchain Technology, DLT) trong hoạt động ngân hàng.
6. Ứng dụng các công nghệ khác trong hoạt động nghiệp vụ ngân hàng, triển khai mô hình hợp tác kinh doanh đổi mới sáng tạo phù hợp với mục tiêu của cơ chế thử nghiệm quy định tại điều 4 nghị định này.
(Theo điều 7, dự thảo nghị định quy định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động FinTech trong lĩnh vực ngân hàng).

Thực tiễn hoạt động FinTech tại Việt Nam:
Một vài năm gần đây đã chứng kiến sự hình thành và phát triển của số lượng lớn các công ty FinTech tham gia vào nhiều mảng hoạt động tại thị trường Việt Nam. Số lượng các công ty có hoạt động hoặc tham gia cung ứng dịch vụ, giải pháp FinTech tại Việt Nam đã tăng nhanh chóng từ khoảng 40 công ty vào cuối năm 2016 lên đến khoảng 200 công ty ở thời điểm hiện tại với nhiều mảng, lĩnh vực hoạt động khác nhau như thanh toán, cho vay ngang hàng (P2P Lending), chấm điểm tín dụng, quản lý tài chính cá nhân,… Trong số đó, các công ty hoạt động trong lĩnh vực thanh toán chiếm tỷ trọng lớn với 47 tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán đã được NHNN cấp giấy phép, còn trong lĩnh vực cho vay ngang hàng là khoảng 100 công ty với nhiều công ty có vốn đầu tư nước ngoài. Lĩnh vực FinTech còn thu hút được sự tham gia của nhiều công ty công nghệ lớn trong nước, thường là các công ty có thế mạnh về công nghệ, có tập khách hàng lớn như FPT, Viettel, VNPT, Vingroup… thông qua các hoạt động trực tiếp đầu tư hình thành các công ty cung ứng giải pháp FinTech, hay gián tiếp thông qua thành lập các quỹ đầu tư, tạo vườn ươm hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp FinTech…
Sự phát triển nhanh chóng, mở rộng phạm vi của FinTech đã khiến cơ quan quản lý tài chính – tiền tệ của nhiều quốc gia phải đối mặt với những khó khăn, thách thức trong công tác quản lý, giám sát như nguy cơ rửa tiền và tài trợ khủng bố (AML/CFT), đảm bảo an ninh mạng, bảo vệ dữ liệu người dùng, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và nhà đầu tư… Cũng như nhiều cơ quan quản lý trên thế giới, NHNN và một số cơ quan liên quan cũng đang gặp phải những thách thức mới trong công tác quản lý nhà nước với sự xuất hiện của các công ty FinTech cung ứng hoặc tham gia, hợp tác cung ứng dịch vụ, giải pháp trong nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác nhau như cho vay ngang hàng, thanh toán, chuyển tiền xuyên biên giới, quản lý tài chính cá nhân, chia sẻ dữ liệu qua giao diện lập trình ứng dụng, chấm điểm tín dụng…
Các mảng, lĩnh hoạt động này của các công ty FinTech kể trên hầu hết hiện chưa có khung pháp lý toàn diện hoặc quy định pháp lý cụ thể để điều chỉnh, do đó tiềm ẩn rủi ro, hệ lụy tiêu cực trên một số phương diện như cạnh tranh công bằng, ổn định tài chính, an ninh mạng và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Thêm vào đó, xu hướng phát triển đan xen cùng hợp tác – cạnh tranh nêu trên đặt ra nhiều vấn đề thách thức về mặt chính sách, quy định đối với các cơ quan quản lý nhà nước trong việc cân đối giữa thúc đẩy đổi mới sáng tạo, cạnh tranh công bằng giữa các tổ chức tài chính truyền thống và công ty FinTech với đảm bảo ổn định tài chính, bảo vệ người tiêu dùng.
Đơn cử như trong hoạt động cho vay ngang hàng nổi lên tại Việt Nam trong giai đoạn gần đây, một số công ty lấy danh nghĩa mô hình P2P Lending lợi dụng sự thiếu kiến thức, hiểu biết của người dân để lừa bịp, gian dối, quảng cáo sai sự thật, hứa hẹn lợi nhuận cao, lãi suất cao để lừa đảo, chiếm đoạt tiền vốn của người dân bỏ tiền đầu tư vào mô hình cho vay này hoặc lừa dối người vay về lãi suất “thấp”, điều kiện vay ưu đãi trong khi tính và áp dụng mức lãi suất thực tế cao “cắt cổ”, tác động tiêu cực đến cuộc sống của người dân. Một số thỏa thuận giữa các bên tham gia trong mô hình P2P Lending (công ty P2P Lending và nhà đầu tư, công ty P2P Lending và bên thứ ba, công ty P2P Lending và khách hàng vay…) thiếu rõ ràng, minh bạch, thiếu ràng buộc có tính pháp lý, chưa có cơ chế giám sát, hậu kiểm đối với việc sử dụng, quản lý vốn vay đúng mục đích của người đi vay, nên có thể dẫn đến tranh chấp, khiếu kiện giữa các bên.
(Theo dự thảo tờ trình của NHNN về nghị định quy định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động FinTech trong lĩnh vực ngân hàng).

1 BÌNH LUẬN

  1. Fintech, nếu hiểu theo dự thảo nghị định này chỉ tập trung vào lĩnh vực ngân hàng (huy động vốn/ cấp tín dụng/ dịch vụ thanh toán/ ngoại hối), và không thể bao quát hết các lĩnh vực khác có liên quan đến hệ thống tài chính nói chung. Do đó cần gọi đúng tên là Fintech ngân hàng, chứ không phải giải pháp Fintech chung chung… Cho vay ngang hàng thực ra chỉ là một giải pháp fintech về mặt giao dịch vay mượn thuần túy, được chi phối bởi luật dân sự là chủ yếu, do đó không nên đặt vấn đề gắn mô hình này với mô hình tổ chức tín dụng chính thống. Cần có sự phân biệt rõ giữa giải pháp nền tảng công nghệ số và giải pháp nghiệp vụ đặc thù, từ đó có định hướng quản lý nhà nước phù hợp, không quá tả cũng như quá hữu, tạo môi trường thuận lợi cho không gian sáng tạo phát triển.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới