Thứ Bảy, 27/07/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

FLC lùi ngày họp đại hội đồng cổ đông năm 2022

Vân Phong

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Hội đồng quản trị (HĐQT) Công ty cổ phần Tập đoàn FLC vừa hủy ngày chốt quyền (23-3) để tham dự họp đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) năm 2022 và xin gia hạn ngày họp, chậm nhất tới 30-6-2022.

Thông tin này được nêu tại văn bản báo cáo thông tin gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM, được ký bởi bà Bùi Hải Huyền – Tổng giám đốc FLC.

Trước đó, ông Đặng Tất Thắng – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC – đã thay mặt HĐQT ký ban hành Nghị quyết về việc hủy ngày 23-3-2022 là ngày chốt danh sách cổ đông tham dự kỳ họp đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022. Ngoài ra, HĐQT FLC cũng gia hạn thời gian tổ chức đại hội cổ đông thường niên năm nay, chậm nhất tới 30-6-2022.

Theo nội dung Khoản 2, Điều 139 Luật Doanh nghiệp 2020, Đại hội đồng cổ đông phải họp thường niên trong thời hạn 4 tháng kể từ ngày kết thúc năm tài chính, trừ trường hợp Điều lệ công ty có quy định khác.

Hội đồng quản trị quyết định gia hạn họp ĐHĐCĐ thường niên trong trường hợp cần thiết, nhưng không quá 6 tháng kể từ ngày kết thúc năm tài chính.

Tập đoàn FLC và cá nhân liên quan liên tục bị xử phạt vì vi phạm công bố thông tin. Ảnh minh hoạ: H. Thắng.

Quyết định lùi ngày họp ĐHĐCĐ thường niên được HĐQT FLC đưa ra trong bối cảnh doanh nghiệp ghi nhận nhiều khó khăn.

Về nhân sự, ông Trịnh Văn Quyết, bà Hương Trần Kiều Dung đã bị Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an (C01) khởi tố, tạm giam để điều tra về tội thao túng thị trường chứng khoán, theo Điều 211 Bộ luật Hình sự.

Hiện HĐQT Tập đoàn FLC còn 3 thành viên, gồm ông Đặng Tất Thắng, bà Bùi Hải Huyền, ông Lã Quý Hiển. Trong đó, ông Thắng đảm nhận vai trò Chủ tịch FLC và Bamboo Airways thay cho ông Quyết từ 31-3 cho đến khi ĐHĐCĐ và HĐQT có quyết định mới.

Như vậy, các cổ đông tham dự cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2022 của FLC nhiều khả năng sẽ phải bầu bổ sung thành viên HĐQT thay thế cho ông Quyết và bà Dung.

Về cổ phiếu, 3 cổ phiếu gồm FLC của Tập đoàn FLC, HAI của Công ty cổ phần Nông dược HAI, ROS Công ty cổ phần Xây dựng FLC Faros đã bị Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (HOSE) đưa vào danh sách các cổ phiếu không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ (margin) do chậm công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021 so với hạn quy định.

Về tài sản, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã có công văn gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về việc phối hợp phục vụ điều tra vụ án thao túng thị trường chứng khoán xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn FLC, Công ty cổ phần Chứng khoán BOS và các công ty liên quan.

Cơ quan điều tra đề nghị các địa phương rà soát, cung cấp thông tin, tài liệu về tài sản như bất động sản, cổ phần, cổ phiếu, góp vốn đứng tên cá nhân ông Trịnh Văn Quyết, bà Lê Thị Ngọc Diệp (vợ ông Quyết), bà Trịnh Thị Thúy Nga và bà Trịnh Thị Minh Huế. Đồng thời, tạm dừng giao dịch chuyển nhượng, mua, bán, cho, tặng, cầm cố, thế chấp với các khối tài sản như bất động sản, cổ phần, góp vốn, cổ phiếu của ông Quyết và các cá nhân trên.

Trước đó, C01 cũng đề nghị 8 ngân hàng cung cấp hồ sơ mở tài khoản, thông tin tài khoản thanh toán, tiết kiệm, tiền vay (đồng Việt Nam và ngoại tệ), sao kê tài khoản, sổ phụ tài khoản, chứng từ giao dịch (các bút toán giao dịch ký, nhận, chuyển tiền) của ông Quyết và một số cá nhân liên quan.

Với cá nhân ông Trịnh Văn Quyết, ông này đã ủy quyền cho bà Vũ Đặng Hải Yến – Phó tổng giám đốc – thực hiện toàn bộ quyền cổ đông tại FLC, Bamboo Airways và quyền liên quan đến các tài sản, quyền tài sản thuộc sở hữu của mình trước khi bị bắt.

Luật sư Trần Minh Hải – Công ty Luật Basico – cho biết cá nhân bị khởi tố, bắt tạm giam chỉ bị mất một số quyền về nhân thân trong một thời hạn nhất định. Còn quyền sở hữu tài sản có liên quan trong một vụ án không bị tách khỏi người sở hữu tài sản.

“Về nguyên tắc, các cơ quan tiến hành tố tụng như Cơ quan cảnh sát điều tra, Viện Kiểm sát nhân dân, Toà án chỉ áp dụng một số biện pháp ngăn chặn như phong toả, kê biên, cấm chuyển dịch. Nhưng những biện pháp này không làm chấm dứt quyền sở hữu tài sản của cá nhân”, ông Hải phân tích.

Với trường hợp ông Quyết, luật sư Hải cho biết ông này vẫn là cổ đông của Tập đoàn FLC và các doanh nghiệp khác theo quy định pháp luật.

“Quyền cổ đông của ông Quyết không bị tước trong mọi trường hợp, trừ khi cá nhân ông này chấm dứt quyền sở hữu với cổ phần đang nắm giữ tại doanh nghiệp. Vì vậy, ông Quyết vẫn có quyền biểu quyết, quyết định các vấn đề liên quan qua người được uỷ quyền”, ông Hải nói.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới