(KTSG Online) – GDP bình quân đầu người của Việt Nam đã tăng trưởng ấn tượng nhất trong các quốc gia trên thế giới. Xu hướng này phản ánh tính năng động của nền kinh tế Việt Nam trong những năm qua.
Tạp chí Forbes vừa đưa ra đánh giá, trong giai đoạn 2006-2021, GDP bình quân đầu người của Việt Nam theo đô la Mỹ giá hiện hành đã tăng gần 371% (tăng gần 5 lần). Nếu theo giá so sánh năm 2015, trong 15 năm này, GDP bình quân của Việt Nam tăng 104,4% (hơn 2 lần).
- Financial Times: Việt Nam dẫn đầu toàn cầu về tốc độ tăng trưởng kinh tế số hóa
- Tăng trưởng kinh tế 6,5% có phải là mục tiêu thách thức?
Tạp chí Forbes đánh giá, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới trải qua nhiều khó khăn và gián đoạn do đại dịch Covid-19, nhiều quốc gia vẫn ghi nhận tăng trưởng và Việt Nam là một ví dụ tiêu biểu.
Số liệu mới nhất từ Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy GDP bình quân đầu người năm 2021 của Việt Nam đạt 3.694,02 đô la. Năm 2019, GDP bình quân đầu người của Việt Nam là 3.425,09 đô la, sau đó tăng lên 3.526,27 đô la vào năm 2020 và đạt 3.694,02 đô la vào năm 2021. Trên thực tế, GDP bình quân đầu người của Việt Nam đã tăng mạnh kể từ khoảng năm 2005.
Khi xem xét tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đầu người hàng năm, WB tính GDP của Việt Nam theo đồng nội tệ cố định. Do đó, nếu chỉ tính toán tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đầu người hàng năm của Việt Nam theo giá trị đồng đô la ở thời điểm hiện tại thì số liệu không khớp với tốc độ tăng trưởng hàng năm do WB cung cấp.
Tạp chí Forbes cũng cho biết, ngay cả khi phân tích GDP bình quân đầu người của Việt Nam tính theo giá trị đồng đô la vào năm 2015 thay vì giá trị đồng đô la ở thời điểm hiện tại, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đầu người của Việt Nam vẫn rất ấn tượng.
Cụ thể, nếu tính theo giá trị đồng đô la năm 2015, GDP bình quân đầu người của Việt Nam năm 2006 là 1.650,63 đô la, trước khi tăng lên 3.373,08 đô la vào năm 2021. Điều đó tương đương với tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đầu người của Việt Nam trong 15 năm qua là 104,4%.
Từ năm 2019 đến 2020, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đầu người hàng năm của Việt Nam là 2,01%. Theo Forbes, mặc dù tốc độ tăng trưởng trong giai đoạn này chậm lại so với tốc độ tăng trưởng hàng năm của giai đoạn 2018-2019 (tương đương 6,13%) nhưng vẫn vô cùng tích cực.
Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đánh giá, trong 20 năm qua, thứ hạng của Việt Nam trên bảng xếp hạng Chỉ số phức hợp kinh tế (ECI) đã tăng từ vị trí 83 lên vị trí 61 trên thế giới.
Theo dữ liệu từ OECD, vào năm 2006, sản phẩm xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam là dầu thô, chiếm 16,9% kim ngạch xuất khẩu, tương đương 7,72 tỉ đô la. Tuy nhiên sang năm 2020, xăng dầu thô chỉ chiếm 0,54% kim ngạch xuất khẩu, tương đương 1,64 tỉ đô la.
Thay vào đó, thiết bị phát thanh truyền hình đã trở thành mặt hàng xuất khẩu lớn nhất, chiếm 14% kim ngạch xuất khẩu, tương đương 42 tỉ đô la. Đứng thứ hai là điện thoại, chiếm 7,14% tổng trị giá xuất khẩu, tương đương 21,4 tỉ đô la. Xuất khẩu linh kiện điện tử đứng thứ ba, chiếm 6,48% tổng giá trị xuất khẩu và tương đương 19,4 tỉ đô la.
Các thị trường xuất khẩu của Việt Nam cũng phát triển rõ rệt kể từ năm 2006, Mỹ là thị trường xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam, chiếm 19,8% (9,02 tỉ đô la) tổng giá trị xuất khẩu; đến năm 2020, con số này đã tăng lên 25,6% (77 tỉ đô la) tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam.
Ngoài Mỹ, Trung Quốc cũng là một trong những thị trường xuất khẩu chính. Vào năm 2006, xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc chiếm 5,74%, tương đương 2,62 tỉ đô la tổng giá trị xuất khẩu. Đến năm 2020, Trung Quốc vươn lên vị trí thứ hai trong số các thị trường Việt Nam xuất khẩu nhiều nhất, chiếm 16,5%, tức 49,4 tỉ đô la tổng giá trị xuất khẩu.
Theo Forbes và TTXVN